1. Những giải pháp dùng để phân loại rủi ro ngân hàng
Hiện nay có một số phương pháp đang được sử dụng và nhìn chung đó là những phương pháp nhấn mạnh các yếu tố khách quan hoặc định lượng và/hoặc
Những phương pháp dựa vào những thông tin mang tính chủ quan hoặc định tính.
Những giải pháp dựa trên các tiêu chí định lượng
Những giải pháp định lượng thường cố gắng sử dụng những thước đo phản ánh thực tế hoặc những số liệu cho phép phân loại các ngân hàng phục vụ cho mục tiêu tính phí. Những yếu tố thường được sử dụng cho các giải pháp định lượng là:
- Sự chấp hành của một ngân hàng đối với những quy định về vốn điều lệ hoặc các chỉ số về số lượng, chất lượng và mức đủ vốn của một ngân hàng;
- Chất lượng và sự đa dạng hoá trong việc sử dụng vốn của ngân hàng ở cả nội bảng và ngoại bảng;
- Mức độ đủ, sự không ổn định và chất lượng của lợi tức của một ngân hàng;
- Sự ổn định và đa dạng hoá nguồn vốn của ngân hàng
- Mức độ rủi ro lãi suất, rủi ro ngoại hối …
- Chỉ số hay được sử dụng nhất là mức đủ vốn.Vốn là thành phần chủ yếu để đối phó với những thay đổi bất lợi trong chất lượng tài sản có và thu nhập của một ngân hàng.
Những giải pháp dựa trên các tiêu chí định tính
Phương pháp sử dụng chủ yếu là dựa trên các nhận xét, đánh giá của cơ quan thanh tra và cơ quan pháp luật, hoặc của các cơ quan chuyên về nghiệp vụ xếp hạng, đánh giá ngân hàng, chẳng hạn như việc:
- Chấp hành các quy định, các chuẩn mực, các biện pháp chấp hành cụ thể, chấp hành các yêu cầu khác của cơ quan thanh tra và cơ quan BHTG.
- Việc đánh giá được thiết kế để nêu ra được những thông tin về tình trạng tài chính hiện tại của một ngân hàng, những hoạt động quan trọng nhất của ngân hàng và một vài chỉ số nêu được tình trạng tài chính và rủi ro của ngân hàng trong tương lai.
- Việc kiểm tra được tiến hành dưới hình thức tại chỗ, giám sát từ xa hoặc kết hợp cả hai hình thức và những thông tin thu thập sẽ được các cơ quan an toàn xử lý bí mật.
- Ở mỗi nước, tiêu chí kiểm tra có thể khác nhau nhưng nhìn chung đó là những tiêu chí theo kiểu CAMEL.
- Theo phương pháp CAMEL, mỗi ngân hàng khi được kiểm tra tại chỗ sẽ được đánh giá qua 5 chỉ tiêu: Vốn, chất luợng tài sản có, khả năng quản trị, lợi nhuận và thanh khoản.
- Trong một cố gắng để hệ thống đánh giá tập trung hơn vào rủi ro, chỉ tiêu thứ 6 là sự nhạy cảm của ngân hàng trước rủi ro của thị trường được bổ xung vào CAMEL để trở thành CAMELS.
- Mỗi chỉ tiêu được đánh giá trong thang điểm từ 1 (tốt nhất) đến 5 (tồi nhất).
- Ưu điểm của những giải pháp định tính là nó có thể cung cấp những thông tin quan trọng về tình trạng rủi ro trong tương lai của các ngân hàng mà những chỉ số định lượng có thể chưa thể hiện được.
Những giải pháp kết hợp các tiêu chí định tính và định lượng
Những giải pháp tổng hợp thường sử dụng cả hai biện pháp định lượng và định tính để phân loại các ngân hàng. Những giải pháp kết hợp định lượng và định tính được biểu hiện rõ nhất ở những nước đang thực hiện tính phí theo mức độ rủi ro (MĐRR). Chẳng hạn, ở Achentina, Canada, Pháp, Đài loan và Hoa Kỳ đã sử dụng giải pháp tổng hợp trong phương pháp luận của mình để tính phí theo MĐRR.
Tại Achentina, tất cả các tổ chức phải trả một mức phí cơ sở cho Công ty BHTG và trả thêm một mức bổ sung được tính toán theo phương pháp định lượng - định tính cho các mức phí khác nhau. Mức phí bổ sung khác nhau cho từng ngân hàng được tính toán căn cứ vào những yếu tố như CAMEL của cơ quan thanh tra; những chỉ số xác định mức vượt hoặc thiếu vốn so với mức tối thiểu bắt buộc và chất lượng tín dụng.
