Trong thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã ban hành một loạt các chủ trương, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, đồng thời khuyến khích việc triển khai thực hiện nhiều sáng kiến trong lĩnh vực này. Thanh toán điện tử được kỳ vọng trở thành thói quen của người dân ở khu vực đô thị và từng bước phát triển ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; giảm các khoản chi phí liên quan đến tiền mặt cho nền kinh tế, cho các doanh nghiệp và cá nhân, thúc đẩy nền kinh tế hội nhập nhanh hơn với cộng đồng kinh tế quốc tế.
Thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) là hình thức thanh toán sử dụng các phương tiện thanh toán điện tử ứng dụng công nghệ số như: Ví điện tử, MobileBanking, Internet Banking... hoặc thanh toán gián tiếp thông qua các tổ chức tín dụng thay việc người mua và người bán trực tiếp trao đổi với nhau theo cách truyền thống. Bài viết này tập trung vào hình thức Ví điện tử. Ví điện tử hay còn được gọi là Ví tiền Online là một tài khoản thanh toán các giao dịch trực tuyến phổ biến nhất hiện nay như: Chuyển – Nhận; Thanh toán hóa đơn tiền điện, nước, học phí, phí chung cư, mua vé xem phim, nạp tiền điện thoại, v.v., hầu hết đều không mất phí. Có hai hình thức thanh toán thông qua Ví điện tử: thanh toán gián tiếp bằng tài khoản ngân hàng / thẻ ngân hàng liên kết với Ví điện tử hoặc chuyển tiền vào Ví với số ghi có. Chỉ cần thiết bị thông minh kết nối mạng interrnet và tài khoản là có thể thực hiện mọi giao dịch ở mọi nơi.
Tới nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã cấp phép 45 đơn vị cung ứng dịch vụ ví điện tử. Tính đến đầu năm 2023, thống kê của NHNN cho biết, toàn thị trường có 120 triệu ví điện tử, trong đó 47 triệu ví đã kích hoạt và 29 triệu ví đang hoạt động. Tổng số dư tại các ví là trên 3.300 tỉ đồng. Tổng giá trị giao dịch tính đến hết quý III/2022 khoảng 937.000 tỉ đồng.
Qua đây, có thể thấy những định hướng và nỗ lực của Chính phủ cũng như những triển vọng trong xây dựng một môi trường thuận lợi, ưu đãi cho thanh toán điện tử phát triển là rất rõ ràng, dần đưa thanh toán điện tử trở thành phương thức thanh toán được sử dụng phổ biến trong cuộc sống và công việc kinh doanh đối với cả doanh nghiệp và người dân Việt Nam trong giai đoạn từ nay đến năm 2025.
Ví điện tử - Nhiều lợi ích song vẫn tồn tại rủi ro
Ví điện tử được sử dụng đáp ứng nhu cầu mua sắm hàng hóa, dịch vụ giá trị nhỏ chỉ với một thiết bị thông minh kết nối internet mà không cần mang tiền mặt, tiết kiệm thời gian kiểm đếm, song vẫn đảm bảo chính xác, thuận tiện. Nhiều loại ví điện tử kết hợp tính năng của cả thẻ ghi nợ và thẻ tín dụng, đáp ứng nhu cầu thanh toán đa dạng của người tiêu dùng (bao gồm cả trả ngay và tiêu trước trả sau). Thanh toán điện tử còn cho phép người tiêu dùng thanh toán tiện lợi trên phạm vi toàn cầu, từ các chi phí sinh hoạt hàng ngày tại siêu thị, tiệm tạp hóa đến các khu du lịch, địa điểm vui chơi, ăn uống, giải trí, v.v. trên nền tảng thương mại điện tử. Bên cạnh đó, các ví điện tử còn chạy một loạt các chương trình khuyến mại, tăng cường liên kết ưu đãi từ người bán hàng như mã giảm giá, tích điểm, hoàn tiền (cashback), v.v. rất thu hút người tiêu dùng.
Nhìn chung, người tiêu dùng tài chính đánh giá khá cao tính bảo mật thông tin khách hàng của các ví điện tử hiện tại. Những lớp bảo vệ mật khẩu, sinh trắc học có khả năng giảm thiểu tối đa các hành vi giả mạo, trộm cắp. Quy trình xử lý vấn đề hay sự cố phát sinh cũng được tiến hành nhanh chóng.
