Tới dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cùng đại diện lãnh đạo Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Giao thông vận tải; các diễn giả trong nước và quốc tế; các hiệp hội và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng tài chính, giao thông, bán lẻ, thương mại điện tử, công nghệ thông tin…
Cần cơ chế khuyến khích thúc đẩy thanh toán điện tử
VEPF 2016 tập trung vào 3 nội dung chính: (i) Báo cáo, đánh giá kết quả chính sau một năm triển khai Thoả thuận hợp tác liên Bộ Tài chính - Công Thương - Ngân hàng Nhà nước tại VEPF 2015 nhằm thúc đẩy thanh toán điện tử trong lĩnh vực thuế, thương mại điện tử và bán lẻ; (ii) Thúc đẩy thanh toán điện tử trong lĩnh vực giao thông và khả năng liên thông với các dịch vụ thanh toán khác; (iii) Cơ hội và thách thức với hệ thống tài chính ngân hàng Việt Nam trước làn sóng Fintech.
Phát biểu tại VEPF 2016, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao nội dung của diễn đàn năm nay khi lựa chọn lĩnh vực giao thông và các dịch vụ thuế. Đây được xem là những lĩnh vực trọng điểm và được Phó thủ tướng kỳ vọng sẽ có những giải pháp cụ thể, khả thi để phát triển thanh toán điện tử nói chung và trong thanh toán ngân hàng nói riêng ngày càng phát triển.
Theo Phó Thủ tướng, với làn sóng Fintech hiện nay được xem là một hướng đi mới và là giải pháp cần đẩy mạnh trong thời gian tới. Thời gian qua những cam kết liên Bộ tại diễn đàn cũng đã được thực hiện nghiêm túc. Đến nay đã có trên 96% doanh nghiệp đăng ký nộp thuế điện tử.Về phía Nhà nước đã có nhiều chương trình, dự án được phê duyệt để thúc đẩy dịch vụ thanh toán điện tử. Gần đây, Thủ tướng chính phủ đã ký quyết định tăng cường năng lực tiếp cận ngân hàng của nền kinh tế hay như Chính phủ phê duyệt kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử từ nay đến 2020. Mặc dù kết quả thực hiện được cộng đồng quốc tế đánh giá có bước tiến nhưng ông Vũ Đức Đam cho rằng, cũng phải nhìn nhận thực tế là việc triển khai hiện vẫn còn nhiều hạn chế khi tiếp cận với người dân, do chưa có giải pháp thay đổi thói quen dung tiền mặt của người dân.
Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải phối hợp và kết nối tất cả các bộ, ngành, đơn vị liên quan liên quan để đưa ra những chính sách cụ thể nhằm giảm thanh toán tiền mặt, tạo sức ép cũng như cơ chế khuyến khích thúc đẩy thanh toán điện tử, trực tiếp đóng góp vào tăng trưởng GDP của quốc gia. Bên cạnh đó, các bên cũng cần chung tay truyền thông thông tin để thanh toán điện tử thực sự trở nên quen thuộc, thân thiện và văn minh với mọi người dân; góp phần triển khai thành công các mục tiêu đặt ra tại Đề án nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính ngân hàng cho nền kinh tế của Chính phủ (Quyết định số 1726/QĐ-TTg ngày 05/9/2016).
Cẩn trọng những rủi ro tiềm ẩn từ trào lưu công nghệ mới
Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt là chủ trương lớn của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước nhằm tạo thuận lợi và giảm chi phí cho các hoạt động thanh toán, thúc đẩy phát triển kinh tế và tăng cường minh bạch trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước. Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh cho biết NHNN và các Bộ Công Thương, Tài chính đã ký kết thỏa thuận hợp tác liên Bộ để phối hợp xây dựng các cơ chế, chính sách, chương trình thúc đẩy thanh toán điện tử trong bán lẻ và thương mại điện tử, triển khai hiệu quả dịch vụ thuế điện tử và đưa ra các giải pháp tích hợp thanh toán điện tử trong dịch vụ công trực tuyến, hướng tới mục tiêu mọi đối tượng trong xã hội có thể tiếp cận dễ dàng các dịch vụ ngân hàng một cách an toàn và bền vững.
