Ngày 6/6/2012, Uỷ ban châu Âu đã đưa ra một số đề xuất về cơ chế bảo hiểm tiền gửi chung giữa các nước châu Âu (gọi tắt là DGS) nhằm tránh hiện tượng rút tiền hàng loạt có khả năng xảy ra trong bối cảnh bất ổn kinh tế và rủi ro tài chính từ sự biến động tiền tệ. Theo các tính toán thì quy mô quỹ mục tiêu tối ưu của DGS sẽ ít nhất bằng 1% số dư tiền gửi được bảo hiểm của các ngân hàng EU và tồn tại dưới hình thức cấp vốn trước.
BHTG Châu Âu
EU: Uỷ ban châu Âu đề xuất cơ chế bảo vệ tiền gửi ngân hàng xuyên biên giới cho EU
Theo các chuyên gia phân tích quốc tế, cơ chế này đồng nghĩa với việc thiết lập một quỹ tái cấp vốn hỗ trợ giống như Chương trình giải cứu các tài sản có vấn đề (TARP) mà Mỹ đã thực hiện trong giai đoạn khủng hoảng tài chính. Ngoài ra, tất cả các nước châu Âu cần phải có hệ thống BHTG cấp quốc gia với sự hỗ trợ chung của châu Âu cho tất cả các nước và sự tuân thủ chính sách phù hợp của riêng khu vực
Tây Ban Nha
Theo báo cáo của IMF, mặc dù Quỹ BHTG của Tây Ban Nha (gọi tắt là FGD) điểm khá hoàn thiện, song cũng còn có một số lĩnh vực cần được cải thiện hơn nữa. Những hành động can thiệp của FGD không được tiến hành theo ý muốn chủ quan của tổ chức này mà vẫn còn phụ thuộc vào những sự kiện được quy định trong luật và những thông tin do Ngân hàng Trung ương Tây Ban Nha (BdE) cung cấp. Ngoài ra, ở Tây Ban Nha còn thiếu cơ chế xử lý đặc biệt để có thể đảm bảo khả năng hỗ trợ về tài chính của FGD theo những thông lệ tốt nhất về xử lý đổ vỡ hiện tại. Cuối cùng, các hình thức xử lý can thiệp của các cơ quan trong mạng an toàn tài chính của Tây Ban Nha dường như có sự chồng chéo, chẳng hạn như giữa việc hỗ trợ tài chính của FGD và việc hỗ trợ thanh khoản của Ngân hàng Trung ương. IMF lưu ý rằng sự can thiệp của FGD nên tập trung tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình xử lý ngân hàng, nhờ đó đảm bảo việc sử dụng có hiệu quả quỹ bảo hiểm và duy trì các dịch vụ ngân hàng.
Bên cạnh đó, IMF nhấn mạnh cần phải xem xét đưa chính sách ưu đãi đối với người gửi tiền vào luật phá sản của Tây Ban Nha. Việc áp dụng chính sách ưu đãi như vậy có thể tạo điều kiện cho việc thực hiện các kỹ thuật xử lý nhất định như mua lại & tiếp nhận, cũng như tạo thuận lợi hơn cho việc chuyển tiền gửi sang một tổ chức tiếp nhận khác. Thứ tự thanh toán cho chủ nợ tách người gửi tiền khỏi các chủ nợ không được đảm bảo cũng có thể giảm những thách thức pháp lý mà những chủ nợ này phải đối mặt sau khi ngân hàng bị đổ vỡ.
Phần Lan
Báo cáo kết luận tư vấn 2012 của IMF: IMF nhấn mạnh sự cần thiết của giám sát tăng cường hệ thống ngân hàng trong nước. Việc tập trung mạnh vào khu vực ngân hàng Phần Lan hàm ý những rủi ro xấu cao từ hệ thống ngân hàng. Vì vậy, nhiệm vụ đề ra là giám sát chặt chẽ hơn và các yêu cầu nghiêm ngặt hơn, ví dụ vốn tăng thêm, tính thanh khoản cao hơn và bổ sung cho Quỹ BHTG. Ngoài ra, báo cáo cũng đề cập đến việc cần thiết phải tăng cường tính hiệu quả của các bộ máy giám sát và xử lý khủng hoảng.
