Cơ chế bình thông nhau
Theo số liệu thống kê mới nhất, đến cuối tháng 6, tín dụng tăng gần 7% so với cuối năm 2017, thấp hơn khá nhiều so với mức tăng 8,7% của cùng kỳ năm trước. Trong khi theo số liệu của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, huy động vốn 6 tháng đầu năm ước tăng 8%.
Tuy nhiên, theo một chuyên gia ngân hàng, nhìn con số tương đối thì là như vậy, song con số tăng tín dụng tuyệt đối cũng không chênh là bao nhiêu so với cùng kỳ năm trước khi mà mức tăng này là trên một nền khá cao sau khi tín dụng đã tăng hơn 18% trong năm 2017.
“Do tín dụng được tập trung vào sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên, trong khi tín dụng chảy vào bất động sản, chứng khoán vẫn đang được NHNN kiểm soát chặt chẽ, nên lượng vốn tín dụng chảy vào nền kinh tế thực còn lớn hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước. Đó là chưa kể kinh tế những tháng đầu năm sôi động hơn rất nhiều nên tốc độ quay vòng vốn cũng nhanh hơn. Tất cả những điều đó khiến chất lượng, hiệu quả tín dụng được nâng lên nhiều”, vị chuyên gia trên phân tích.
NHNN yêu cầu TCTD tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh tạo điều kiện giảm LSCV với các lĩnh vực ưu tiên |
Cũng chính bởi vậy, theo vị chuyên gia này, mặc dù tín dụng 6 tháng đầu năm tăng trưởng thấp hơn, song vẫn hỗ trợ nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng tới 7,08%, cao nhất trong 7 năm gần đây. Cũng do chất lượng, hiệu quả tín dụng tiếp tục được cải thiện, nên NHNN vẫn đảm bảo được mục tiêu kiểm soát lạm phát. Theo đó, lạm phát cơ bản tháng 6/2018 chỉ tăng 0,1% so với tháng trước và tăng 1,37% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản bình quân 6 tháng đầu năm 2018 tăng 1,35% so với bình quân cùng kỳ năm 2017.
Nhận định về mục tiêu tăng trưởng tín dụng (TTTD) cả năm là 17%, vị chuyên gia này cho rằng, hoàn toàn khả thi bởi thông thường tín dụng sẽ tăng mạnh hơn trong những tháng cuối năm. “Tôi cho rằng trong quý III, TTTD chí ít cũng phải đạt được cỡ 3-4%; cộng thêm sự tăng trưởng mạnh của quý IV thì cả năm đã ngót nghét 17%. Điều này thể hiện mục tiêu của nhà điều hành đặt ra là khả thi”, vị chuyên gia này nhìn nhận.
Thậm chí, theo ông, nếu TTTD năm nay có thấp hơn so với mục tiêu đã đề ra cũng là hoàn toàn dễ hiểu khi mà lạm phát đang có xu hướng tăng nhanh trở lại trong mấy tháng gần đây, trong khi áp lực lạm phát những tháng cuối năm vẫn còn rất lớn và diễn biến rất khó lường. Bên cạnh lạm phát, tỷ giá cũng đang chịu nhiều áp lực khi đồng USD đang tăng mạnh trên thị trường thế giới. “Tín dụng là một trong cách thức để kiềm chế và NHNN đang rất cố gắng kiểm soát trong mục tiêu đưa ra để giảm số tiền quá lớn có thể tạo ra từ cơ chế tín dụng”, chuyên gia chia sẻ.
Còn về việc huy động vốn tăng mạnh hơn so với tín dụng, theo SSI Research, một phần nhờ lượng nội tệ được NHNN bơm ra khi mua vào 12 tỷ USD cho dự trữ ngoại hối những tháng đầu năm. Yếu tố khác đến từ việc thị trường chứng khoán giảm điểm, thị trường bất động sản cũng chững lại khiến dòng vốn có xu hướng chảy mạnh vào ngân hàng.
