Các ngân hàng trên thế giới đều có những sản phẩm tiền gửi truyền thống phục vụ mục đích đa dạng của từng nhóm khách hàng. Ngoài ra, một số ngân hàng đưa ra ý tưởng sáng tạo về sản phẩm tiền gửi, cụ thể:
Sản phẩm “Tiết kiệm tiền lẻ” - Ngân hàng Bank of America – Mỹ
Sản phẩm “Tiết kiệm tiền lẻ” (Keep your change) được Bank of America (Mỹ) giới thiệu vào năm 2004. Để sử dụng sản phẩm này, khách hàng cần đăng ký sử dụng ít nhất một tài khoản thanh toán, một tài khoản tiết kiệm và một thẻ ghi nợ của Bank of America.
Khi khách hàng mua hàng và thanh toán bằng thẻ, ngân hàng sẽ làm tròn số tiền của món hàng lên đơn vị đồng đô la gần nhất. Số tiền chênh lệch giữa giá trị thực của món đồ và số tiền được làm tròn sẽ tự động được chuyển từ tài khoản thanh toán vào tài khoản tiết kiệm. Ví dụ, khách hàng mua một món đồ có giá 3,5 USD và thanh toán bằng thẻ ghi nợ, ngân hàng sẽ tự động làm tròn số tiền lên 4,0 USD, đồng thời chuyển 0,5 USD từ tài khoản thanh toán sang tài khoản tiết kiệm của khách hàng.
Khách hàng mục tiêu mà Bank of America hướng đến là các bà nội trợ - đối tượng chi tiêu nhiều nhất và thường xuyên nhất cho những vật dụng cần thiết trong gia đình. Sản phẩm thú vị này đánh vào tâm lý của các bà nội trợ, đem lại niềm vui nhỏ cho họ khi mua sắm hàng ngày. Mô hình kết hợp các sản phẩm với nhau giúp tăng lợi ích cho cả ngân hàng và người sử dụng dịch vụ. Ý tưởng xuất sắc này mang lại 2,5 triệu khách hàng và 700 nghìn tài khoản mới cho Bank of America, chưa kể số phí 2% mà các điểm bán lẻ phải trả cho ngân hàng mỗi lần giao dịch.
Về ngắn hạn, sản phẩm này là đòn bẩy hiệu quả, đánh trúng tâm lý khách hàng mục tiêu, đem lại lợi nhuận cho dịch vụ thanh toán của ngân hàng. Về dài hạn, sản phẩm góp phần từng bước thay đổi thói quen thanh toán tiết kiệm của khách hàng, tạo nền tảng phát triển bền vững cho tương lai.
Sản phẩm “ tiền gửi siêu tốc” - Chi nhánh ngân hàng Westpac tại Newzeland
Khảo sát năm 2011 tại Newzealand của ngân hàng Westpac cho thấy mỗi ngày, người dân tiêu tốn 14 triệu đô vào những khoản không cần thiết và ngoài kế hoạch dự tính. Nắm được tâm lý này, ngân hàng Westpac đưa ra ý tưởng về sản phẩm tiền gửi siêu tốc (Impulse Saver) khiến việc tiết kiệm tiền của khách hàng diễn ra nhanh chóng, tức thời và “bốc đồng” tương tự như khi họ tiêu tiền. Từ đó, ngân hàng giới thiệu ứng dụng tiết kiệm siêu tốc trên điện thoại di động.
Cách sử dụng sản phẩm rất đơn giản. Khách hàng thiết lập trên ứng dụng tài khoản tiết kiệm, tài khoản thanh toán và số tiền tiết kiệm mỗi lần. Số tiền tiết kiệm mỗi lần có 5 mức cố định: từ 2 đô la New Zealand đến 50 đô la New Zealand (tương đương từ 1,4 đến 35 USD). Sau đó, mỗi lần khách hàng muốn, họ chỉ cần mở ứng dụng, ấn vào nút màu đỏ trên màn hình, một khoản tiền ứng với con số đã được thiết lập sẵn sẽ ngay lập tức được chuyển từ tài khoản thanh toán sang tài khoản tiết kiệm của khách hàng. Với phương châm tích tiểu thành đại, sản phẩm này đã khuyến khích khách hàng tiết kiệm tại bất kì thời điểm mà không cần bất cứ thủ tục rườm rà nào.
