Trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu bước sang một giai đoạn mới – được coi là giai đoạn hai của cuộc khủng hoảng - khủng hoảng nợ công. Bên cạnh khái niệm “xử lý khủng hoảng”, các nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách đã và đang đề cập đến khái niệm “quản lý khủng hoảng” với nội hàm rộng hơn và đòi hỏi sự tham gia tích cực, chủ động hơn của các cơ quan có trách nhiệm ổn định tài chính. Một vấn đề quan trọng của quản lý khủng hoảng là nâng cao hiệu quả hoạt động của Mạng an toàn tài chính quốc gia, trong đó có nâng cao hiệu quả bảo vệ người gửi tiền và góp phần đảm bảo an toàn hệ thống tài chính của tổ chức bảo hiểm tiền gửi.
Châu Âu đề xuất hướng tới việc xây dựng một hệ thống BHTG thống nhất toàn Liên minh châu Âu
Tại Hội thảo Kinh tế Dublin 2011 gần đây với chủ đề “Củng cố khuôn khổ ổn định tài chính của EU”, Ban Châu Âu của Quỹ tiền tệ thế quốc tế (IMF) đã đưa ra đề xuất thiết lập một hệ thống BHTG thống nhất toàn Châu Âu nhằm giúp đảm bảo rằng những vấn đề về nợ công sẽ không làm bùng phát việc rút tiền ồ ạt khỏi hệ thống ngân hàng. Theo IMF, tiền gửi tại các nước bị ảnh hưởng nặng nề của khủng hoảng nợ công rất dễ bị sụt giảm mạnh do người gửi có thể dễ dàng chuyển tiền gửi của họ sang các tổ chức nhận tiền gửi tại các nước khác. Để ngăn chặn nguy cơ chuyển tiền gửi giữa các quốc gia gây nên sự mất ổn định, IMF đề xuất 2 bước:
- Thứ nhất, cần phải làm cho các chương trình bảo hiểm tiền gửi ở các quốc gia EU trở nên hài hòa và thống nhất hơn nữa nhằm ngăn ngừa việc chuyển tiền gửi do nguyên nhân vẫn còn có các sự khác biệt trong phạm vi bảo hiểm, mặc dù đã có Chỉ thị EU Directive 1994/19/EC về BHTG của các nước trong liên minh châu Âu và sau đó là Chỉ thị EU Directive 2009/14/EC nhằm sửa đổi bổ sung Chỉ thị EU Directive 1994. Tuy nhiên, như thế vẫn là chưa đủ. Chương trình BHTG tại nhiều nước không được cấp vốn đầy đủ, do đó khi xảy ra đổ vỡ của một tổ chức tài chính, tình hình tài chính của các Quỹ BHTG sẽ ngay lập tức gặp khó khăn.
- Bước tiếp theo, các quốc gia thành viên EU cần hướng tới một Chương trình BHTG toàn EU và để cho Chương trình có thể hoạt động được, các quốc gia cần đạt được các thỏa thuận chung về sự phối hợp, hợp tác và sự thống nhất hài hòa về tài chính. Một chương trình như vậy, được bổ sung bằng một cơ chế xử lý đổ vỡ, có thể giúp giải quyết hiệu quả việc đổ vỡ xuyên biên giới trong EU.
