Khách hàng sở hữu thẻ Công ty Cổ phần thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) (thời điểm này thẻ NAPAS tên gọi chung cho các thẻ ghi nợ nội địa/ thẻ ATM do các ngân hàng Việt Nam phát hành) của các ngân hàng Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank, Sacombank, Shinhan Bank, TPBank, SeABank, ABBank và Wooribank khi mua sắm hàng hóa, dịch vụ tại hệ thống Vingroup như Vinmart, Vinmart+, Vinschool, Vinmec, Vinpro, Vinpearl trên cả nước qua ứng dụng Samsung Pay từ nay đến 14/8 sẽ có cơ hội trúng TV Samsung smart 65” UHD và tích điểm VinID mỗi ngày.
Cụ thể, các khách hàng có thẻ VinID và giao dịch bằng Thẻ NAPAS của một trong các ngân hàng kể trên qua ứng dụng Samsung Pay sẽ được tặng 50 điểm VinID tương đương 50.000 đồng cho các giao dịch từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng; Tặng 100 điểm VinID (tương đương 100.000 đồng) cho các giao dịch trên 500.000 đồng.
Ngoài ra, mỗi giao dịch có giá trị từ 200.000 đồng trở lên khách hàng sẽ được nhận 1 mã tham gia quay số (mã dự thưởng là 16 chữ số trên Thẻ VinID của khách hàng), cơ hội trúng thưởng mỗi ngày 01 TV Samsung smart 65'' UHD trị giá 39.900.000 đồng /chiếc (bao gồm VAT). Chương trình áp dụng cho khách hàng có thẻ VinID và giao dịch bằng thẻ ghi nợ nội địa/ thẻ ATM qua ứng dụng Samsung Pay tại Vinmart, Vinmart+ và Vinpro.
Trong vai trò là đơn vị cung cấp hạ tầng chuyển mạch tài chính và hạ tầng số hóa thanh toán, giải pháp của NAPAS cho phép chủ thẻ ngân hàng Việt Nam có thể thanh toán thông qua việc sử dụng chiếc điện thoại thế hệ mới của Samsung đã cài đặt sẵn ứng dụng Samsung Pay để thanh toán tại hệ thống POS trên toàn quốc mà không cần mang theo thẻ ngân hàng như trước đây. Thanh toán qua POS bằng ứng dụng Samsung Pay mang đến cho khách hàng sự tiện lợi, an toàn, hưởng nhiều ưu đãi và tiếp cận xu hướng thanh toán hiện đại. NAPAS hiện đang vận hành mạng lưới kết nối tới 46 ngân hàng thành viên, xử lý giao dịch tại 290.000 máy POS trên toàn quốc. Hầu hết các máy POS trên lãnh thổ Việt Nam đều chấp nhận thanh toán bằng Samsung Pay. Trong kế hoạch phát triển, NAPAS dự kiến từ nay đến cuối năm sẽ mở rộng từ 11 lên tới hơn 20 ngân hàng chấp nhận thanh toán bằng Samsung Pay.
Nắm bắt được nhu cầu thiết yếu này, từ ngày 16/7/2018, Ngân hàng Sài Gòn-Hà Nội (SHB) cho ra mắt dịch vụ “Thông báo giao dịch sổ tiết kiệm” áp dụng trên toàn hệ thống đối với khách hàng cá nhân gửi tiết kiệm tại quầy.
Theo đó, dịch vụ thông báo giao dịch sổ tiết kiệm qua SMS giúp khách hàng chủ động kiểm soát các khoản tiền gửi tại SHB. Khi đăng ký sử dụng dịch vụ này, khách hàng sẽ dễ dàng theo dõi các giao dịch phát sinh liên quan đến tài khoản tiền gửi tiết kiệm của mình và nhận được tin nhắn thông báo tự động từ hệ thống khi có phát sinh khoản tiền gửi mới, gửi thêm tiền, rút gốc một phần, các giao dịch liên quan đến trả lãi của SHB hoặc tất toán khoản tiền gửi tại SHB.
Đối với các khoản tiền gửi tiết kiệm Online, SHB hỗ trợ truy vấn miễn phí qua kênh SHB Online và SHB Mobile. Đối với khách hàng đang sử dụng dịch vụ “Thông báo đến hạn sổ tiết kiệm qua SMS” SHB sẽ chuyển đổi dịch vụ này thành “Thông báo giao dịch sổ tiết kiệm qua SMS” và được tính theo mức phí dịch vụ mới theo quy định hiện hành.