Ưu điểm của việc kết hợp những giải pháp định lượng và định tính: đây là phương pháp đánh giá rủi ro ngân hàng có hiệu quả cao và có thể giải thích được. Trở ngại chính của giải pháp này là đòi hỏi 1 lượng thông tin lớn từ các ngân hàng và có thể gặp nhiều khó khăn hơn so với giải pháp nghiêng về các tiêu chí định lượng.
2. Yêu cầu về nguồn thông tin
Việc chấp nhận tính phí theo MĐRR đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách phải đảm bảo rằng những nguồn thông tin cần thiết sẽ được cung cấp để quản lý hệ thống một cách đúng đắn. Một trong những vấn đề cần xử lý ngay là liệu những thông tin cần sử dụng đã có sẵn và đã được thu nhận hay là chưa có và chưa được thu nhận. Có ý kiến cho rằng những thông tin cần thiết chỉ nên hạn chế ở những thông tin đã cung cấp cho các cơ quan an toàn. Tuy nhiên, những thông tin này có thể chưa đáp ứng được nhu cầu của một hệ thống tính phí theo MĐRR hiệu quả. Rõ ràng là phải tạo ra được một sự cân bằng giữa một bên là yêu cầu phải có được những thông tin cần thiết để xếp loại các ngân hàng vào những nhóm phí và một bên là yêu cầu sao cho những đòi hỏi của hệ thống không gây ra những phiền toái quá mức cho các ngân hàng.
Trường hợp cơ quan BHTG không trực tiếp thu nhận thông tin mà dựa vào thông tin của các cơ quan làm chính sách hoặc cơ quan thanh tra, nên có một thoả thuận giữa những cơ quan này. Tốt nhất là có được một thoả thuận chính thức đảm bảo rằng những thông tin cần thiết cho chế độ tính phí theo MĐRR sẽ được thu nhận và chuyển giao theo định kỳ.
Một vấn đề khác cần xem xét là liệu những thông tin dùng để tính phí theo MĐRR đã được phê duyệt chưa. Việc sử dụng những thông tin đã được kiểm toán có thể sẽ góp phần tăng tính chính xác của việc tính phí theo MĐRR, đồng thời giảm được gánh nặng về báo cáo và hành chính không cần thiết cho các ngân hàng.
Về tính thời gian của thông tin, quãng thời gian tính phí cần phải phản ánh, đến mức tối đa có thể được, tình trạng rủi ro mới nhất của ngân hàng. Vì tình trạng rủi ro của ngân hàng luôn thay đổi, lý tưởng nhất là thường xuyên xem xét các chỉ tiêu đánh giá. Tuy nhiên, làm được như vậy sẽ rất tốn kém về nhân lực, chi phí hành chính và báo cáo. Hầu như tất cả các nước đều không thể làm được như vậy. Vì thế, nhiều nước chỉ dựa vào một mốc để phản ánh rủi ro của ngân hàng, chẳng hạn như thời điểm kết thúc năm tài chính và coi thời điểm đó là giới hạn về thời gian.
3. Các mức phí và sự ấn định các tỷ lệ phí
Sự ấn định số lượng các loại phí là hết sức quan trọng khi thiết kế một hệ thống tính phí theo MĐRR. Một số công ty BHTG (Hoa Kỳ, Đài Loan) sử dụng đến 9 mức phí trong khi các công ty BHTG khác (Canada) sử dụng 4 mức phí. Pháp và Achentina không phán xét để đưa ra các mức phí cụ thể. Thay vào đó, mức phí là một hàm số luôn gắn với tình trạng rủi ro của ngân hàng.
Sử dụng nhiều mức phí có ưu điểm là sự chênh lệch giữa các mức phí sẽ nhỏ hơn và có thể tạo ra bức tranh tổng quát hơn về phân biệt rủi ro giữa các ngân hàng. Nó cũng cho phép các công ty BHTG dễ dàng hơn trong việc xếp loại các ngân hàng theo điểm số được gán cho họ và sẽ rất thuận lợi trong tình huống có số lượng lớn và nhiều loại hình ngân hàng cần phân loại. Ngoài ra, sử dụng nhiều mức phí (với sự chênh lệch nhỏ hơn giữa các mức) sẽ có thể làm giảm bớt những khiếu nại từ phía các ngân hàng đòi xem xét lại việc xếp loại. Tuy nhiên, sử dụng quá nhiều mức phí có thể làm tăng tính phức tạp của hệ thống và có thể làm giảm ý nghĩa và, do vậy, giảm động lực của các ngân hàng trong việc dịch chuyển từ mức phí này sang mức phí khác.