Song hành với như tiện ích nêu trên, người tiêu dùng tài chính cũng đã được khuyến cáo về những rủi ro tiềm ẩn trong thanh toán điện tử. Đầu tiên là rủi ro về bảo mật, an toàn thông tin. Đây có thể coi là rủi ro lớn nhất của ví điện tử khi sử dụng. Các nhà phân phối đều cố gắng để nâng cao tính bảo mật của ví và xây dựng nhiều lớp bảo vệ để tối ưu cho khách hàng. Mặc dù thế, người dùng vẫn có thể gặp phải một số nguyên nhân chủ quan như bị mất điện thoại hay vô tình bị đánh cắp thông tin khi sử dụng smartphone. Vậy nên để tự đảm bảo an toàn cho bản thân, mỗi người dùng cần tự giác nâng cao cảnh giác. Bên cạnh đó, rủi ro mất kết nối xảy ra do lỗi của hệ thống hoặc do lỗi thiết bị đầu cuối khách hàng sử dụng. Để giải quyết điều này, cần đảm bảo đường truyền Internet ổn định và bảo mật trong suốt quá trình thực hiện giao dịch, sử dụng các thiết bị đầu cuối di động cá nhân an toàn, không can thiệp trái quy định vào hệ điều hành, phần cứng.
Thống kê của Robocash Group cập nhật tháng 02/2023 cho thấy, đường đua ví điện tử đang chứng kiến hơn 40 đơn vị tham gia, nhưng tới 99% thị phần chi phối bởi 06 “ông lớn” gồm: MoMo, Moca, ZaloPay, ShopeePay (Airpay), Viettel Pay và VNPT Pay. Tuy nhiên, tỷ lệ chiếm lĩnh thị trường của các ví điện tử này không tỷ lệ thuận với lợi nhuận. Như MoMo, dù chiếm tới một nửa thị phần, doanh thu tăng đều trong giai đoạn 2019-2021, nhưng đến nay vẫn chưa có lãi. Tính đến hết năm 2022, mức lỗ lũy kế của công ty lên tới hơn 3.600 tỷ đồng. ZaloPay cũng ghi nhận khoản lỗ ròng lên tới 1.200 tỷ đồng trong năm 2021. Tương tự, hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu năm 2020 của ShopeePay là 2,2 lần. Những khoản lỗ chồng lỗ này không khiến cuộc đua thanh toán điện tử của các ví điện tử hạ nhiệt; bởi mục tiêu của họ đều là thu hút người dùng bằng các chiến dịch truyền thông, chương trình khuyến mại, hoàn tiền.
Với việc các ví điện tử hiện đang “gồng” lỗ để duy trì các chương trình khuyến mại, giảm giá thu hút người dùng không nên được coi là lợi thế cạnh tranh của dịch vụ này; đặc biệt là trong bối cảnh lãi suất ngân hàng tăng cao, huy động vốn trên thị trường đầu tư mạo hiểm cũng nhiều khó khăn. Thị trường Ví điện tử tại Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn khai phá, mức độ cạnh tranh cao nhằm thu hút và thay đổi thói quen tiêu dùng của khách hàng, điều này dễ dẫn tới nhiều xáo trộn trên thị trường.
Trong trường hợp xấu, khi một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Ví điện tử mất khả năng thanh khoản hoặc phá sản thì người sử dụng sẽ không tiếp cận được với khoản tiền ghi có trong Ví điện tử của mình. Theo đó, với hình thức chuyển tiền ghi có vào Ví điện tử khả năng xuất hiện rủi ro khi thực chất khoản tiền đó sẽ nằm trên tài khoản của tổ chức trung gian thanh toán cung cấp dịch vụ Ví điện tử; và tiền của người tiêu dùng tại ví điện tử không thuộc đối tượng bảo hiểm theo Luật Bảo hiểm tiền gửi. Như vậy, bản thân người sử dụng các ví điện tử có thể bị ảnh hưởng tới khả năng thanh khoản.
Thực tế, NHNN đã có những quy định về đảm bảo thanh khoản đối với tổ chức trung gian thanh toán, cụ thể: Tổ chức cung ứng dịch vụ Ví điện tử phải mở tài khoản đảm bảo thanh toán để đảm bảo cho việc cung ứng dịch vụ này. Tài khoản đảm bảo thanh toán cho dịch vụ Ví điện tử không được sử dụng chung với tài khoản đảm bảo thanh toán cho dịch vụ hỗ trợ thu hộ, chi hộ (nếu có) và phải tách bạch với các tài khoản thanh toán khác tại ngân hàng hợp tác.
Tổ chức cung ứng dịch vụ Ví điện tử có nghĩa vụ duy trì tổng số dư trên tất cả các tài khoản đảm bảo thanh toán cho dịch vụ Ví điện tử mở tại các ngân hàng hợp tác không thấp hơn so với tổng số dư của tất cả các Ví điện tử của các khách hàng tại cùng một thời điểm. Tuy nhiên, nếu ngân hàng hợp tác gặp khó khăn về thanh khoản, sẽ ảnh hưởng tới khả năng thanh toán của Tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử và sẽ ảnh hưởng tới người tiêu dùng. Trong khi đó, hiện số tiền trong ví điện tử chưa được bảo hiểm tiền gửi theo quy định hiện hành. Khác với những khoản tiền gửi thanh toán ghi có trên tài khoản ngân hàng là loại hình tiền gửi không kỳ hạn được sử dụng với mục đích chủ yếu là thực hiện các giao dịch thanh toán qua ngân hàng có ưu điểm là được bảo hiểm tiền gửi (theo Điều 18, Luật Bảo hiểm tiền gửi).