Westpac chưa từng công bố lợi nhuận của sản phẩm này. Tuy nhiên, 16 tháng sau khi triển khai sản phẩm, hơn một phần ba số khách hàng sử dụng Iphone của ngân hàng đã tải về ứng dụng “tiết kiệm siêu tốc”. Chiến dịch truyền thông của Westpac về sản phẩm này cũng mang lại giá trị “truyền thông lan truyền” [1] đạt 400.000 USD tính đến thời điểm tháng 6/2012.
Sản phẩm “Tài khoản mơ ước” - Chi nhánh ngân hàng Barclay tại Mỹ
Đầu năm 2014, Chi nhánh ngân hàng Barclays tại Mỹ giới thiệu sản phẩm “Tài khoản mơ ước” (Dream Account). Đây là tài khoản tiết kiệm online, hướng đến các khách hàng trẻ. Ngân hàng khuyến khích khách hàng sử dụng sản phẩm này để tiết kiệm cho những mục tiêu ngắn hạn như tiết kiệm để đi nghỉ mát hay mua điện thoại. Đầu tiên, khách hàng sẽ đăng ký số tiền mục tiêu và đề ra kế hoạch tiết kiệm mỗi tháng.
Ví dụ, một khách hàng muốn tiết kiệm 10.000 USD để học đại học. Hiện tại, người này đã có 1.000 USD và mỗi tháng anh ta có khả năng để dành được 900 USD. Như vậy, nếu thực hiện đúng kế hoạch đã đề ra, khách hàng cần 11 tháng để hoàn thành mục tiêu.
Barclays hỗ trợ người sử dụng theo dõi quá trình tiết kiệm và gửi cảnh báo khi khách hàng không đạt được mục tiêu tiết kiệm hàng tháng. Nếu trong vòng 6 tháng, khách hàng không rút tiền và gửi tiết kiệm đều đặn theo đúng kế hoạch, sẽ được thưởng số tiền trị giá 2,5% trên tổng số tiền lãi mà khách hàng đã nhận được.
Sau 1,5 tháng triển khai sản phẩm, ngân hàng đã có 4000 khách hàng mở tài khoản, trong đó 50% là khách hàng mới. Tuy nhiên, phân khúc khách hàng mà Barclay hướng tới là giới trẻ - đối tượng thường không có nhiều tiền để tiết kiệm. Thậm chí, Barclays còn giới hạn số tiền tối đa mà khách hàng có thể gửi vào tài khoản hàng tháng là 1000 USD. Rõ ràng, với 4000 tài khoản, trong đó mỗi tài khoản chỉ phát sinh tối đa 1000 USD/tháng không phải là một con số ấn tượng với một ngân hàng tầm cỡ như Barclays.
Với sản phẩm này, ngân hàng không hướng đến mục tiêu lợi nhuận trong ngắn hạn. Mục tiêu lớn nhất là tạo thói quen tiết kiệm cho người gửi tiền, đặc biệt là giới trẻ. Đối tượng này không có nhiều tiền và chi tiêu không có kế hoạch, dẫn đến số lượng người trẻ có tài khoản tiết kiệm không nhiều và thường rút tiền trước hạn. Tại thời điểm 2014, Barclays thống kê có 5,99 triệu tài khoản đang sử dụng nhưng số dư cuối kỳ bằng không. Bên cạnh đó, dữ liệu sản phẩm cho thấy khách hàng tiết kiệm từ 6 tháng trở lên là những khách hàng trung thành hơn.
