Hệ thống phí BHTG phân biệt (phí BHTG theo rủi ro) là một cơ chế thu phí để giảm thiểu rủi ro đạo đức phát sinh trong quá trình triển khai chính sách BHTG bằng cách kết hợp rủi ro vào phí BHTG phải nộp. Phí BHTG phân biệt giúp tăng tính công bằng trong việc tính phí: các tổ chức rủi ro cao hơn đóng phí bảo hiểm cao hơn và các tổ chức rủi ro thấp hơn đóng phí thấp hơn so với phí BHTG đồng hạng.
Mục tiêu của hệ thống phí phân biệt là tạo động lực cho các tổ chức tham gia BHTG trong việc thực hiện các thông lệ quản lý rủi ro an toàn; phân biệt các tổ chức tham gia BHTG theo mức độ rủi ro. Đồng thời, tạo sự công bằng trong tính phí BHTG khi những tổ chức rủi ro cao hơn phải chịu phí cao hơn tổ chức rủi ro thấp; thúc đẩy ổn định hệ thống tài chính, giúp củng cố việc quản lý rủi ro lành mạnh ở các tổ chức tham gia BHTG, góp phần ổn định hệ thống tài chính ngân hàng.
Phí phân biệt hiệu quả nhất khi đạt được những mục tiêu này và được hỗ trợ bởi hệ thống cảnh báo sớm và hoạt động giám sát thường xuyên để kịp thời ứng phó khi các tổ chức tín dụng gặp vấn đề.
Áp dụng hệ thống phí phân biệt - kinh nghiệm của Tổng Công ty BHTG Malaysia
Kể từ khi ra đời vào tháng 9/2005, Tổng công ty BHTG Malaysia (PIDM) đã sử dụng cơ chế cấp vốn trước và phí BHTG đồng hạng tương đương 0,06% trên tổng số dư tiền gửi được bảo hiểm. Luật BHTG Malaysia cho phép xây dựng hệ thống phí phân biệt với mục tiêu tạo ra động lực cho các tổ chức thành viên, hạn chế các hoạt động gây rủi ro quá mức và xây dựng sự công bằng cho quá trình tính phí BHTG.
Đến năm 2008, PIDM đã bắt đầu khởi động hệ thống phí phân biệt thay thế hệ thống phí đồng hạng, áp dụng cho cả hệ thống tiền gửi thông thường và tiền gửi Hồi Giáo, phù hợp với nhiệm vụ của PIDM là thúc đẩy quản lý rủi ro an toàn và đóng góp vào sự ổn định của hệ thống tài chính ngân hàng.
Kể từ đó đến nay, PIDM đã phát triển phí phân biệt theo các giai đoạn: giai đoạn nền tảng (2009 – 2011), giai đoạn phát triển và củng cố (2012 – 2020) và giai đoạn mở rộng (từ 2021 trở đi).
PIDM tuân theo 8 nguyên tắc nhằm đảm bảo đánh giá đủ và công bằng danh mục rủi ro của từng tổ chức thành viên một cách hiệu quả. Đó là: Áp dụng công bằng cho tất cả các tổ chức tham gia BHTG; Cung cấp động lực cho các tổ chức tham gia BHTG phấn đấu đạt mức xếp hạng tốt nhất (mức phí thấp nhất) bằng cách cải thiện danh mục rủi ro; Xem xét các yếu tố định lượng, định tính và nhân tố dự báo; Đảm bảo khách quan và minh bạch để các tổ chức thành viên hiểu về hệ thống phí phân biệt và có thể tự quản lý danh mục rủi ro của mình; Đảm bảo thông tin cung cấp là chính xác, tin cậy và kịp thời; Sử dụng dữ liệu được thống kê trên cơ sở những tiêu chuẩn kế toán được công nhận bởi Hội đồng tiêu chuẩn kế toán Malaysia; Phân loại các tổ chức thành viên trên cơ sở mức độ rủi ro phù hợp với đánh giá của tổ chức BHTG và cơ quan giám sát; Phân biệt các hoạt động ngân hàng thông thường và Hồi giáo.
Trong giai đoạn trước năm 2015, Malaysia áp dụng phương pháp tuyến tính kết hợp các tiêu chí định lượng và định tính để phân loại các tổ chức tham gia BHTG vào các nhóm phí phân biệt phù hợp theo rủi ro tương ứng. Yếu tố định lượng chiếm 60 trên tổng số 100 điểm, bao gồm tỷ lệ an toàn vốn, khả năng sinh lời, chất lượng tài sản, độ tập trung của tài sản và tăng trưởng tài sản. 40 điểm còn lại dành cho các yếu tố định tính bao gồm xếp hạng giám sát và các thông tin khác. Tổng điểm từ 2 nhóm yếu tố trên sẽ xác định phân loại nhóm phí của tổ chức tham gia BHTG.