Để nâng cao trải nghiệm sử dụng ví điện tử và bảo vệ người tiêu dùng tài chính
Một trong những lợi ích chính của Ví điện tử có thể kể tới là thúc đẩy quá trình thanh toán không dùng tiền mặt theo đúng chủ trương của Nhà nước cũng như nâng cao khả năng tiếp cận tài chính cho người dân. Người tiêu dùng tài chính có nhiều sản phẩm và dịch vụ hơn để chọn lựa, đồng thời họ cũng dễ gặp phải rủi ro và dễ chịu tổn thương hơn. Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ cần đẩy mạnh hơn nữa hoạt động tuyên truyền, phổ biến các chương trình giáo dục tài chính, phổ cập kiến thức tài chính toàn diện, các thông tin về Ví điện tử, về các hình thức lừa đảo biến tướng sử dụng Ví điện tử, v.v. trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Đồng thời, các cơ quan quản lý cũng cần nghiên cứu, ban hành khung pháp lý bảo vệ người tiêu dùng trong lĩnh vực tài chính nhằm hạn chế những rủi ro xảy ra cho khách hàng khi sử dụng các dịch vụ Ví điện tử; thường xuyên có những kiểm tra, rà soát và đưa ra những cảnh báo rủi ro chính xác, kịp thời đối với người tiêu dùng khi sử dụng những sản phẩm này.
Đối với các cơ quan thanh tra giám sát tài chính – ngân hàng, cần thiết lập cơ chế yêu cầu các tổ chức cung cấp dịch vụ trung gian tài chính phi ngân hàng xây dựng và diễn tập các kịch bản ứng phó, kế hoạch dự phòng đối với rủi ro thanh khoản. Cần rà soát, nghiên cứu, xây dựng khuôn khổ pháp lý để các tổ chức cung cấp dịch vụ trung gian tài chính tham gia bảo hiểm tiền gửi giống như các tổ chức tín dụng (TCTD) truyền thống đối với khoản tiền gửi thanh toán của người tiêu dùng.
Các tổ chức tài chính – ngân hàng nói chung gồm: TCTD truyền thống; trung gian thanh toán và các công ty cung cấp giải pháp thanh toán điện tử cần nghiên cứu, xây dựng quy trình quản lý rủi ro thanh khoản; đầu tư hệ thống trang thiết bị thanh toán có thể dùng chung tại một điểm chấp nhận thanh toán. Điều này đòi hỏi sự liên kết, phối hợp và chia sẻ hạ tầng thanh toán với nhau; tránh tình trạng vừa thừa nhưng lại thiếu, lãng phí, không liên kết, mỗi ví sử dụng một mã QR Code khác nhau, v.v.; tiếp tục chủ động tìm hiểu, nghiên cứu xu thế phát triển công nghệ của các tổ chức tài chính trên thế giới nhằm học hỏi, đưa ra giải pháp phát triển phù hợp với khả năng và nguồn lực của tổ chức và điều kiện ứng dụng tại Việt Nam. Dịch vụ Ví điện tử cần đảm bảo yếu tố đơn giản, dễ thao tác, an toàn bảo mật, dễ tiếp cận, tạo điều kiện để các đối tượng chưa được tiếp cận với dịch vụ thanh toán điện tử sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận các dịch vụ số hơn.
Về phần mình, khách hàng sử dụng ví điện tử nói riêng và các công cụ thanh toán không dùng tiền mặt nói chung cần tìm hiểu kỹ các rủi ro liên quan tới việc sử dụng Ví điện tử, trong đó có rủi ro thanh khoản, chủ động học hỏi những kiến thức cơ bản liên quan đến bảo mật thông tin, tiện ích của khách hàng, những thông tin liên quan đến sản phẩm, dịch vụ mới; từ đó có ý thức hạn chế tối đa những rủi ro, những tổn thất không đáng có.
Ví điện tử hiện nay đem lại rất nhiều lợi ích cho khách hàng và hiện đang là xu hướng thanh toán chính. Bên cạnh đó, có những rủi ro nhất định như đã trình bày ở trên liên quan đến việc sử dụng dịch vụ thanh toán này và đều đã có những biện pháp để quản lý nhằm giảm thiểu tổn thất. Đối với các khoản tiền của khách hàng tại Ví điện tử hiện nay chưa thuộc đối tượng được bảo hiểm tiền gửi. Do vậy, trong giai đoạn phát triển của nhiều sản phẩm dịch vụ thanh toán điện tử cần thiết xem xét nghiên cứu, đề xuất mở rộng loại hình tiền gửi được bảo hiểm, bao gồm sản phẩm dịch vụ thanh toán mới như ví điện tử để bảo vệ tốt quyền và lợi ich của người tiêu dùng tài chính.
TS. Phạm Bảo Khánh
Thành viên HĐQT Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam