Luật Xử lý đổ vỡ tài chính và Bảo hiểm tiền gửi 2017 khi được ban hành sẽ mở đường cho việc thành lập Tổng công ty xử lý đổ vỡ. Điều này đồng nghĩa với việc bãi bỏ hoặc sửa đổi một số quy định giải quyết các nghiệp vụ trong ngành tài chính có liên quan đã được liệt kê trong phần Phụ lục của Luật. Luật này ra đời thay thế cho Đạo luật Tổng công ty Bảo hiểm tiền gửi và Bảo lãnh tín dụng 1961 nhằm chuyển giao quyền hạn và trách nhiệm bảo hiểm tiền gửi cho Tổng công ty xử lý đổ vỡ.
Tổng công ty xử lý đổ vỡ sẽ bảo vệ sự ổn định và khả năng phục hồi của toàn hệ thống tài chính, bảo vệ người gửi tiền với hạn mức bảo hiểm hợp lý, đồng thời bảo vệ ngân sách nhà nước trong khả năng có thể.
Năm 2016 Chính phủ Ấn Độ cũng đã ban hành Luật Phá sản, quy định trường hợp phá sản đối với từng quy mô tổ chức tài chính. Dự thảo Luật Xử lý đổ vỡ tài chính và Bảo hiểm tiền gửi 2017 sẽ bổ sung cho Luật Phá sản một khuôn khổ xử lý đổ vỡ trong khu vực tài chính.. Một khi có hiệu lực, Luật Xử lý đổ vỡ tài chính và Bảo hiểm tiền gửi cùng với Luật phá sản sẽ tạo khuôn khổ pháp lý toàn diện về xử lý đổ vỡ cho nền kinh tế Ấn Độ.
Luật Xử lý đổ vỡ tài chính và Bảo hiểm tiền gửi 2017 là bước đi nhằm củng cố lòng tin của người gửi tiền vào các tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính trong thời kỳ khủng hoảng, siết chặt kỷ luật đối với các tổ chức tài chính bằng cách hạn chế việc sử dụng ngân sách để xử lý đổ vỡ. Bên cạnh đó, Luật này cũng giúp duy trì ổn định nền kinh tế tài chính; đồng thời mang lại những công cụ cần thiết để ứng phó nếu xảy ra khủng hoảng; hoàn thiện hơn khuôn khổ pháp lý về bảo hiểm tiền gửi vì lợi ích của người gửi tiền là các cá nhân nhỏ lẻ; đồng thời giảm thiểu thời gian và chi phí liên quan trong quá trình xử lý đổ vỡ của các tổ chức tín dụng gặp rủi ro.
Đ.T.T