Ông Nguyễn Văn Lê - Tổng giám đốc SHB cho biết, khi đăng ký sử dụng dịch vụ ‘Thông báo giao dịch sổ tiết kiệm’ khách hàng hoàn toàn an tâm bởi khi có bất cứ giao dịch phát sinh nào liên quan đến tiền gửi tiết kiệm của khách hàng tại SHB, SHB đều thông báo chính xác và minh bạch đến số điện thoại khách hàng đã đăng ký. Dịch vụ triển khai nhằm giúp khách hàng kiểm soát tốt tài chính của mình ngay trên điện thoại di động mà không cần mất thời gian đến các điểm giao dịch ngân hàng. Qua đó, SHB mong muốn đáp ứng tối đa nhu cầu, gia tăng tiện ích cho khách hàng, đảm bảo an toàn tài khoản tiền gửi của khách hàng.
Ông Lê cho biết thêm song song với việc triển khai các dịch vụ tiện ích để theo dõi tài khoản, ngân hàng luôn chủ động kiểm soát thông tin cùng với việc kiểm tra, rà soát chặt chẽ quy trình tiền gửi, quản lý rủi ro và đạo đức nghề nghiệp từ mỗi cán bộ nhân viên tại ngân hàng với ưu tiên hàng đầu là đảm bảo quyền lợi của khách hàng.
Còn ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVCombank) có chương trình khuyến mãi “PV Online Banking – Đơn giản hơn bạn nghĩ” vẫn đang triển khai rộng rãi trên toàn quốc để tiếp tục tìm ra những khách hàng may mắn.
Khách hàng có thể nạp tiền điện thoại qua dịch vụ E-Banking của PVcomBank. Mỗi giao dịch nạp tiền điện thoại thành công hoặc thanh toán trực tuyến eCommerce, thanh toán hóa đơn tại quầy…, khách hàng nhận tương ứng 1 mã số dự thưởng để tham gia quay thưởng theo tuần với phần thưởng là đồng hồ Samsung Gear S3 Classic, tiền mặt và giải thưởng cuối chương trình là điện thoại Samsung Galaxy S9 (64GB) trị giá 20 triệu đồng cùng sổ tiết kiệm trị giá 10 triệu đồng.
Ngân hàng TNHH một thành viên HSBC (Việt Nam) (HSBC Việt Nam) vừa triển khai ứng dụng Trade Transaction Tracker cho phép các khách hàng doanh nghiệp theo dõi tình trạng của các giao dịch thương mại đang diễn ra trong thời gian thực khi họ đang ở bất cứ đâu trên thế giới hay vào bất kỳ thời gian nào trong ngày.
Đây là ứng dụng di động cho phép khách hàng cập nhật thông tin nhanh và dễ dàng về các hoạt động tín dụng chứng từ xuất nhập khẩu, giao dịch nhờ thu và giao dịch thanh toán quốc tế tại các thị trường chỉ bằng một cú nhấp chuột.
Ông Winfield Wong, Giám đốc toàn quốc Khối Dịch vụ Ngân hàng Doanh nghiệp HSBC Việt Nam cho biết, đây là một ứng dụng sáng tạo giúp truy cập thông tin giao dịch thương mại trên nền tảng HSBCnet, Trade Transaction Tracker có thể giúp các doanh nghiệp quản lý dòng vốn thương mại toàn cầu hiệu quả, mang đến sự thay đổi đáng kể trong việc quản lý giao dịch thương mại cho các khách hàng doanh nghiệp và các đối tác.
Hiện nay, thanh toán không sử dụng tiền mặt đang trở thành xu hướng của xã hội hiện đại, đúng theo mục tiêu của Chính phủ đặt ra “giảm tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán xuống mức thấp hơn 10%, phấn đấu đến năm 2020, toàn thị trường có trên 300.000 thiết bị chấp nhận thẻ POS được lắp đặt”. Tuy nhiên, nếu không dần thay đổi thói quen thì người tiêu dùng sẽ trở nên lạc hậu so với thời cuộc và bỏ lỡ nhiều cơ hội gia tăng lợi ích từ việc sử dụng dịch vụ.