Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Lagarde nói sự phục hồi kinh tế thế giới còn rất mong manh và phụ thuộc nhiều vào quyết định đúng đắn của các nhà lãnh đạo những nền kinh tế hàng đầu thế giới như Mỹ, Nhật Bản và EU.
Bà Lagarde cũng hối thúc các nhà lãnh đạo thế giới không nên chủ quan sau khi Eurozone đạt được thỏa thuận thành lập hệ thống chung giám sát các ngân hàng và nước Mỹ tránh được "vách đá tài chính".
Tuy ghi nhận kinh tế Italia và Tây Ban Nha đã vượt qua được thời kỳ khủng hoảng tồi tệ nhất, song Tổng Giám đốc IMF cho rằng 17 nước Eurozone vẫn phải từng bước ngăn không cho những xáo trộn và rắc rối ở các ngân hàng trở thành gánh nặng cho chính phủ.
Bà Lagarde cũng quan tâm đến những chính sách quyết liệt mà Nhật Bản mới triển khai nhằm kích thích nền kinh tế trì trệ của nước này bằng cách tăng gấp đôi mục tiêu lạm phát lên mức 2%, một động thái tương tự biện pháp mà Mỹ thực hiện trong những năm gần đây.
Tâm trạng chung của các đại biểu trong 3 ngày làm việc tại WEF là sự lạc quan một cách thận trọng về kinh tế thế giới phục hồi.
Cũng trong thời gian diễn ra WEF, IMF đã công bố báo cáo mới nhất về tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2013.
WEF thường niên năm 2013 tổ chức tại Davos (Thụy Sỹ từ 23 – 26/1) với 2.500 đại biểu đến từ hơn 100 nước, trong đó có gần 50 nguyên thủ quốc gia và hơn 1.600 lãnh đạo các tập đoàn lớn cùng đại diện các tổ chức quốc tế tham dự. Khoảng 250 cuộc họp và hội thảo diễn ra trong khuôn khổ WEF lần này. |
Theo báo cáo này, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ đạt khoảng 3,5% trong năm 2013, thấp hơn chút ít so với mức dự báo 3,6% trước đó nhưng vẫn cao hơn mức 3,2% của năm 2012.
Tăng trưởng khu vực Eurozone sẽ giảm 0,2% thay vì tăng 0,2% như dự báo trước đó và khu vực này sẽ chỉ tăng trưởng trở lại vào năm 2014.
Kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 2 - 2,1% năm 2013 và 3% trong năm 2014. Với kinh tế Nhật Bản, IMF dự báo nước này sẽ tăng trưởng lần lượt 1,2% và 0,7% trong các năm 2013 và 2014. IMF giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc là 8,2% trong năm 2013; của Ấn Độ là 5,9%, của Brazil và Mexico cùng mức tăng 3,5%.
IMF lạc quan cho rằng tình trạng trì trệ của nền kinh tế toàn cầu đã chấm dứt và những hành động gần đây của các chính phủ và ngân hàng trung ương trên khắp thế giới có thể sẽ thúc đẩy sự phục hồi nhanh hơn so với dự kiến, bắt đầu ngay từ năm 2013. Theo IMF, hành động của các chính phủ tại một số thị trường mới nổi, đặc biệt là Trung Quốc, sẽ là động lực cơ bản để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong 2 năm tới.