Chính phủ Tây Ban Nha tăng gấp đôi mức phí bảo hiểm tiền gửi
Đây là biện pháp được Chính phủ Tây Ban Nha, một trong những quốc gia đang phải đối mặt với khủng hoảng nợ công, thực hiện nhằm tăng cường Quỹ BHTG, qua đó giúp quá trình tái cấu trúc hệ thống tài chính Tây Ban Nha không làm phát sinh chi phí cho người dân đóng thuế, góp phần hạn chế thâm hụt ngân sách chính phủ. Mức phí BHTG áp dụng đối với các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng địa phương và các hợp tác xã tín dụng được tăng gấp đôi. Cụ thể, tỷ lệ phí tối thiểu được nâng lên mức 0,2% số dư tiền gửi, mức phí tối đa lên tới 0,3% số dư tiền gửi. Ngoài ra, tất cả các tổ chức tài chính sẽ đóng góp theo cùng một tỉ lệ phí cố định. Trước đây, tỷ lệ phí áp dụng cho các ngân hàng tiết kiệm địa phương là 0,1%, trong khi các ngân hàng thương mại và hợp tác xã tín dụng phải đóng tương ứng là 0,06% và 0,08%. Cũng theo qui định mới, tất cả tiền gửi của các khách hàng của ngân hàng thương mại, ngân hàng tiết kiệm địa phương và hợp tác xã tín dụng sẽ được bảo hiểm đến mức 100.000 Euro cho mỗi tài khoản. Thêm vào đó, trong trường hợp cần cứu trợ một ngân hàng, Quỹ Bảo đảm tiền gửi sẽ không phải chỉ dựa hoàn toàn vào sự đóng góp của các ngân hàng mà còn có thể phát hành nợ khi có 2/3 số thành viên viên HĐQT của Quỹ chấp thuận.
Đây là bước tiếp theo của Kế hoạch được công bố vào tháng 10/2011 về việc hợp nhất 3 Quỹ Bảo đảm tiền gửi: Quỹ bảo đảm tiền gửi của các ngân hàng thương mại, Quỹ bảo đảm tiền gửi của các ngân hàng tiết kiệm và Quỹ bảo đảm tiền gửi của Hợp tác xã tín dụng thành một Quỹ duy nhất. Sau khi được hợp nhất, Quỹ Bảo đảm tiền gửi của Tây Ban Nha có khoảng hơn 6 tỉ Euro (tương đương khoảng 8,3 tỉ USD) và sau khi tăng mức phí, hàng năm dự kiến sẽ thu khoảng 1,5-1,6 tỉ Euro.
Philippines: Tổng Công ty BHTG Philippines (PDIC) tham gia Chương trình Củng cố các Ngân hàng hợp tác xã (Cooperative banks)
Vào ngày 16/11/2011, Thống đốc NHTW Philippines (BSP), Tổng Giám đốc Tổng Công ty BHTG Philippines (PDIC) và Tổng Giám đốc Ngân hàng Land Bank of the Phillipines (LBP) đã ký Biên bản ghi nhớ về việc thực hiện Chương trình củng cố các Ngân hàng hợp tác xã (SPCB).
Trước đó, vào tháng 8/2011, Chương trình củng cố các Ngân hàng hợp tác xã đã được Hội đồng tiền tệ - Ngân hàng Trung ương Philippines, HĐQT của PDIC và LBP phê chuẩn về nguyên tắc. Đây là một mô-đun của Chương trình Củng cố ngân hàng nông thôn (SPRB) đã được phê duyệt vào tháng 8/2010. Cũng giống như Chương trình Củng cố ngân hàng nông thôn, Chương trình củng cố các Ngân hàng hợp tác xã là một sáng kiến chung được Ngân hàng Trung ương, PDIC và LBP xây dựng với sự thảo luận kỹ càng với khối các ngân hàng hợp tác xã. Chương trình nhằm mục đích hoạt động sáp nhập, củng cố hay mua lại các ngân hàng hợp tác xã đủ điều kiện của Nhà đầu tư bên thứ ba chiến lược (SPTIs) tuân theo một bộ các hướng dẫn chi tiết. Chương trình dự kiến sẽ kéo dài đến tháng 8/2012 và gồm 2 cấu phần chính là cấu phần tăng vốn và cấu phần giảm nhẹ qui định quản lý. Đối với cấu phần tăng vốn, vốn cổ phần sẽ được bơm từ PDIC và LBP vào các ngân hàng vẫn có thể tiếp tục hoạt động để đưa tỉ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) của các ngân hàng này lên mức yêu cầu theo luật định. Mặt khác, Ngân hàng TW sẽ thực hiện gói giảm nhẹ các qui định quản lý để tạo điều kiện cho ngân hàng đạt được lợi thế kinh tế nhờ qui mô cũng như quản lý tốt hơn tài sản nợ. LBP còn có thể sẽ cung cấp hỗ trợ tài chính cho các ngân hàng hợp tác xã đủ điều kiện.