Tiêu chuẩn |
Điểm tối đa |
Các tiêu chuẩn định lượng |
60 |
Tỷ lệ an toàn vốn Tỷ lệ vốn có trọng số rủi ro Tỷ lệ vốn cốt lõi |
20 |
Khả năng sinh lời Tỷ lệ lợi nhuận trên tổng tài sản điều chỉnh theo trọng số rủi ro Biến động lợi nhuận được điều chỉnh trung bình |
15 |
Chất lượng tài sản Tỷ lệ nợ xấu ròng trên cơ sở vốn Tỷ lệ nợ xấu |
15 |
Độ tập trung tài sản Tỷ lệ cho vay tập trung khu vực hộ gia đình và theo khu vực tổng hợp |
5 |
Tăng trưởng tài sản Tỷ lệ tăng trưởng tài sản và tỷ lệ tài sản có trọng số rủi ro trên tổng tài sản |
5 |
Các tiêu chuẩn định tính |
40 |
Xếp hạng giám sát Các thông tin khác |
35 5 |
Tổng |
100 |
Hình 1. Phương pháp tuyến tính để đánh giá rủi ro của các tổ chức tham gia BHTG
Các tổ chức tham gia BHTG sẽ được phân loại vào 1 trong 4 nhóm phí dựa trên số điểm nói trên. Trong đó, nhóm 1 là các tổ chức đạt từ 85 điểm trở lên, nhóm 2 từ 65 đến dưới 85 điểm, nhóm 3 từ 50 đến dưới 65 điểm, và nhóm 4 là dưới 50 điểm.
Kể từ năm 2015, PIDM áp dụng phương pháp ma trận để tính điểm xếp loại cho các tổ chức tham gia BHTG. Theo đó, không thay đổi về đánh giá định tính, xếp hạng giám sát và các thông tin khác. Việc đánh giá vốn dự trữ gồm các tiêu chí như tỷ lệ lợi nhuận trên tài sản có trọng số rủi ro (RORWA), biến động lợi nhuận điều chỉnh trung bình (MARV), tỷ lệ nợ xấu, tỷ lệ dự phòng tổn thất cho vay, cơ cấu cho vay tập trung, tỷ lệ tài sản có trọng số rủi ro trên tổng tài sản và tăng trưởng tài sản, tỷ lệ cho vay trên tiền gửi và cơ cấu người gửi tiền cá nhân.
Tổng điểm cho hiệu quả hoạt động và điều kiện tài chính |
≥85% |
M6 |
M4 |
M2 |
M1 |
≥65% đến <85% |
M6 |
M5 |
M3 |
M2 |
|
≥50% đến <65% |
M7 |
M6 |
M4 |
M3 |
|
<50% |
M7 |
M7 |
M5 |
M4 |
|
|
|
<2% |
≤2% đến <3% |
≥3% đến <4% |
≥4% |
|
|
Vốn dự trữ |
Hình 2. Phương pháp ma trận để đánh giá rủi ro của các tổ chức tham gia BHTG
Phí BHTG thường niên được áp theo nhóm dựa trên mức điểm đánh giá cho mỗi tổ chức tham gia BHTG. Nhóm 4 sẽ bị áp mức phí cao nhất và nhóm 1 sẽ áp mức phí thấp nhất. Phí thường niên được tính bằng cách nhân tổng số dư tiền gửi được bảo hiểm với tỷ lệ phí được xác định theo nhóm phí phân biệt.
PIDM sẽ tổng hợp điểm định lượng, định tính và thông báo điểm tổng, nhóm phí và tỷ lệ phí cho từng tổ chức thành viên. Nhằm đảm bảo tính chính xác của thông tin, những dữ liệu định lượng phải được xác thực bởi kiểm toán độc lập.
PIDM cũng xây dựng quy trình khiếu nại để tạo điều kiện cho các tổ chức thành viên đề nghị xem xét lại kết quả đánh giá trong một số trường hợp nhất định.
Kể từ khi áp dụng hệ thống phí phân biệt vào năm 2008, PIDM tin rằng hệ thống này đã đạt mục tiêu tạo ra sự công bằng, có khả năng đánh giá hồ sơ rủi ro của các tổ chức thành viên và tạo động lực để các tổ chức này quản lý rủi ro một cách chủ động, hiệu quả. Nhiều ngân hàng đã có cải thiện đáng kể về hồ sơ rủi ro và được chuyển sang các nhóm phí bảo hiểm tốt hơn. Đối với các thành viên không thay đổi về nhóm phí, việc áp dụng phương pháp tính phí theo ma trận đối với các chỉ số định lượng đã cho thấy sự cải thiện trong hồ sơ rủi ro tương ứng.