Một vấn đề khác liên quan đến số lượng các mức phí là khoảng cách để ấn định từng mức phí. Phải thừa nhận là ở mức độ nào đó, khảng cách được lựa chọn ít nhiều mang tính áp đặt. Tuy nhiên, những ngân hàng được xếp loại tốt nhất (rủi ro thấp) phải được xếp trong khoảng phí thấp nhất và những ngân hàng bị xếp loại tồi nhất (rủi ro cao) phải được xếp trong khoảng phí cao nhất. Những mức phí còn lại sẽ được hình thành trong khoảng cao nhất và thấp nhất.
Nhằm tính toán chính xác các tỷ lệ phí áp dụng cho từng loại rủi ro, một số nước thực hiện tính phí theo MĐRR đã tiến hành thử nghiệm bằng cách áp dụng các tỷ lệ phí khác nhau cho những nhóm khác nhau để tìm ra tác động của nó đối với mức thu nhập tổng thể từ phí và mối quan hệ giữa việc áp dụng các tỷ lệ phí khác nhau với nhu cầu về vốn của cơ quan BHTG. Cuối cùng, khoảng cách giữa các mức phí nên càng lớn càng tốt để tạo ra một sự khuyến khích có ý nghĩa cho các ngân hàng trong việc cải thiện công tác quản lý rủi ro của họ. Tuy nhiên, cần chú ý là trong trường hợp 1 tỷ lệ lớn tiền gửi được bảo hiểm chỉ tập trung ở một vài ngân hàng lớn, sự dịch chuyển về mức phí đối với một ngân hàng trong số này sẽ dẫn đến sự thay đổi rất lớn về tổng số thu nhập từ phí của cơ quan BHTG. Do vậy trong trường hợp này, để tránh biến động lớn về thu nhập từ phí, khoảng cách giữa các mức phí cần phải hạn chế.
Vấn đề còn lại là liệu từng ngân hàng sẽ được gán 1 mức phí riêng hay là ngân hàng mẹ và các chi nhánh trong cùng một nhóm được gán một mức phí chung. Ở một số nước, các chi nhánh được gán chung một mức phí như ngân hàng mẹ. Tuy nhiên, khi có 2 hoặc nhiều ngân hàng được kiểm soát bởi một cổ đông không phải là thành viên của hệ thống BHTG thì việc tính phí phải riêng rẽ.
4. Những vấn đề trong thời gian quá độ
Một thời gian quá độ được chuẩn bị tốt có thể sẽ góp phần vào khả năng được chấp nhận và sự thành công của hệ thống tính phí theo MĐRR. Một trong những bước đi đầu tiên để bảo đảm thắng lợi cho thời kỳ quá độ là phải xây dựng một kế hoạch rõ ràng, trong đó nêu được những mục tiêu, nhu cầu về các nguồn lực, trách nhiệm, thời gian biểu và sản phẩm của thời gian quá độ. Kế hoạch quá độ cần được thông báo đến tất cả các bên có liên quan. Để thực hiện một phần của kế hoạch, một số hệ thống BHTG đã tiến hành tham khảo tư vấn để đưa những thay đổi và chính sách hoặc khuôn khổ pháp lý có tác động đến kế hoạch. Việc này có thể được tiến hành như một vấn đề pháp lý hoặc như một quy trình hành chính. Tính phức tạp của hệ thống dự kiến về tính phí theo MĐRR sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến quy trình tư vấn và thời điểm kết thúc thời gian quá độ.
Về mặt thời gian, thời kỳ quá độ có thể tạo điều kiện để các ngân hàng làm quen với những nội dung cơ bản của một hệ thống tính phí theo MĐRR, đồng thời tạo cho họ một cơ hội để cải thiện kết quả tài chính và các kỹ năng quản lý rủi ro. Một thời kỳ quá độ cũng tạo điều kiện về thời gian để tổ chức BHTG phê duyệt hoặc điều chỉnh hệ thống tính phí theo MĐRR.