Đối với lĩnh vực giao thông, Bộ Giao thông vận tải đã bắt đầu triển khai thu phí tự động không dừng trên các tuyến quốc lộ. Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội cũng đang khẩn trương hoàn thiện hệ thống Metro như một sự đột phá về hạ tầng giao thông đô thị. Trong bối cảnh đó, việc ứng dụng thanh toán điện tử trong lĩnh vực giao thông hướng tới kết nối hạ tầng thanh toán điện tử của hệ thống ngân hàng sẽ tạo thuận lợi cho người dân, góp phần tích cực thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt của Việt Nam, đóng góp cho quá trình phát triển kinh tế chung của đất nước.
Thế giới đang chứng kiến cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư khi công nghệ thông tin và viễn thông đóng vai trò quan trọng. Cùng với sự phát triển thanh toán điện tử những năm gần đây, làn sóng Fintech đã xuất hiện, hình thành nên các đơn vị cung cấp dịch vụ tài chính trên nền tảng công nghệ thông tin. Do vậy, việc nhìn nhận về các cơ hội và thách thức Fintech mang lại với ngành tài chính ngân hàng nói riêng và đời sống kinh tế xã hội nói chung đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương trong cả nước. Đi theo trào lưu công nghệ mới cũng xuất hiện những rủi ro, gian lận tiềm ẩn đối với cả ngân hàng và khách hàng trong quá trình sử dụng dịch vụ. Do vậy, chúng ta cũng cần tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt nói chung và thanh toán điện tử nói riêng.
Ông Yamamoto Kenichi, Phó trưởng đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật bản (JICA) tại Việt Nam chia sẻ về dịch vụ thẻ thu phí điện tử(ETC) tại Nhật Bản. Theo ông, dịch vụ này bắt đầu từ những năm 1990 và hiện được sử dụng tại ba thành phố lớn ở Nhật. Loại thẻ ETC 2.0 này có rất nhiều tiện ích, từ chỗ phục vụ cho dịch vụ công, giúp giảm thiếu tối đa chi phí cho cơ quan công quyền, lại có ưu điểm là đảm bảo tính an toàn.Ông cũng đưa ra một ứng dụng thực tế trong việc dùng thẻ này để quản lý, giám sát các phương tiện giao thông. Chẳng hạn như lượng giao thông đi qua một chiếc cầu rất nhiều, phần lớn là tuân thủ giao thông nhưng trong đó sẽ có một số nhỏ phương tiện không tuân thủ, sẽ gây ảnh hưởng đến tuổi thọ của cầu. Do đó, áp dụng dịch vụ thẻ ETC sẽ giúp phát hiện ra những phương tiện vi phạm này (quá tải trọng). Ngoài ra, loại thẻ này rất thuận tiện cho mọi tầng lớp nhân dân từ người già đến trẻ có thể sử dụng để tích hợp mua sắm, lưu thông... Trong tương lai thì sẽ kết nối các loại thẻ lại với nhau để sử dụng thống nhất trên toàn quốc.
Diễn đàn VEPF 2016 đã ghi nhận những kiến nghị gửi tới lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành để thúc đẩy thanh toán điện tử trong thu phí giao thông và khả năng liên thông với các dịch vụ thanh toán khác:
Thứ nhất, kiến nghị Chính phủ sớm ban hành quy định và lộ trình bắt buộc áp dụng thanh toán điện tử trong thu phí giao thông và thanh toán dịch vụ vận tải công cộng đô thị.
Thứ hai, kiến nghị Chính phủ chỉ đạo, giao Bộ Giao thông Vận tải, Ủy ban Nhân dân các địa phương, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các bộ ngành thống nhất, đồng bộ, sớm ban hành chuẩn kỹ thuật và thanh toán nhằm kết nối liên thông thanh toán phí giao thông và dịch vụ vận tải công cộng cũng như khả năng liên thông với các dịch vụ tiện ích khác.
Thứ ba, kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo các bên thống nhất cơ chế chia sẻ doanh thu thu phí theo hướng hài hoà lợi ích giữa chủ đầu tư BOT, chủ đầu tư dự án thu phí tự động không dừng BOO và chủ phương tiện tham gia giao thông, nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai thu phí tự động không dừng trên toàn quốc.
Thứ tư, kiến nghị Ngân hàng Nhà nước, Bộ Giao thông Vận phối hợp triển khai các giải pháp khuyến khích và tăng cường truyền thông nhằm thúc đẩy thanh toán điện tử trong giao thông vận tải.