Macedonia
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tuyên bố rằng Quỹ bảo đảm của Ngân hàng Thế giới và Cơ quan hỗ trợ kỹ thuật khu vực tài chính Balkan sẽ: i) (với sự trợ giúp của nhân viên IMF) hỗ trợ các cơ quan đánh giá khung xử lý ngân hàng và năng lực hoạt động của Quỹ BHTG; và ii) cung cấp dịch vụ tư vấn về các quy tắc hoạt động cho Uỷ ban Ổn định Tài chính và tiến hành một cuộc kiểm tra khả năng thanh toán trong trường hợp cần đến sự trợ giúp của người cho vay cuối cùng.
Hungary
Quỹ Bảo hiểm tiền gửi quốc gia Hungary (NDIF), bắt đầu chi trả cho người gửi tiền của Quỹ tiết kiệm Soltvadkert Es Vidéke Takarékszövetkezet vào ngày 20/6 vừa qua và sẽ hoàn thành quá trình chi trả trong vòng 20 ngày làm việc. Người gửi tiền (cá nhân hoặc tổ chức kinh doanh) có thể nhận được bồi thường với số tiền tối đa tương đương 100 nghìn euro.
Trước đó, ngày 01/06/2012, Cơ quan Giám sát tài chính Hungary rút giấy phép hoạt độngvà ra lệnh đóng cửa Quỹ Tiết kiệm Soltvadkert Es Vidéke Takarékszövetkezet.
Kosovo
IMF báo cáo rằng các chính sách tài chính và kinh tế vĩ mô của Kosovo đang theo đúng hướng. Tuy nhiên, vì một số lý do, kế hoạch đệ trình Luật BHTG sửa đổi lên Quốc hội vào cuối tháng 5 có thể bị trì hoãn trong một thời gian ngắn.
BHTG châu Á
Thái Lan
Theo Báo cáo tư vấn 2012 của IMF, Tổ chức này hài lòng với sự ổn định của hệ thống tài chính của Thái Lan. IMF cho biết, Cơ quan Bảo vệ Tiền gửi Thái Lan có nguồn vốn khá dồi dào do đã nhanh chóng có kế hoạch tăng vốn kể từ khi thành lập vào năm 2008 và quy mô hiện tại đủ để đáp ứng nhu cầu cần thiết, đặc biệt kể từ khi hạn mức BHTG sẽ được giảm từ 50 triệu Baht (tương đương 1,6 triệu USD) xuống còn 1 triệu Baht (tương đương 32.000 USD) vào tháng 8 năm nay. Ngoài ra, tổ chức này nhấn mạnh, Chính phủ Thái Lan cần phải hỗ trợ đầy đủ, nếu cần, để củng cố niềm tin vào hệ thống bảo hiểm tiền gửi trong nước.
Hong Kong
Bổ nhiệm các vị trí trong BHTG Hong Kong: Bộ trưởng Bộ Tài chính đã tái bổ nhiệm bà Pamela Chan Wong Shui làm Chủ tịch Ủy ban BHTG Hong Kong. 4 thành viên đang giữ chức vụ là bà Annie Chan Wai-hing, Giáo sư Francis Chin Yuk-lun, ông Eugene Ho và ông David John Kidd cũng được tái bổ nhiệm. Giáo sư Wong Chak-kei, một giảng viên khoa Tài chính, Đại học Hong Kong được bổ nhiệm lần đầu là thành viên của Ủy ban. Các vị trí bổ nhiệm trên có hiệu lực từ 1/07/2012 với nhiệm kì 2 năm.
Kuwait
Theo báo cáo của IMF, các khuyến nghị trong chương trình FSAP 2010 đề xuất Kuwait thay thế cơ chế BHTG toàn bộ bằng một hệ thống BHTG có chức năng đảm bảo kỷ luật thị trường, gồm cả việc áp dụng một hạn mức bảo hiểm có thể bảo vệ cho người gửi tiền, đồng thời vẫn tạo động lực để thực hiện đúng trọng trách của mình.