Thời kỳ quá độ có thể tương đối ngắn (6 tháng), hoặc có thể kéo dài một vài năm. Thời kỳ quá độ dài có ưu điểm là các ngân hàng có thêm thời gian để tự điều chỉnh cho thích ứng với hệ thống mới (chẳng hạn xây dựng hệ thống báo cáo mới nếu cần thiết hoặc nâng cao chất lượng các tiêu chí đánh giá) và các công ty BHTG cũng tự điều chỉnh để chuẩn bị kỹ lưỡng các nguồn lực, rèn luyện kỹ năng và nâng cấp hệ thống thông tin của mình.
Nhìn chung, hệ thống tính phí theo MĐRR càng phức tạp và những đòi hỏi về thông tin càng lớn thì thời gian quá độ càng dài. Cuối cùng, việc chấp nhận hệ thống tính phí theo MĐRR có thể làm xuất hiện tình trạng xáo trộn khi áp đặt những mức phí cao hơn đối với những tổ chức đã có khó khăn. Một cách để giải quyết vấn đề này là thực hiện việc tính phí theo MĐRR trong nhiều giai đoạn và có thông báo trước về thời điểm và từng giai đoạn cụ thể. Trong nhiều trường hợp, thời kỳ quá độ là bước đệm để những ngân hàng thuộc nhóm yếu kém phấn đấu có thêm điểm để được xếp vào nhóm khá hơn và được hưởng mức phí thấp. Như vậy, thời kỳ quá độ có ưu điểm là giảm áp lực của một mức phí cao đối với những ngân hàng có vấn đề, đồng thời khuyến khích họ luôn luôn phấn đấu để nâng cấp thứ hạng của mình.
Nhằm tạo điều kiện để việc tính phí theo MĐRR dần dần đi vào cuộc sống, BHTG Canada và Đài Loan đưa ra một thời gian đệm 2 năm. Việt Nam có thể liên hệ đưa ra thời gian “đệm” tương tự 2 năm để các tổ chức tham gia BHTG chuẩn bị
5. Tính rõ ràng, công khai và bí mật
Mức độ rõ ràng, phạm vi phổ biến thông tin công khai và tính bí mật của việc xếp hạng phải được quy định trước khi xây dựng hệ thống tính phí theo MĐRR. Ở mỗi quốc gia, kinh ngiệm trong vấn đề này có khác nhau và chịu ảnh hưởng của các tập quán về văn hoá, pháp luật, quy mô và tình trạng phát triển của hệ thống tài chính và kinh nghiệm truớc đó ở các ngân hàng có vấn đề.
Mức độ phổ biến công khai các mức phí hoặc điểm số xếp hạng có thể có một tác động lớn đến hiệu quả của hệ thống. Việc phổ biến công khai điểm số xếp hạng hoặc phí của một ngân hàng có thể nâng cao kỷ luật thị trường và khuyến khích các ngân hàng phấn đấu cho kết quả trong tương lai của họ. Công khai cũng có thể nâng cao nghĩa vụ pháp lý của cơ quan BHTG và các cơ quan thanh tra, ban hành chính sách, chế độ. Tuy nhiên, việc công khai có thể có những hệ quả tiêu cực, chẳng hạn những hệ quả do việc phổ biến những thông tin có tính đặc thù về thứ hạng của ngân hàng ra công chúng. Trường hợp một ngân hàng đang gặp những khó khăn nghiêm trọng thì việc công khai thông tin sẽ làm hỏng những nỗ lực để giải quyết khó khăn và tiết lộ bí mật của hệ thống tài chính. Có thể những người gửi tiền được bảo hiểm không chú ý lắm đến những thông tin như vậy nhưng những người gửi tiền không được bảo hiểm hoặc các chủ nợ khác có thể sẽ rút vốn khỏi một tổ chức bị xếp hạng thấp.
Ngược lại, những ngân hàng xếp loại cao có thể dùng thứ hạng cao công khai của mình để thu hút thêm nhiều tiền gửi và các dịch vụ khác về phía mình. Trước viễn cảnh thứ hạng cao (và những yếu tố khác nữa) được phổ biến công khai, những ngân hàng lớn mạnh có thể ngấm ngầm ủng hộ việc cho ra đời 1 hệ thống tính phí như vậy.