Theo TS-LS. Bùi Quang Tín phân tích, nếu như quý I/2018, thị trường chứng khoán tăng 22%, thì 3 tháng vừa qua đã giảm 25%. Có nghĩa chẳng những thị trường chứng khoán đã xóa sạch những thành quả đạt được trong 3 tháng đầu năm, mà còn “ăn” cả vào mức tăng trưởng của năm 2017. Trong khi đó, thị trường bất động sản hai tháng qua cũng có sự chững lại. “Dòng vốn cũng như cơ chế bình thông nhau, khi vốn tại một số thị trường tắc nghẽn thì dòng tiền sẽ chảy vào gửi tiết kiệm ngân hàng”, ông Tín cho biết.
Tín dụng tăng chậm - chưa hẳn đã đáng lo
Còn về mức chênh lệch khá lớn giữa huy động và TTTD, giới chuyên gia cho rằng, đó cũng là điều dễ hiểu. Bởi hơn ai hết, các ngân hàng rất thấu hiểu rủi ro của tình trạng “bóc ngắn cắn dài” những năm trước đây đã đẩy không ít ngân hàng lâm vào cảnh khó khăn về thanh khoản tạm thời, buộc phải “vay nóng” trên thị trường liên ngân hàng với lãi suất khá cao.
Thậm chí việc tín dụng tăng chậm hơn huy động là điều tích cực. Một mặt nó giúp các ngân hàng duy trì trạng thái thanh khoản tốt hơn; mặt khác nó cũng nhen lên hy vọng, dù không nhiều, là mặt bằng lãi suất sẽ tiếp tục giảm.
Tuy nhiên, mặc dù xét tổng thể thanh khoản của hệ thống hiện đang khá dồi dào, song nó lại phân bổ không đều và vẫn có ngân hàng đang chạy theo mục tiêu TTTD ngắn hạn. Cũng chính bởi vậy, mới đây, NHNN đã có văn bản yêu cầu các TCTD kiểm soát tốc độ TTTD phù hợp với khả năng huy động vốn và chỉ tiêu TTTD đã được thông báo để đảm bảo TTTD an toàn, hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn tín dụng của DN và người dân.
Bên cạnh đó, tiếp tục chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo hướng chú trọng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên, đặc biệt là nhu cầu vốn đối với lĩnh vực ưu tiên theo quy định tại Khoản 2 Điều 13 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của NHNN (các lĩnh vực: nông nghiệp, nông thôn; xuất khẩu; công nghiệp hỗ trợ; DNNVV; DN ứng dụng công nghệ cao).
NHNN cũng yêu cầu các TCTD tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện giảm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất kinh doanh nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng vay nhưng đảm bảo an toàn tài chính trong hoạt động.
Rõ ràng, khi thanh khoản dồi dào, hy vọng mặt bằng lãi suất giảm tiếp là hoàn toàn có cơ sở. Tuy nhiên, theo các chuyên gia ngân hàng, việc giảm thêm lãi suất là điều rất khó trong bối cảnh hiện nay với ưu tiên hàng đầu là kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá. Bên cạnh đó, giai đoạn cuối năm nhu cầu tín dụng thường tăng cao khi các DN tăng tốc để hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh năm. Vì lẽ đó, các ngân hàng cũng phải chuẩn bị bằng cách đẩy mạnh huy động để chuẩn bị đáp ứng cho nhu cầu vốn cuối năm.
Nhìn lại bức tranh huy động – tín dụng những tháng đầu năm, một chuyên gia bình luận, việc giải ngân chậm lại không phải vì nền kinh tế không hấp thụ được, các DN không có nhu cầu vay cao mà nằm ở vấn đề rủi ro, thận trọng hơn của các NHTM. “TTTD chậm hơn ở thời điểm này là phù hợp, đảm bảo an toàn cho hệ thống, không đẩy một số thị trường vào tăng trưởng nóng”.