Theo đó, sáng nay PBoC giảm tiếp tỷ giá của đồng nhân dân tệ so với đồng USD xuống còn 6,3306 nhân dân tệ/USD, giảm 1,6% so với mức tỷ giá tham chiếu của ngày hôm qua là 6,2298 nhân dân tệ/USD. Đây là mức tỷ giá thấp nhất của đồng nhân dân tệ so với đồng USD trong vòng 4 năm qua.
Lý giải về động thái này, người phát ngôn của PBoC cho biết, việc tiếp tục điều chỉnh tỷ giá dựa trên việc phân tích các dữ liệu tài chính của tháng 7 vừa được phát hành vào ngày 11/8 và việc điều chỉnh tỷ giá của đồng nhân dân tệ so với USD trong cùng ngày. Nếu giá đóng cửa của ngày hôm trước chênh lệch đáng kể so với tỷ giá tham chiếu của ngày hôm đó, tỷ giá tham chiếu của ngày hôm sau sẽ được điều chỉnh lại cho phù hợp.
Theo đó, mức giá đóng cửa của ngày 11/8 là 6,3231 nhân dân tệ/USD, thấp hơn khoảng 1,5% so với tỷ giá tham chiếu của ngày 11/8. Đây là cơ sở quan trọng để các nhà hoạch định thị trường đưa ra mức tỷ giá tham chiếu cho ngày 12/8. Bên cạnh đó, các nhà hoạch định thị trường còn căn cứ vào các yếu tố khác như cung - cầu trên thị trường ngoại hối và tỷ giá của đồng nhân dân tệ so với các đồng tiền chính khác.
“Dưới cơ chế tỷ giá thả nổi, sự biến động của tỷ giá tham chiếu là bình thường, và nó phản ánh đúng cung – cầu của thị trường”, người phát ngôn của PBoC nhấn mạnh.
PBoC cũng cho rằng, sẽ cần có thời gian để các nhà hoạch định thị trường làm quen dần với cơ chế điều hành tỷ giá mới cũng như để tìm thấy mức tỷ giá cân bằng của thị trường ngoại hối, và trong thời gian đó nhiều khả năng tỷ giá tham chiếu có thể biến động khá mạnh. Sau thời gian này, biến động tỷ giá trong ngày và các biến động tỷ giá tham chiếu sẽ hội tụ vè một mức ổn định.
Trả lời câu hỏi, liệu đồng nhân tệ có bị phá giá tiếp trong thời gian tới, người phát ngôn của PBoC khẳng định, với điều kiện kinh tế và tài chính trong nước và quốc tế hiện nay, không có cơ sở để tiếp tục phá giá đồng nhân dân tệ.
Vị này dẫn chứng, Trung Quốc đạt mức tăng trưởng kinh tế tương đối nhanh trong nửa đầu của năm 2015 dù phải đối mặt với môi trường phức tạp và đầy thách thức cả ở trong và ngoài nước. Theo đó, GDP của Trung Quốc tăng 7% trong 6 tháng đầu năm 2015, cao hơn đáng kể so với hầu hết các nền kinh tế lớn khác.
Còn sự biến động tương đối lớn của cung tiền và tín dụng trong tháng 7 chỉ là tạm thời và vẫn trong tầm kiểm soát. Trung Quốc sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách tiền tệ thận trọng. “Gần đây, các chỉ số kinh tế chính đều ổn định và có dấu hiệu tốt, cho thấy môi trường kinh tế vĩ mô thuận lợi để nhân dân tệ ổn định”, vị này nhấn mạnh.
Thứ hai, Trung Quốc đã duy trì thặng dư tài khoản vãng lai trong một thời gian dài. Trong bảy tháng đầu năm 2015, thặng dư thương mại hàng hóa đạt 305,2 tỷ USD. Đây là một nền tảng quan trọng để hỗ trợ tỷ giá nhân dân tệ.
Thứ ba, trong những năm gần đây, Trung Quốc đẩy mạnh việc quốc tế hóa đồng nhân dân tệ và mở cửa thị trường tài chính trong nước. Nhu cầu của quốc tế đối với nhân dân tệ trong thanh toán thương mại, đầu tư và dự trữ đang dần gia tăng, tạo ra động lực mới để ổn định tỷ giá RMB.
Thứ tư, đồng USD đã tăng giá khá mạnh suốt một thời gian dài vừa qua trong bối cảnh thị trường kỳ vọng Fed sẽ tăng lãi suất chính sách của mình trong năm nay. Tuy nhiên chúng tôi tin rằng thị trường sẽ dần ổn định trở lại sau cú sốc tạm thời tăng lãi suất.
Cuối cùng, Trung Quốc có lượng dự trữ ngoại hối dồi dào, tình trạng tài chính ổn định và một hệ thống tài chính lành mạnh, đó là những yếu tố quan trọng để duy trì ổn định tỷ giá nhân dân tệ.
Cho biết, Trung Quốc đang thực hiện chế độ tỷ giá hối đoái thả nổi dựa trên cung cầu thị trường, vị này nhấn thêm, sự biến động của tỷ giá hối đoái là một hiện tượng bình thường, và nên có một cái nhìn khách quan đối với vấn đề này.
“Trong tương lai, các PBC sẽ phấn đấu để cải thiện hơn nữa cơ chế hình thành dựa trên thị trường của tỷ giá Nhân dân tệ, duy trì một biến động bình thường của nhân dân tệ, và giữ cho tỷ giá cơ bản ổn định ở một mức độ thích ứng và cân bằng”, người phát ngôn của PBoC khẳng định.