Từ những lý do nêu trên, các nhà thiết kế hệ thống tính phí theo MĐRR cần phải tạo ra sự cân bằng thích hợp giữa một bên là ý chí muốn cải tiến công tác kế toán, tăng cường kỷ luật thị trường, quản lý lành mạnh thông qua việc công khai thông tin và bên kia là nhu cầu bảo mật. Một số nước đã tìm ra được sự cân bằng qua việc thực hiện chính sách công khai từng phần (Đài Loan, Hoa Kỳ, Canada). Nghĩa là ở mức độ tối thiểu, những nét chính của hệ thống và những chỉ tiêu sử dụng thì được phổ biến cho công chúng nhưng tỷ lệ xếp hạng cụ thể và mức phí thật sự thì chỉ được phổ biến đến Hội đồng quản trị và Ban điều hành của các ngân hàng. Trong trường hợp này, các ngân hàng bị cấm không được tiêt lộ mức phí và thứ hạng (hoặc các yếu tố xếp hạng) căn cứ để tính phí. Hiện nay, không có bất kỳ một hệ thống BHTG nào công bố việc xếp hạng của mình.
6. Xem xét lại, cập nhật và điều chỉnh cho phù hợp của hệ thống tính phí theo MĐRR
Chế độ tính phí theo MĐRR chắc chắn sẽ tạo ra những sức ép về tài chính đối với các ngân hàng. Có thể dự báo rằng các ngân hàng sẽ đưa ra những thông tin chuẩn hơn về họ để giải thích, thậm chí có sự không đồng tình hoặc phản đối những thứ hạng và điểm số của họ. Một hệ thống minh bạch và được các ngân hàng chấp nhận sẽ góp phần làm giảm những khả năng bất đồng. Do vậy, cần phải có một quy trình nghiêm túc trong việc xem xét lại những điểm chưa thống nhất và giải quyết các bất đồng.
Ở một số nước, giải pháp đưa ra là các ngân hàng nêu kiến nghị về những vấn đề cần xem xét lại. Người ta sẽ tiến hành một quy trình về pháp lý và hành chính để chính thức xem xét lại các thông tin và kết quả xếp loại. Nếu có bằng chứng là kiến nghị đúng thì thứ hạng có thể sẽ được sửa đổi. Một số nước khác có thể chọn những giải pháp không chính thức để xem xét lại việc xếp loại. Mức độ xem xét lại của các giải pháp chính thức hoặc không chính thức, bản chất của quy trình sẽ phụ thuộc vào những đặc thù hệ thống pháp luật của mỗi nước.
Phải thừa nhận rằng không có hệ thống tính phí theo MĐRR nào có thể hoàn hảo và những kinh nghiệm có được trong khi hệ thống vận hành sẽ tạo ra những cơ hội để cải tiến và điều chỉnh cho hệ thống tốt hơn. Sẽ rất bổ ích khi hệ thống tính phí theo MĐRR thường xuyên nhận được những yêu cầu xem xét lại các hoạt động nghiệp vụ của mình. Một số nước thậm chí còn đưa ra những tình huống để thử nghiệm.
Sau cùng, những thay đổi về mục tiêu của một hệ thống tính phí theo MĐRR, cơ cấu các ngân hàng, các yêu cầu báo cáo, những phương pháp giám sát và thanh tra, những diễn biến quốc tế có thể sẽ buộc hệ thống phải luôn cập nhật thông tin và tự điều chỉnh. Chẳng hạn với thời gian, các chỉ số đo lường rủi ro có thể đứng vững hoặc có thể không còn ý nghĩa nữa và do vậy cần phải loại bỏ, bổ sung hoặc được gán cho một tỷ trọng khác. Ví dụ, những thay đổi về chuẩn mực quốc tế trong một số lĩnh vực như thước đo về vốn (ví dụ Basel 2) có thể dẫn tới việc xem xét lại và sửa đổi những hệ thống tính phí theo MĐRR có sử dụng những thước đo này. Như vậy, các hệ thống tính phí theo MĐRR cần phải thường xuyên được đánh giá lại về hiệu quả trong việc thực hiện các mục tiêu do chính họ đề ra, trường hợp cần thiết phải cập nhật thông tin và điều chỉnh cho phù hợp với các nhu cầu và điều kiện luôn thay đổi.
