Triển khai thành công phí BHTG đồng hạng
Luật BHTG quy định phí BHTG là khoản tiền mà tổ chức tham gia BHTG phải nộp cho Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) để bảo hiểm cho tiền gửi của người gửi tiền được bảo hiểm tại tổ chức tham gia BHTG. Theo quy định của Luật BHTG, khung phí BHTG do Thủ tướng Chính phủ quy định theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Căn cứ khung phí, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định mức phí BHTG cụ thể đối với tổ chức tham gia BHTG trên cơ sở kết quả đánh giá và phân loại các tổ chức này.
Khoản 3 Điều 21 Nghị định 68/2013/NĐ-CP quy định: “Các quy định về phí BHTG, số tiền bảo hiểm được trả tại Nghị định số 89/1999/NĐ-CP ngày 1/9/1999 về BHTG và Nghị định số 109/2005/NĐ-CP ngày 24/8/2005 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 89/1999/NĐ-CP tiếp tục có hiệu lực thi hành cho đến khi Thủ tướng Chính phủ ban hành các quy định về khung phí BHTG, hạn mức trả tiền bảo hiểm theo quy định của Luật BHTG”.
Tại Việt Nam, phí BHTG được tính đồng hạng là 0,15%/năm tính trên số dư tiền gửi bình quân của các loại tiền gửi được bảo hiểm tại tổ chức tham gia BHTG. Mức phí này được áp dụng từ khi thành lập BHTGVN đến nay. BHTGVN chịu trách nhiệm tính và thu phí BHTG đối với tổ chức tham gia BHTG.
Sau hơn 20 năm triển khai hoạt động BHTG, có thể khẳng định Việt Nam đã triển khai thành công phí BHTG đồng hạng, được thể hiện ở ba khía cạnh: Mức độ đóng góp tương đối hài hoà giữa các đối tác tham gia BHTG; không tạo nên trách nhiệm tài chính quá lớn đối với các tổ chức tham gia BHTG; và phù hợp tương đối với điều kiện, mức độ phát triển của các tổ chức tham gia BHTG ở Việt Nam.
Hiện nay, ở Viêt Nam có 1.283 tổ chức tham gia BHTG, gồm 97 ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 1.181 quỹ tín dụng nhân dân, 01 ngân hàng hợp tác xã và 04 tổ chức tài chính vi mô. Các tổ chức tham gia BHTG này có chênh lệch lớn về quá trình phát triển, quy mô và phạm vi hoạt động. Với thực tế khách hàng khác nhau lớn như vậy, để đảm bảo phí đồng hạng tạo nên được sự đối xử tương đối công bằng về đóng góp tài chính với các khách hàng là một yêu cầu rất khó. Mặc dù vậy, quy định tính phí BHTG đóng góp thường xuyên áp dụng thời gian qua, trên cơ sở lựa chọn số dư tiền gửi tính phí là tiền gửi được bảo hiểm, tạo nên sự đối xử tương đối công bằng về đóng góp tài chính giữa các tổ chức tham gia BHTG, đồng thời có hỗ trợ đối với tổ chức mới tham gia vào lĩnh vực kinh doanh tiền tệ. Đây có thể được đánh giá là thành công lớn của việc áp dụng phí BHTG đồng hạng trong những năm đầu triển khai chính sách BHTG.
Cần có lộ trình nghiên cứu áp dụng phí BHTG phân biệt
Cạnh tranh bình đẳng và hội nhập đặt ra yêu cầu loại bỏ ưu đãi và phân biệt đối xử trong kinh doanh. Ưu điểm nổi bật của phí BHTG đồng hạng là thuận lợi trong triển khai. Vì tất cả các tổ chức tham gia BHTG đều được áp dụng chung một tỷ lệ phí BHTG đóng góp như nhau nên nhu cầu phải đánh giá chính xác tình hình hoạt động của tổ chức tham gia BHTG là không nhất thiết trong việc xem xét trách nhiệm tài chính của tổ chức tham gia BHTG đối với tổ chức BHTG. Ưu điểm này đã tạo điều kiện thuận lợi rất lớn cho tổ chức BHTG, đặc biệt là trong giai đoạn đầu mới triển khai hoạt động BHTG. Vì thế đa số các hệ thống BHTG trên thế giới đều khởi đầu bằng việc áp dụng đóng góp tài chính theo tỷ lệ phí BHTG đồng hạng.