Barclay kỳ vọng sẽ trở thành thương hiệu đầu tiên mà khách hàng quan tâm trong lĩnh vực tài chính, khi đã đồng hành những bước đầu tiên cùng họ trong việc xây dựng kỹ năng và nền tảng tài chính cá nhân. Ngân hàng cũng xác định đây là chiến lược dài hạn, cần thời gian và sự kiên nhẫn. Những người trẻ cần được rèn luyện thói quen tiết kiệm. Khi đã hình thành được thói quen, đây sẽ là những khách hàng tiềm năng lớn trong tương lai của ngân hàng.
Tại Việt Nam, các sản phẩm tiền gửi tiết kiệm tương đối phong phú. Các ngân hàng giới thiệu nhiều sản phẩm đa dạng, hướng đến các đối tượng khách hàng khác nhau như: tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn thông thường, tiền gửi không kỳ hạn, tiển gửi có kỳ hạn định kỳ nhận lãi hàng tháng, tiền gửi kỳ hạn lãi suất linh hoạt. Tuy nhiên, các sản phẩm tiền gửi hiện nay trên thị trường gần giống nhau giữa các ngân hàng, chưa có các sản phẩm mang tính đột phá.
Qua tổng hợp và phân tích kinh nghiệm phát triển sản phẩm tiền gửi của một số ngân hàng tại các nước, bài viết đưa ra một số đề xuất đối với các ngân hàng thương mại Việt Nam như sau:
Một là, tăng cường hợp tác với các công ty về công nghệ tài chính (Fintech) để đưa ra những sản phẩm sáng tạo đột phá, đem lại trải nghiệm mới cho người dùng.
Bài học từ ngân hàng Westpac và Bank of America cho thấy khách hàng rất quan tâm đến các sản phẩm mang đến trải nghiệm mới. Việc đưa ra được ý tưởng đột phá là vô cùng quan trọng. Nếu các ngân hàng có thể đưa ra các sản phẩm tài chính công nghệ độc đáo, đánh trúng vào tâm lý khách hàng, vị thế của ngân hàng sẽ ngày càng được khẳng định. Tuy nhiên, việc đầu tư nghiên cứu phát triển sản phẩm mới có thể tiêu tốn một khoản chi phí khá lớn và tương đối mạo hiểm khi khó có thể dự báo phản ứng của công chúng. Để hạn chế rủi ro này, các ngân hàng có thể hợp tác với các công ty thuộc lĩnh vực công nghệ tài chính (Financial Technology - Fintech).
Tại thị trường quốc tế, ngay từ khi xuất hiện, Fintech đã bị coi là một nguy cơ đối với hoạt động kinh doanh ngân hàng truyền thống. Trang tin Reuters UK dẫn lời ông Antony Jenkins – cựu giám đốc điều hành của Tập đoàn tài chính- ngân hàng Barclays, cho biết trong vòng 10 năm tới, các ngân hàng có thể sẽ cắt giảm một nửa nhân viên và chi nhánh để hoạt động hiệu quả và duy trì lợi nhuận, đặc biệt là khi phải đối mặt với sự thay đổi nhanh chóng về công nghệ.
Hai là, tích cực phổ biến kiến thức tài chính cho công chúng.
Thuật ngữ “phổ biến kiến thức cho khách hàng” không còn xa lạ trong kinh doanh. Tiếp thị sản phẩm để khách hàng biết đến sản phẩm, nhưng một điều quan trọng hơn là phải giúp khách hàng mới hiểu được giá trị và sự cần thiết của sản phẩm.
Tại Việt Nam, kiến thức tài chính của người dân còn rất hạn chế, dân số tiếp cận dịch vụ ngân hàng tương đối thấp, chỉ ở mức 30%, ở khu vực nông thôn tỷ lệ này chỉ là 16% (Trang thông tin điện tử Báo diễn đàn Doanh nghiệp, 2016). Những chiến dịch truyền thông rầm rộ và tốn kém của ngân hàng chỉ có thể tiếp thị đến những người có kiến thức tài chính và có điều kiện thường xuyên theo dõi các phương tiện truyền thông.