Trong khi IMF tiếp tục tăng sự linh hoạt về thời gian để xóa bỏ cơ chế BHTG toàn phần, các nhà chức trách Kuwait tin rằng vẫn chưa đến lúc thực hiện. Ngoài ra, họ cho rằng với sự tập trung tiền gửi lớn (99% người gửi tiền chỉ sở hữu 20% tiền gửi), một cơ chế tiền gửi theo chuẩn mực sẽ không hiệu quả trong việc đối phó với sự rút tiền hàng loạt ở ngân hàng.
Kazakhstan
Ngày 31/5/2012, Hội đồng thanh lý Ngân hàng Valut-Tranzit đã hoàn trả 41,53% số tiền mà Quỹ BHTG của nước này đã chi trả cho người gửi tiền, tương đương với 5,885 tỷ tenge (bằng 39.241.180 USD).
Azerbaijan
BHTG Azerbaijan sẽ chủ trì Hội nghị thường niên Ủy ban BHTG Á-Âu vào 27-28/8/2012 tại Baku, Azerbaijan với chủ đề “Đánh giá các hệ thống BHTG ở các nước Á Âu”. Nội dung của Hội nghị xoay quanh những kinh nghiệm đánh giá mức độ tuân thủ các nguyên tắc trong Bộ các nguyên tắc cơ bản phát triển hệ thống BHTG hiệu quả do IADI phối hợp với Uỷ ban Basel về giám sát ngân hàng ban hành.
BHTG châu Mỹ
Bolivia
Theo báo cáo của IMF, cần phải tăng cường hoàn thiện khu vực tài chính của nước này. Các chỉ số tài chính đều tốt, nhưng cần duy trì mức độ dự phòng của khu vực ngân hàng. Với việc áp dụng cơ chế bảo hiểm tiền gửi hạn chế, các kế hoạch tăng cường mạng an toàn tài chính cho hệ thống tài chính có thể góp phần tăng cường sức mạnh của hệ thống ngân hàng.
Peru
Trong giai đoạn từ tháng 6- 8/2012, hạn mức bảo hiểm tiền gửi ở Peru được điều chỉnh từ mức 34.167 USD xuống mức 34.159 USD. Trước đó, trong giai đoạn từ tháng 3-5/2012, hạn mức BHTG ở nước này được tăng từ mức 26.325 USD lên mức 34.167 USD sau khi được xem xét và đánh giá lại định kỳ hàng quý trên cơ sở chỉ số giá bán buôn.
BHTG châu Phi
Mozambique
Theo IMF, kế hoạch đột xuất cho khu vực tài chính của các nhà chức trách nước này đang được điều chỉnh. Cụ thể, khung pháp lý đầy đủ cho cơ chế xử lý là cần thiết để can thiệp hiệu quả vào các ngân hàng gặp khó khăn. Hơn nữa, Quỹ BHTG thành lập năm 2010 là một phần trong hệ thống quốc gia nhằm ổn định tài chính, tuy nhiên, việc cấp vốn chưa được đảm bảo và hạn mức bảo hiểm tiền gửi chưa được quy định rõ. Báo cáo khuyến nghị số tiền trích từ quỹ BHTG không chỉ để bồi thường cho người gửi tiền trong trường hợp thanh lý tài sản ngân hàng, mà còn đủ để hỗ trợ tái cấp vốn một ngân hàng vỡ nợ và xử lý ngân hàng thông qua một ngân hàng bắc cầu hoặc nghiệp vụ tiếp nhận và mua lại. Các nhà chức trách hi vọng có một kế hoạch đầy đủ vào cuối tháng 9/2012. Khi đó, cùng với Bộ tài chính Pháp, họ sẽ đánh giá các phương án bảo đảm cho cấp vốn và quyết định hạn mức bảo hiểm.