Trước đó, cuối năm 2015, NHNN đã chỉ định 10 ngân hàng thực hiện thử nghiệm tính tỷ lệ an toàn vốn theo Basel 2 kể từ tháng 2/2016gồm: ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank),ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam(BIDV), ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank), ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (Sacombank), ngân hàng Việt Nam Thịnh vượng (VPBank), ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc tế Việt Nam (VIB), ngân hàng Hàng hải (Maritime Bank), ngân hàng Quân đội (MB) vàngân hàng Á Châu (ACB). Quá trình thử nghiệm này là cơ sở để NHNN xây dựng và hoàn thiện dự thảo Thông tư để khi ban hành sẽ có tính khả thi cao nhất.
Theo Thông tư 41, tỷ lệ an toàn vốn đã được NHNN quy định gần với cách tính của Basel 2. Cụ thể, NHNN đã bổ sung các quy định sau: quy định về giảm thiểu rủi ro tín dụng, quy định về vốn yêu cầu cho rủi ro hoạt động và rủi ro thị trường, quy định về chế độ báo cáo và công bố thông tin. Các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (không bị kiểm soát đặc biệt) bắt buộc phải tuân thủ quy định này kể từ 01/01/2020. Ngoài ra, nếu ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nào có khả năng tuân thủ quy định này trước 01/01/2020 sẽgửi văn bản đăng ký cho NHNN.
Bổ sung những yêu cầu chung tối thiểu
Để thực hiện được việc tính tỷ lệ an toàn vốn theo quy định mới, Thông tư 41 đã quy định những yêu cầu tối thiểu về cơ cấu tổ chức và kiểm toán nội bộ,về dữ liệu và hệ thống công nghệ thông tin để quản lý và tính tỷ lệ an toàn vốn, . Đồng thời quy định ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ được sử dụng xếp hạng tín nhiệm thỏa thuận, không sử dụng xếp hạng tín nhiệm tự nguyện của doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm độc lập. Như vậy, chưa cần quy định cụ thể về cách tính tỷ lệ an toàn vốn, những yêu cầu chung tối thiểu trên đây cũng đã giúp hoạt động của hệ thống ngân hàng an toàn hơn.
Quy định cụ thể hơn về hệ số rủi ro tín dụng
Tài sản Có rủi ro đối với rủi ro tín dụng là một trong 3 thành phần của mẫu số để tính tỷ lệ an toàn vốn. Để tính Tài sản Có rủi ro đối với rủi ro tín dụng, thông tư 41 đã quy định cụ thể hơn về hệ số rủi ro tín dụng. Theo đó, các khoản phải đòi Chính phủ Việt Nam, NHNN, Kho bạc Nhà nước, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các ngân hàng chính sách và các tổ chức tài chính quốc tế có hệ số rủi ro tín dụng là 0%. Hệ số rủi ro tín dụng của khoản phải đòi các tổ chức tín dụng khác được xác định dựa theo xếp hạng tín nhiệm thỏa thuận của các doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm độc lập. Đối với các khoản phải đòi doanh nghiệp không phải là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, hệ số rủi ro tín dụng đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ là 90%, hoặc xác định theo doanh thu, tỷ lệ đòn bẩy, vốn chủ sở hữu đối với các doanh nghiệp khác. Ngoài ra, hệ số rủi ro tín dụng cao nhất được quy định tại Thông tư 41 là 250%, cao hơn rất nhiều so với mức 150% được quy định tại Thông tư 36/2014/TT-NHNN.Do vậy, những quy định mới này sẽ làm tăng tổng Tài sản Có rủi ro.
Đưa ra các biện pháp giảm thiểu rủi ro tín dụng
Điều này cho phép các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài sử dụng các biện pháp: dùng tài sản đảm bảo, bù trừ số dư nội bảng, bảo lãnh của bên thứ ba, và sản phẩm phái sinh tín dụng để điều chỉnh giảm giá trị các khoản phải đòi, giảm Tài sản Có rủi ro. Để được sử dụng, các biện pháp giảm thiểu rủi ro này phải đáp ứng được những yêu cầu chặt chẽ của Thông tư 41.
Như vậy, theo quy định của Thông tư 41, Tài sản Có rủi ro đối với rủi ro tín dụng được tính toán chặt chẽ hơn, thận trọng hơn và chính xác hơn so với cách tính trước đây. Để tính toán được giá trị Tài sản Có rủi ro đối với rủi ro tín dụng, các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cần phải phát triển hệ thống công nghệ thông tin tiên tiến để hỗ trợ tính toán, thu thập dữ liệu. Các dữ liệu liên quan đến tín dụng cũng phải được thu thập đầy đủ, phân loại rõ ràng và phải theo dõi, cập nhật thường xuyên. Do đó, các hoạt động liên quan đến tín dụng của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cần phải tuân thủ chặt chẽ theo một quy trình cụ thể.
Vốn yêu cầu cho rủi ro hoạt động và rủi ro thị trường
Đây là hai thành phần vốn không có trong các quy định tính tỷ lệ an toàn vốn trước đây. Vốn yêu cầu cho rủi ro thị trường được tính đối với rủi ro lãi suất, rủi ro giá cổ phiếu, rủi ro ngoại hối, rủi ro giá hàng hóa và giao dịch quyền chọn. Để xác định được vốn yêu cầu cho rủi ro thị trường, Thông tư 41 quy định các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải có quy định bằng văn bản để phân loại các khoản mục, giao dịch vào sổ kinh doanh hay sổ ngân hàng, thường xuyên đối chiếu, rà soát, đánh giá để đảm bảo việc phân loại được chính xác.
Cụ thể hóa việc công bố thông tin
Theo đó, các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải xây dựng quy trình công bố thông tin đảm bảo các yêu cầu của thông tư 41, định kỳ 6 tháng công bố thông tin về tỷ lệ an toàn vốn. Các thông tin được công bố tối thiểu gồm nội dung định tính và nội dung định lượng của: phạm vi tính tỷ lệ an toàn vốn, cơ cấu vốn tự có, tỷ lệ an toàn vốn, rủi ro tín dụng, rủi ro hoạt động, rủi ro thị trường. Đây là quy định hoàn toàn mới, nhằm mục đích để các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài minh bạch thông tin về tỷ lệ an toàn vốn trước các nhà đầu tư, khách hàng, đối tác.
Thông tư 41 ra đời là một bước tiến lớn của ngân hàng Việt Nam trong quá trình phát triển tới gần hơn với thông lệ quốc tế,cụ thể tới các quy định của Ủy ban Basel. Để đáp ứng được các yêu cầu của Thông tư 41, hầu hết các ngân hàng Việt Nam sẽ phải bổ sung vốn tự có để bù đắp cho Tài sản Có rủi ro tăng thêm và rủi ro hoạt động, rủi ro thị trường. Ngoài việc tăng vốn, các ngân hàng cần nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin để hỗ trợ cho việc thu thập, tính toán dữ liệu, đồng thời củng cố quy trình hoạt động đáp ứng các yêu cầu, nguyên tắc của Thông tư 41 khi tính tỷ lệ an toàn vốn.Do vậy, sự ra đời của Thông tư này sẽ giúp hệ thống ngân hàng Việt Nam hoạt động và phát triển an toàn, minh bạch, lành mạnh hơn, đồng thời cũng sẽ giúp các ngân hàng thương mại Việt Nam nâng cao năng lực để tham gia “cuộc chơi” toàn cầu với các ngân hàng nước ngoài.