Một trong những nhiệm vụ quan trọng của DIV là công tác cấp và thu hồi Chứng nhận tham gia BHTG. Việc cấp Chứng nhận tham gia BHTG chính là cam kết của DIV sẽ cùng Chính phủ gánh vác trọng trách đối với người gửi tiền và đối với hệ thống tài chính ngân hàng khi tổ chức tín dụng gặp rủi ro hay bị giải thể, phá sản.
Cơ sở pháp lý cho hoạt động cấp, thu hồi Chứng nhận tham gia BHTG
Trước khi Luật BHTG có hiệu lực, DIV thực hiện cấp, thu hồi Chứng nhận tham gia BHTG đối với tổ chức tham gia BHTG theo quy định tại Quyết định 185/2006/QĐ-BHTG3 ngày 02/8/2006 quy định về cấp và thu hồi Chứng nhận BHTG, nội dung của việc BHTG đối với tổ chức tham gia BHTG. Quyết định 185 được ban hành căn cứ vào Nghị định số 89/1999/NĐ-CP ngày 01/9/1999 của Chính phủ về BHTG, Nghị định 109/2005/NĐ-CP ngày 24/8/2005 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 89/1999/NĐ-CP và Thông tư 03/2006/TT-NHNN ngày 25/4/2006 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn một số nội dung tại Nghị định 89 và Nghị định 109. Đến nay, nội dung về cấp và thu hồi Chứng nhận tham gia BHTG theo quy định tại các văn bản này đã hết hiệu lực thi hành.
Ngày 18/6/2012, Luật BHTG số 06/2012/QH13 được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2013. Các quy định trong Điều 14, 15, 16, 17 Luật BHTG tạo hành lang pháp lý cho hoạt động cấp và thu hồi Chứng nhận tham gia BHTG; nâng cao vị thế của DIV; hướng tới việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền một cách hiệu quả, công khai, minh bạch.
Hiện đã có 2 văn bản dưới Luật được ban hành: Nghị định số 68/2013/NĐ-CP ngày 28/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật BHTG và Thông tư 24/2014/TT-NHNN ngày 06/9/2014 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn một số nội dung về hoạt động BHTG.
Ngày 28/6/2016, DIV ban hành Quy chế cấp và thu hồi Chứng nhận tham gia BHTG (gọi là Quy chế) kèm theo Quyết định số 408/QĐ-BHTG-HĐQT. Quyết định này thay thế các quy định trước đây về cấp và thu hồi Chứng nhận tham gia BHTG. Quy chế quy định rõ về hồ sơ, quy trình, thủ tục cụ thể đối với từng trường hợp cấp, cấp lại, thu hồi, cấp bản sao Chứng nhận tham gia BHTG.
Các quy định nêu trên tạo hành lang pháp lý cho hoạt động của DIV nói chung và hoạt động cấp và thu hồi Chứng nhận tham BHTG nói riêng; nâng cao vị thế của DIV; hướng tới việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, công khai minh bạch chính sách của Nhà nước tới người dân.
Thực tế triển khai hoạt động cấp và thu hồi Chứng nhận tham gia BHTG
Hoạt động cấp Chứng nhận tham gia BHTG được thực hiện thường xuyên, liên tục khi có đơn đề nghị từ tổ chức tham gia BHTG, đảm bảo đúng quy trình và thời gian theo quy định, đáp ứng nhu cầu của các tổ chức tín dụng, qua đó góp phần minh bạch hóa chính sách BHTG.
Trong những năm qua, số lượng Chứng nhận tham gia BHTG được cấp hoặc thu hồi biến động theo số lượng tổ chức tham gia BHTG thành lập mới hoặc chấm dứt hoạt động, giải thể, sáp nhập, hợp nhất.
Số lượng tổ chức tham gia BHTG được cấp Chứng nhận tham gia BHTG trong 10 năm qua
Ngoài việc thực hiện cấp, thu hồi Chứng nhận tham gia BHTG khi có đơn đề nghị từ tổ chức tham gia BHTG, DIV đã chủ động có công văn nhắc nhở và phối hợp với tổ chức tham gia BHTG trong việc rà soát hồ sơ một cách cụ thể đến từng điểm giao dịch đối với các trường hợp gửi hồ sơ chưa đúng quy định. Đối với các quỹ tín dụng nhân dân, ngoài việc có công văn nhắc nhở, Chi nhánh DIV khu vực gửi thông báo, kiến nghị sang Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trên địa bàn để có biện pháp chấn chỉnh, xử lý. Sự phối hợp, chia sẻ thông tin giữa DIV và các đơn vị có liên quan trong việc cấp, thu hồi Chứng nhận tham gia BHTG diễn ra liên tục và chặt chẽ, tạo thuận lợi trong việc quản lý, giám sát tổ chức tham gia BHTG. Bên cạnh đó, trong báo cáo kết quả giám sát, DIV đề xuất kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xử lý đối với trường hợp tổ chức tham gia BHTG có vi phạm quy định về cấp, thu hồi Chứng nhận tham gia BHTG.