Bên cạnh đó, phí BHTG đồng hạng cũng bộc lộ một số hạn chế cơ bản cần được nghiên cứu, có kế hoạch khắc phục. Cụ thể, tỷ lệ phí BHTG như nhau áp dụng chung cho tất cả khách hàng tham gia BHTG sẽ tạo nên khả năng xảy ra các biểu hiện ỷ lại xét về góc độ quản lý rủi ro trong hoạt động của các tổ chức tham gia BHTG, đồng thời không có tác dụng khuyến khích các tổ chức tham gia BHTG thi đua hoạt động tốt, an toàn cao để được áp dụng tỷ lệ phí BHTG thấp. Hơn nữa, phí BHTG cũng là một trong các tín hiệu công bố đối với thị trường về tình hình hoạt động của tổ chức tham gia BHTG, đặc biệt là mức độ rủi ro trong kinh doanh. Điều đó đặt ra yêu cầu cần xem xét, từng bước chuyển sang áp dụng phí BHTG không đồng hạng.
Mặc dù một số hoạt động của tổ chức BHTG có tính độc lập tương đối, nhưng tính khả thi của việc triển khai phí BHTG phân biệt trong hoạt động của tổ chức tham gia BHTG phụ thuộc nhiều vào sự phát triển của một số lĩnh vực khác trong nền kinh tế. Đó là các lĩnh vực liên quan tới hệ thống đánh giá độc lập hoạt động của các đơn vị có huy động tiền gửi; sự phát triển của thị trường tiền tệ; sự phát triển của hoạt động kiểm toán. Hoạt động của những lĩnh vực này là điều kiện cần thiết cho phép phương thức tính phí BHTG phân biệt có tính khả thi.
Tổ chức BHTG khi phát triển đến một trình độ nhất định có thể có khả năng đánh giá hoạt động của tổ chức tham gia BHTG với mức độ chính xác cao. Tuy nhiên, để tổ chức BHTG có thể làm được điều đó một cách độc lập, cần có nguồn nhân lực, kỹ năng chuyên sâu ở nhiều ngành, và đòi hỏi một thời gian khá dài.
Vì vậy, để từng bước đạt được mục tiêu áp dụng phí BHTG phân biệt, cần nghiên cứu và đánh giá một cách đầy đủ mức độ rủi ro trong hoạt động của mỗi tổ chức tham gia BHTG. Ngoài ra, để có được sự đồng nhất cần thiết giữa đánh giá của tổ chức BHTG và đánh giá của các cơ quan chức năng khác về độ rủi ro trong hoạt động của các tổ chức tham gia BHTG, cần được tiến hành từng bước kế hoạch xây dựng phí BHTG phân biệt có mức độ hoàn thiện tương đối thích ứng với từng thời kỳ phát triển trong hoạt động của các tổ chức tham gia BHTG và các chuẩn mực đánh giá khác.
Từ những phân tích nêu trên có thể khẳng định, phí BHTG phân biệt giúp đảm bảo công bằng và khuyến khích các tổ chức tham gia BHTG tăng cường quản trị rủi ro, nâng cao chất lượng hoạt động. Tuy nhiên, việc áp dụng hệ thống phí phân biệt cần có lộ trình phù hợp, đòi hỏi nghiên cứu đầy đủ và thận trọng để tránh những tác động tiêu cực đến hệ thống các tổ chức tín dụng, ảnh hưởng đến lòng tin của người gửi tiền và sự ổn định của các tổ chức tín dụng. Việc chuyển đổi từ phí BHTG đồng hạng sang phí BHTG phân biệt cần có thời gian chuyển tiếp đảm bảo từ khi công bố hệ thống phí phân biệt đến khi áp dụng thực tiễn đủ để các tổ chức tham gia BHTG chấn chỉnh hoạt động nhằm đạt được mức phí thấp; đồng thời đủ thời gian để cơ quan quản lý tiến hành tính thử và đánh giá tác động của việc áp dụng hệ thống phí phân biệt đối với hệ thống ngân hàng. Thời điểm áp dụng hệ thống phí BHTG phân biệt phù hợp là khi đã đáp ứng được tất cả các điều kiện tiên quyết để áp dụng hệ thống phí BHTG phân biệt cũng như có đầy đủ cơ sở pháp lý để hỗ trợ cho quá trình triển khai hệ thống phí BHTG này.