Đây được coi là bước đi đầu tiên trong việc hiện thực hóa tầm nhìn của Chính phủ Philippines về việc xây dựng khối ngân hàng hợp tác xã bền vững và lành mạnh. Tuy nhiên, các bên tham gia ký kết Biên bản ghi nhớ cũng nhấn mạnh: việc có một HĐQT và Ban giám đốc có trình độ và tận tâm cùng các thông lệ quản trị doanh nghiệp lành mạnh là các yếu tố cực kỳ quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của các ngân hàng Hợp tác xã.
Chính sách bảo hiểm tiền gửi tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương
Trong thời gian vừa qua, nhiều nước trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đã tích cực tăng cường, củng cố hệ thống BHTG thông qua việc ban hành, sửa đổi bổ sung luật, chính sách BHTG, điều chỉnh hạn mức…. nhằm bảo vệ tốt hơn người gửi tiền cũng như tham gia tích cực vào quá trình củng cố hệ thống ngân hàng nhằm duy trì sự ổn định và sự phát triển lành mạnh của hệ thống tài chính.
- Kazakhstan: sửa đổi Luật “Bảo hiểm bắt buộc cho tiền gửi tại các Ngân hàng cấp hai của nước Cộng hòa Kazakhstan” trong quá trình chỉnh sửa tổng thể hệ thống Luật điều chỉnh hệ thống ngân hàng, trong đó điểm đáng chú ý là duy trì hạn mức cao 5 triệu tenge áp dụng trong giai đoạn khủng hoảng từ năm 2009. Hạn mức này bảo đảm toàn bộ cho 99% tài khoản tiền gửi tại ngân hàng.
- Cơ quan lập pháp Macao đã phê chuẩn trên nguyên tắc Luật về Chương trình bảo vệ người gửi tiền vào tháng 10/2011 sau khi đã áp dụng Chương trình BHTG tạm thời được áp dụng trong khủng hoảng (10/2008). Theo dự thảo Luật, người gửi tiền có thể nhận được số tiền chi trả bảo hiểm tới mức 500.000 MOP (tiền Macao, tương đương với 63.000 USD theo tỉ giá hiện hành) cho mỗi tài khoản khi một ngân hàng bị đổ vỡ. Chương trình này sẽ hoạt động dựa vào Quỹ Bảo vệ Tiền gửi. Quỹ này nhận khoản vốn cấp đầu tiên từ chính quyền đặc khu hành chính Macao là 150 triệu MOP (khoảng 19 triệu USD). Sau đó, các ngân hàng sẽ phải đóng phí 0,05% của tổng số tiền gửi được bảo hiểm vào tháng 1 hàng năm. Theo cơ quan quản lý tài chính Macao, khoảng 95% tổng tiền gửi tại các ngân hàng ở Macao sẽ được Chương trình này bảo vệ.
- Australia: tiếp tục giữ hạn mức tiền gửi ở mức 1 triệu đô la Australia (được áp dụng từ thời gian khủng hoảng tài chính toàn cầu) cho tới tháng 2/2012 thay vì tháng 10/2011 để đối phó với tình hình bất ổn hiện nay của nền kinh tế thế giới. Sau đó, hạn mức mới 250.000 đô la Australia sẽ được áp dụng từ 1/2/2012. Khi hạn mức được giảm từ mức 1 triệu đô la Australia xuống ở mức 250.000 đô la Australia, hạn mức mới vẫn ở mức cao đủ để đảm bảo toàn bộ 99% số tài khoản và 82% tổng giá trị tiền gửi.