Trước đây, việc cấp và thu hồi Chứng nhận tham gia BHTG thực hiện theo Quyết định 185/2006/QĐ-BHTG3 còn nhiều bất cập trong việc tiếp nhận hồ sơ, đảm bảo thời gian cấp và quản lý số lượng Chứng nhận BHTG. Ngoài ra, việc phân cấp quản lý Chứng nhận tham gia BHTG chưa thống nhất giữa các đối tượng tham gia BHTG, còn chia tách thành hai mảng (ngân hàng thương mại và quỹ tín dụng nhân dân; tổ chức tài chính vi mô) dẫn đến công tác quản lý và tổng hợp còn gặp khó khăn.
Từ sau khi có Luật BHTG, hoạt động cấp và thu hồi Chứng nhận tham gia BHTG về cơ bản không thay đổi nhiều về quy trình. Tuy nhiên vẫn còn vấn đề vướng mắc, dẫn đến việc triển khai gặp khó khăn:
Về phía DIV
- Việc chia sẻ, cung cấp thông tin về cấp Giấy phép, thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức tín dụng, Giấy phép thành lập chi nhánh ngân hàng nước ngoài; thông tin về việc tạm đình chỉ hoạt động nhận tiền gửi; thông tin về việc chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, giải thể, phá sản tổ chức tham gia BHTG được thực hiện không thường xuyên. Do vậy, DIV chưa chủ động trong việc rà soát, theo dõi việc cấp, thu hồi Chứng nhận tham gia BHTG của các tổ chức tham gia BHTG.
- Thời gian thẩm tra hồ sơ Chứng nhận tham gia BHTG rất ngắn, tạo áp lực lớn cho DIV trong công tác cấp và thu hồi Chứng nhận tham gia BHTG.
Về phía tổ chức tham gia BHTG
- Hệ thống ngân hàng thương mại có mạng lưới hoạt động lớn dẫn đến việc theo dõi, đề nghị cấp bản sao Chứng nhận tham gia BHTG còn chưa hoàn toàn chủ động. Nhiều trường hợp chưa niêm yết bản sao Chứng nhận tham gia BHTG bị phát hiện qua hoạt động kiểm tra của DIV.
- Hệ thống quỹ tín dụng nhân dân do địa bàn hoạt động chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa dẫn đến việc tiếp cận chính sách về BHTG còn hạn chế.
Những điểm mới trong quy định tại Quy chế cấp, thu hồi Chứng nhận tham gia BHTG
Quy chế cấp và thu hồi Chứng nhận tham gia BHTG được xem như cẩm nang cụ thể hóa các quy định của Luật BHTG và các văn bản dưới Luật về cấp và thu hồi Chứng nhận tham gia BHTG, giúp các tổ chức tham gia BHTG dễ dàng hơn trong việc thực hiện chính sách BHTG. Quy chế được xây dựng nhằm đảm bảo việc cấp và thu hồi Chứng nhận tham gia BHTG được thực hiện theo quy định của pháp luật, minh bạch chính sách, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền; thống nhất việc thực hiện các quy định đối với các tổ chức tham gia BHTG và các đơn vị thuộc DIV; đồng thời những nội dung tại Quy chế đảm bảo có hiệu lực thi hành cao đối với các đối tượng điều chỉnh.
Các quy định trong Quy chế có những điểm mới so với quy định trước đây:
Về tổ chức tham gia BHTG: trước đây tổ chức tín dụng có nhận tiền gửi của tổ chức, cá nhân phải tham gia BHTG bắt buộc. Theo quy định của Luật BHTG, tổ chức tham gia BHTG là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thành lập và hoạt động theo Luật các tổ chức tín dụng được nhận tiền gửi cá nhân. Đây là một thay đổi cơ bản định nghĩa về tổ chức tham gia BHTG. Quy chế quy định rõ tổ chức tham gia BHTG bao gồm ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô.
Quy định về bản sao Chứng nhận tham gia BHTG là quy định mới so với quy định trước đây, theo đó tổ chức tham gia BHTG phải niêm yết công khai bản sao Chứng nhận tham gia BHTG tại tất cả các điểm giao dịch có nhận tiền gửi và DIV cấp bản sao Chứng nhận tham gia BHTG căn cứ theo số lượng điểm giao dịch của tổ chức tham gia BHTG có nhận tiền gửi cá nhân. Quy chế quy định rõ bản sao Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi là bản sao do Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cấp từ sổ gốc.