Cho đến nay, sau 12 năm hoat động của hệ thống BHTG, Việt Nam vẫn đang áp dụng mức phí đồng hạng đối với tất cả các tổ chức tham gia BHTG. Mức phí đồng hạng không phản ánh đúng mức độ an toàn và rủi ro của các tổ chức tham gia BHTG. Theo kết quả thanh tra của Ngân hàng Nhà nước, có đến 9 ngân hàng ở trong tình trạng xấu phải tiến hành tái cấu trúc. Chín ngân hàng có mức rủi ro cao này lẽ ra phải chịu mức phí cao tương xứng với mức độ nguy hiểm của họ đối với hệ thống tài chính. Nhưng với mức phí BHTG “cào bằng” như hiện nay, các ngân hàng tốt cũng như xấu đều đang được đối xử theo kiểu “cá mè một lứa”. Hy vọng rằng, việc tính và thu phí theo mức độ rủi ro sẽ là động lực khuyến khích các ngân hâng tự điều chính, nâng cao độ an toàn của mình để được hưởng mức phí thấp hơn, từ đó đóng góp tốt hơn vào mức độ an toàn, ổn định của hệ thống ngân hàng, nâng cao niềm tin công chúng nói chung và người gửi tiền nói riêng đối với hệ thống tài chính. Đây cũng là một trong những minh chứng cho thấy hệ thống tài chính Việt Nam đang từng bước vận hành theo quy luật và tín hiệu của thị trường.
Tài liệu tham khảo:
- Basle Committee, Consultative Paper on On Balance Sheet Netting, Bank For International Settlements, 1988.
- Black, F và M. Scholes, The Pricing of Options and Corporate Liabilities, Journal of Political Economy, No. 81, 1973.
- Canada Deposit Insurance Corporation, (CDIC), International Deposit Insurance Survey (see: http://www.cdic.ca/id 285, Ottawa, Canada, 2003.
- Canada Deposit Insurance Corporation, CDIC Premium By-Law: Description of Revised Premium System and Review of Comments Received, Ottawa, Canada, 1988.
- Financial stability Forum, Guidance for Developing Effective Deposit Insurance Systems, Final Report of the Working Group on Deposit Insurance, Bank For International Settlements Basel, 2001.
Discussion Paper on Funding, background Documents, September 2001
- Garcia, G., Deposit Insurance: A Survey of Actual and Best Practices, IMF Working Paper, April 1999.
- Lueven, L., Pricing of Deposit Insurance, World bank Draft Working Paper, World bank, Washington, 2002.
- Marcus, A, and I, shaked, The Valuation of FDIC Deposit Insurance using Option-Pricing estimates, Journal of Money, Credit and Banking, No, 16. 1984,
- Merton, R.C,, an Analytic Derivation of the Cost of Deposit Insurance and Loan Guarantees, Journal of banking and Finance, No. 1 , 1997.
- Ronn, E. and A, Verma, Pricing Risk-Adjusted Deposit Insurance: An Option-based Model, Journal of Finance, No. 41, 1986.
- Sahajwala, R. and P. Van den Bergh, Supervisory Risk Assessment and Early Warning Systems, Basel Committee on banking Supervision Working Papers, No. 4, December 2000.
Các tin khác
Đảng bộ Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam tham dự Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
Sáng ngày 16/4/2025, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
Khoá đào tạo kỹ năng dành cho cán bộ làm công tác tuyên truyền Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam
Từ ngày 9 đến 11/4/2025, tại Hải Phòng, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã tổ chức khoá đào tạo kỹ năng tuyên truyền cho gần 50 cán bộ phòng Thông tin tuyên truyền tại Trụ sở chính BHTGVN và các chi nhánh BHTGVN.
Đảng bộ Chi nhánh BHTGVN tại TP. Hà Nội tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ lần thứ II, nhiệm kỳ 2025-2030
Ngày 9 và 10/4/2025, Đảng bộ Chi nhánh Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) tại thành phố Hà Nội đã long trọng tổ chức Đại hội lần thứ II, nhiệm kỳ 2025 – 2030. Đại hội diễn ra trong không khí dân chủ, đoàn kết, đổi mới và đã thành công tốt đẹp.
Chi nhánh BHTGVN tại TP. Đà Nẵng tuyên truyền chính sách BHTG tại đại hội đại biểu thường niên các QTDND
Với mục tiêu tuyên truyền chính sách bảo hiểm tiền gửi (BHTG) tới công chúng, người gửi...
Công bố Quyết định điều động, bổ nhiệm Thành viên chuyên trách Hội đồng quản trị BHTGVN
Ngày 11/4/2025, tại Hà Nội, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) tổ chức công bố quyết định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều động, bổ nhiệm bà Nguyễn Thị Hiền - Phó Viện trưởng thuộc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giữ chức vụ Thành viên Hội đồng quản trị BHTGVN.