Tính đến hết 20/9, tín dụng tăng trưởng 11,02% cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, so với tháng trước đó thì tín dụng tăng không đáng kể. Từ giờ đến cuối năm, tín dụng có đạt được mục tiêu như Chính phủ đặt ra cho ngành NH để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế cán đích 6,7%? Phóng viên Thời báo Ngân hàng có cuộc trao đổi với Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế ông Nguyễn Quốc Hùng.
Tín dụng đang tăng chậm lại, liệu chúng ta có đạt chỉ tiêu như Chính phủ kỳ vọng không, thưa ông?
Với diễn biến thực tế hiện nay, theo tôi, việc tín dụng cán đích không phải là khó. Vấn đề là dòng vốn tín dụng chảy vào đâu, NH kiểm soát thế nào để làm sao thúc đẩy sản xuất kinh doanh, hỗ trợ DN tạo ra nhiều sản phẩm cho xã hội để đảm bảo đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7%. Đó là mục tiêu hàng đầu. Bởi lẽ, nếu đạt tỷ lệ tăng trưởng cao nhưng lại đầu tư vào lĩnh vực có độ rủi ro cao thì không ổn chút nào.
Theo số liệu tôi nắm bắt được, tình hình cho vay một số lĩnh vực như chế tạo khai khoáng, công nghiệp phụ trợ có mức tăng trưởng mạnh khi dư nợ tín dụng tăng 18 – 19% so với cuối năm ngoái. Dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp nông thôn (NNNT) tăng khoảng 10%, riêng lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao theo chủ trương của Chính phủ cùng với gói tín dụng nông nghiệp sạch, các NH đã cho vay hơn 35 nghìn tỷ đồng.
Đối với các DNNVV, tín dụng tiếp tục tăng đều. Các DN làm ăn tốt tiếp cận vốn rất thuận lợi. Ngành NH đang tiếp tục đẩy mạnh tổ chức hội nghị kết nối NH – DN ở nhiều nơi địa phương, nhất là các thành phố lớn như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh để nắm bắt những khó khăn vướng mắc của DN, từ đó có giải pháp xử lý. Có thể nói, những khó khăn mà DN gửi đến NHNN đều xử lý rốt ráo.
Còn đối với các lĩnh vực bất động sản, BOT, BT, dư nợ ở mức khá thấp không đáng kể, như tín dụng bất động sản tăng khoảng 5%... Nhìn từ cơ cấu tín dụng trên có thể khẳng định, định hướng của NHNN là tiếp tục “nắn” dòng tiền vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh tạo ra sản phẩm có giá trị cao nhất là lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo Chính phủ, NHNN đảm bảo tăng trưởng một cách ổn định bền vững. Đặc biệt, đảm bảo nâng cao chất lượng tín dụng, kiểm soát không để nợ xấu phát sinh.
NHNN giám sát dòng tiền ra sao để đảm bảo vốn chảy đúng địa chỉ, thưa ông?
NHNN tiếp tục kiểm soát chặt chẽ TTTD của các TCTD thông qua nhiều công cụ. Trước hết là yêu cầu các NH báo cáo tình hình cho vay theo chỉ tiêu được giao. Ngoài ra, NHNN theo dõi các chỉ số an toàn tài chính, hệ số thanh khoản... Các NH phải xác định có đủ nguồn lực mới tính đến chuyện mở rộng tín dụng. Muốn tăng gì thì tăng, TCTD phải đảm bảo các tiêu chí an toàn tối thiểu cho hoạt động như tỷ lệ CAR… Hay nói cách khác, các van tín dụng đều có khóa nên không phải NH cứ muốn tăng là được.
Từ giờ đến cuối năm, nếu các NH sử dụng hết room, NHNN có tiếp tục nới cho họ không?
Các TCTD muốn xin thêm room phải giải trình đầy đủ tăng trưởng thế nào, đầu tư vào đâu… NHNN phải kiểm soát chặt chẽ lường đón những khó khăn cho năm 2018. Một trong những yếu tố để NHNN xem xét là những NH tập trung tín dụng vào những lĩnh vực ưu tiên, sản xuất trực tiếp, có chất lượng tín dụng cao được khuyến khích. Còn những lĩnh vực bất động sản, BOT, BT thời gian cho vay dài thì NHNN tiếp tục hạn chế. Chỉ những dự án nào thực sự hiệu quả, chủ đầu tư chứng minh được năng lực thì mới xem xét… để đảm bảo tăng trưởng đi đôi an toàn phù hợp điều hành chính sách tiền tệ.