Về thời hạn đăng ký tham gia BHTG: trước đây quy định việc đăng ký tham gia BHTG phải hoàn tất thủ tục trước khi bắt đầu tiến hành hoạt động nhận tiền gửi. Hiện nay, căn cứ Luật BHTG, Quy chế quy định rõ chậm nhất là 15 ngày trước ngày khai trương hoạt động, tổ chức tham gia BHTG phải nộp đủ hồ sơ đề nghị cấp Chứng nhận tham gia BHTG cho tổ chức BHTG. Quy định này nâng cao tính pháp lý trong việc đảm bảo các tổ chức được phép huy động tiền gửi phải thực hiện thủ tục đề nghị cấp Chứng nhận tham gia BHTG. Đây cũng là một trong các biện pháp bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền. Chứng nhận tham gia BHTG xác lập quyền và nghĩa vụ của tổ chức tham gia BHTG, đó là cam kết chắc chắn rằng tất cả các khoản tiền gửi thuộc đối tượng bảo hiểm sẽ được bảo hiểm trong trường hợp tổ chức tham gia BHTG bị phá sản, giải thể. Ngoài ra, sau ngày chính thức khai trương hoạt động, tổ chức tham gia BHTG gửi Thông báo xác nhận bằng văn bản ngày thực tế khai trương hoạt động tới DIV. Đây là một trong những biện pháp quản lý của DIV đảm bảo tổ chức tham gia BHTG phải hoàn thành thủ tục đăng ký đúng thời gian theo quy định.
Về hồ sơ xin cấp Chứng nhận tham gia BHTG: trước đây quy định hồ sơ đăng ký tham gia BHTG gồm 7 loại giấy tờ (Phiếu đăng ký tham gia BHTG, Giấy phép thành lập và hoạt động, Giấy Chứng nhận đăng ký kinh doanh, Điều lệ tổ chức và hoạt động, Danh sách Hội đồng quản trị, Điều lệ tổ chức và hoạt động) và phải là bản chính hoặc bản sao có công chứng. Hiện nay, Quy chế quy định hồ sơ đề nghị cấp Chứng nhận gồm 3 loại giấy tờ (Đơn đăng ký tham gia BHTG, Giấy phép thành lập và hoạt động, Giấy Chứng nhận đăng ký doanh nghiệp) và là bản sao có giá trị sử dụng thay cho bản chính theo quy định của pháp luật, bao gồm: bản sao được cấp từ sổ gốc, bản sao được chứng thực từ bản chính, bản sao y bản chính, bản sao lục. Theo đó, giảm số lượng hồ sơ đăng ký tham gia BHTG, giảm thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho tổ chức mới tham gia BHTG.
Về thời gian Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cấp Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi: trước đây quy định Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam thực hiện cấp Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi sau 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đối với tất cả các trường hợp. Hiện nay, Quy chế quy định thời gian Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam thực hiện cấp Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ là 5 ngày làm việc đối với trường hợp cấp mới, cấp lại Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi; là 3 ngày làm việc đối với trường hợp cấp bản sao Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi. Quy định 3 ngày đối với trường hợp cấp bản sao đảm bảo tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi nhanh chóng nhận được bản sao Chứng nhận để niêm yết, tạo thuận lợi cho hoạt động của các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi cũng như việc công khai chính sách bảo hiểm tiền gửi tới người gửi tiền.
Về các trường hợp cấp, thu hồi Chứng nhận tham gia BHTG: hiện nay theo quy định tại Quy chế không còn trường hợp cấp đổi Chứng nhận tham gia BHTG. Ngoài ra, tổ chức tham gia BHTG bị tạm thu hồi Chứng nhận tham gia BHTG khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có văn bản tạm đình chỉ hoạt động nhận tiền gửi theo quy định của pháp luật. Giả định trường hợp tổ chức tham gia BHTG bị tạm đình chỉ hoạt động nhận tiền gửi nhưng vẫn còn đang hoạt động nếu bị thu hồi Chứng nhận tham gia BHTG và công bố thông tin sẽ gây bất lợi cho tổ chức. Do vậy, quy định tạm thu hồi Chứng nhận tham gia BHTG tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức tham gia BHTG khi tổ chức bị tạm đình chỉ hoạt động nhận tiền gửi nhưng vẫn còn đang hoạt động.
Quy chế cấp và thu hồi Chứng nhận tham gia BHTG được ban hành với những nội dung đổi mới phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành, phù hợp với định hướng phát triển của DIV tiến tới minh bạch hóa chính sách BHTG, đơn giản về thủ tục hành chính. Hướng dẫn thực hiện Quy chế được ban hành quy định chi tiết, cụ thể quy trình cấp, thu hồi Chứng nhận tham gia BHTG được ví như Sổ tay nghiệp vụ giúp hoạt động cấp, thu hồi Chứng nhận tham gia BHTG được thống nhất trong toàn hệ thống DIV.
Việc ban hành đồng bộ Quy chế và Hướng dẫn thực hiện Quy chế góp phần nâng cao chất lượng hoạt động cấp, thu hồi Chứng nhận tham gia BHTG. Quy chế đã nhận được tín hiệu tích cực từ phía tổ chức tham gia BHTG, góp phần nâng cao vị thế của DIV.