Muốn mở rộng đối tượng khách hàng, các ngân hàng cần áp dụng cách thức tiếp cận trực tiếp và thiết thực hơn. Ví dụ, các ngân hàng có thể tăng cường liên kết với các trường trung học, đại học, tổ chức hội thảo, giới thiệu kỹ năng quản lý tài chính đến các bạn học sinh, sinh viên – là thế hệ tạo ra thu nhập chủ yếu trong tương lai. Ngoài ra, có thể đến từng cơ sở ở địa phương để phổ biến kiến thức tài chính cho các hộ kinh doanh - đối tượng có nguồn thu nhất định nhưng lại chưa biết đến các dịch vụ tiền gửi của ngân hàng, cũng như chưa nhận thức được ý nghĩa của việc quản lý tài chính, xây dựng ngân sách chi tiêu, tiết kiệm, đề phòng rủi ro và lập kế hoạch cho tương lai.
Về ngắn hạn, cách thức tiếp cận này chưa đem lại lợi nhuận nhưng về dài hạn, đây là bước nền tảng cho sự phát triển bền vững của hệ thống ngân hàng. Đối với những khách hàng được phổ biến kiến thức, thương hiệu của ngân hàng sẽ trở thành thương hiệu đầu tiên mà họ quan tâm, tương tự như ví dụ của Barclays.
Có thể nói, phổ biến kiến thức cho cộng đồng là một hình thức hoạt động gắn liền với trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Trong xu hướng hiện nay, các doanh nghiệp coi các hoạt động đóng góp cho cộng đồng như là một hình thức quảng bá doanh nghiệp, hoặc như là một kênh đầu tư hiệu quả cho chiến lược dài hạn.
Ba là, bảo vệ an toàn tiền gửi và đảm bảo quyền lợi của khách hàng.
Đây là yếu tố quan trọng cho việc khách hàng quyết định gửi tiền tại ngân hàng. Các ngân hàng cần lưu ý tới rủi ro bị lạm dụng hoặc thất thoát tiền của khách hàng, rà soát lại hoạt động giao dịch, bảo vệ thông tin cá nhân của khách hàng cũng như hỗ trợ khách hàng khi có thắc mắc, khiếu nại về sản phẩm, dịch vụ, đảm bảo quyền và lợi ích cho khách hàng.
Hoàng Ánh Ngọc
Nguyễn Lâm Ngọc
Một số tài liệu tham khảo:
Bell, S. and Eisingerich (2007). The paradox of customer education: customer expertise and loyalty in the financial services industry, European Journal of Marketing, Vol.41, No. 5/6.
Kelley, L. et al (2015). Advertising Media Planning: A Brand Management Approach. 3rd Edition. New York: Routledge.
Kurt Salmon (2015). Encouraging customers to save: winning strategies. Atlanta: Kurt Salmon.
Mobiforge (2012). The Cannes Lions International Advertising Festival 2011: the award-winning mobile campaigns with case studies and videos.
Vogel, D. (2005). The market for virtue: the potential and limits of corporate social responsibility. 3rd Edition.
Wisniewski, M (2014). Barclaycard's New Online Dream Account Rewards Depositors for Saving.
Các website của ngân hàng.
[1] Truyền thông lan truyền (earned media hay free media coverage) là một loại hình truyền thông mà chính khách hàng trở thành người quảng cáo, tuyên truyền cho sản phẩm (còn gọi là truyền thông truyền miệng). Đây là loại hiệu ứng truyền thông mà mọi công ty đều mong muốn có được, bởi truyền thông lan truyền chứng tỏ sự thu hút của sản phẩm đối với công chúng, và công ty hoàn toàn không phải trả tiền đối với dạng truyền thông này (Kelley et al, 2015).