Thực tế, tuy dư nợ cho vay BOT, BT không nhiều, hiện khoảng hơn 90 nghìn tỷ đồng nhưng thời gian qua đang nảy sinh những bất cập ảnh hưởng đến hoạt động cho vay của NH. Như việc chủ đầu tư có thể phải di dời trạm thu phí, tác động đến nguồn thu, ảnh hưởng đến khả năng trả nợ NH. Vì vậy, NHNN cảnh báo yêu cầu các NH xem xét rà soát lại dự án BOT, BT tránh việc giảm thu của các dự án ảnh hưởng đến kỳ hạn trả nợ mà vẫn phải bảo đảm như cam kết hợp đồng.
Liên quan đến khả năng trả nợ của khách hàng, vừa qua một số NH đang kêu khó khăn trong việc xử lý các khoản cho vay theo Nghị định 67. Ông có thể cho biết, NHNN đang có hướng giải quyết ra sao đối với vấn đề này?
Cho vay theo Nghị định 67 là chủ trương lớn phù hợp thực tiễn, tạo điều kiện cho ngư dân có tàu hiện đại đánh bắt xa bờ góp phần quan trọng vào việc phát triển ngành thủy sản theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và tái cơ cấu ngành thủy sản, phát triển bền vững... Tuy nhiên, thực tế triển khai có nhiều vấn đề phát sinh mà chính sách chưa lường đón được hết.
Đơn cử như chất lượng đóng tàu mới không đảm bảo, thiết kế tàu chưa phù hợp, chủ tàu lại không nắm rõ cách vận hành dẫn đến khai thác chưa hiệu quả. Hay như trường hợp chủ tàu không còn khả năng đóng mới, bị bệnh qua đời trong quá trình vay...
Thực tế đã xảy ra những tình huống dở khóc dở cười khiến cả người vay lẫn NH đều bó tay: ngư dân đang đóng tàu không may qua đời, em trai của ngư dân này cũng nằm trong đối tượng được cho vay muốn nhận nợ thay để tiếp tục hoàn thành con tàu ra khơi. Nhưng vì quy định không có nên NH cũng không dám thực hiện dù rằng rất muốn… Hiện các văn bản liên quan tại Nghị định không có quy định cơ chế chuyển đổi chủ tàu, gây khó khăn cho NH trong việc xử lý nợ vay. Đến thời điểm này, 12/28 tỉnh đã có nợ xấu phát sinh, trong đó có 12 khoản vay bị chuyển nợ xấu với số tiền gần 174 tỷ đồng.
Trước những bất cập trên, NHNN đã tổng hợp lại khó khăn vướng mắc đồng thời đưa ra một số nội dung cần phải sửa đổi, bổ sung trong quá trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Chính phủ sửa đổi bổ sung Nghị định 67 của Chính phủ. Cần phải có quy định cụ thể về cơ chế xử lý nợ đối với các nguyên nhân khách quan, bất khả kháng từ thực tế triển khai như tàu kém chất lượng, mẫu thiết kế không phù hợp, môi trường ô nhiễm…
Quy định quan trọng nữa là xem xét cơ chế chuyển đổi chủ tàu (trong trường hợp không còn khả năng tiếp tục thực hiện dự án đóng mới, nâng cấp tàu…) để người kế thừa có thể vực lại các hoạt động khai thác hải sản vừa tạo nguồn thu nhập cho ngư dân, vừa trả được nợ cho NH. Đối với trường hợp này, giao cho UBND cấp tỉnh phê duyệt chủ tàu thay thế, làm cơ sở để các NHTM thực hiện chuyển đổi khoản vay.
Ngoài ra, hiện nay số lượng tàu khai thác hải sản xa bờ đã vượt quy hoạch tàu cá mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt ra giai đoạn 2016 - 2020. Cung tàu thì vượt trong khi nguồn lợi thủy sản có dấu hiệu suy giảm. Do vậy, NHNN kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Chính phủ đến hết năm 2017 dừng chính sách tín dụng ưu đãi đối với cho vay theo Nghị định 67.
Xin cảm ơn ông!