Phân tích định vị toàn ngành cũng cho thấy sự ổn định về hồ sơ rủi ro. Hàng năm, PIDM cung cấp phân tích điểm chuẩn cho các tổ chức thành viên nhằm mục đích phục vụ như tài liệu tham khảo để xác định các lĩnh vực cần cải thiện. PIDM phối hợp với ban lãnh đạo cấp cao và hội đồng quản trị của các tổ chức thành viên có vấn đề để thảo luận về các kế hoạch hành động nhằm cải thiện hồ sơ rủi ro tổng thể của họ.
Liên hệ với Việt Nam
Hiện nay, tại Việt Nam, phí BHTG đang áp dụng đồng hạng đối với tất cả các tổ chức tham gia BHTG là 0,15%/năm tính trên tổng số dư tiền gửi được bảo hiểm bình quân tại tổ chức tham gia BHTG.
Điều 20 Luật BHTG năm 2012 nêu rõ: Thủ tướng quy định khung phí BHTG theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước. Căn cứ khung phí BHTG, Ngân hàng Nhà nước quy định mức phí cụ thể đối với tổ chức tham gia BHTG trên cơ sở kết quả đánh giá và phân loại các tổ chức này (nghĩa là trên cơ sở rủi ro).
Thu phí phân biệt có ưu điểm là đảm bảo tính công bằng đối với các tổ chức tham gia BHTG, vì tổ chức nào hoạt động tốt hơn và rủi ro thấp hơn sẽ được hưởng mức phí thấp hơn và ngược lại, từ đó sẽ khuyến khích các tổ chức tham gia BHTG củng cố và nâng cao hiệu quả quản trị rủi ro. Rủi ro đối với nguồn vốn của tổ chức BHTG cũng được giảm bớt khi hạn chế phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm.
Tuy nhiên, để áp dụng thu phí phân biệt, mọi quốc gia đều phải có những tính toán cẩn trọng với một lộ trình chuyển đổi phù hợp. Trước khi thiết lập hệ thống thu phí phân biệt, cần phân tích tình huống để tự đánh giá tình trạng của nền kinh tế, chính sách tiền tệ và tài khóa, tình trạng và cấu trúc của hệ thống ngân hàng, điểm mạnh của hoạt động quản lý giám sát an toàn, khung khổ pháp lý, mức độ an toàn của cơ chế tài chính kế toán và công khai thông tin. Tại một số quốc gia đã áp dụng hệ thống phí BHTG phân biệt, thời gian từ khi chuẩn bị xây dựng đến khi áp dụng thường cần từ 3 tới 5 năm.
Việc áp dụng các hệ thống thu phí phân biệt đòi hỏi tổ chức BHTG cần được trao thẩm quyền cần thiết, đủ nguồn lực và thông tin khi cần để quản lý hệ thống một cách phù hợp. Trong các trường hợp tổ chức BHTG không trực tiếp thu thập thông tin mà phụ thuộc vào các cơ quan giám sát quản lý, cần có cơ chế chính thức để trao đổi thông tin phục vụ hệ thống thu phí phân biệt chính xác, kịp thời.
Để áp dụng thu phí BHTG phân biệt trên cơ sở rủi ro, việc đánh giá, xếp loại các tổ chức tham gia BHTG có ý nghĩa quan trọng. Quá trình này phải đảm bảo minh bạch, cơ bản phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế trên cơ sở dữ liệu đầu vào do các tổ chức tham gia BHTG cung cấp và các tổ chức tham gia BHTG được quyền có ý kiến về việc xếp loại đối với tổ chức của mình.
Đối với phương pháp tính phí, bên cạnh rủi ro của từng tổ chức tham gia BHTG, cần tính toán mức phí trong tương quan với tầm ảnh hưởng của rủi ro đó đối với toàn hệ thống để đưa ra mức phí khác biệt rõ rệt. Như vậy mới có thể đảm bảo được sự công bằng, duy trì kỷ luật thị trường, đồng thời tạo điều kiện để các tổ chức tham gia BHTG có thể khắc phục, xử lý rủi ro và cải thiện các chỉ số an toàn nhưng không tạo ra áp lực quá lớn về tài chính lên các tổ chức này.
Bên cạnh đó, tổ chức BHTG cần chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực cần thiết nhằm đảm bảo quản trị tốt hệ thống tính và thu phí phân biệt, đặc biệt là nguồn nhân lực và công nghệ thông tin.
Các hệ thống thu phí phân biệt cần phải định kỳ được đánh giá lại về hiệu quả và hiệu suất của hệ thống trong việc đáp ứng các mục tiêu đề ra và cập nhật, chỉnh sửa để đáp ứng yêu cầu thay đổi. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, việc chuyển đổi từ phí đồng hạng sang phí phân biệt phải tính tới và xử lý tốt các tác động trái chiều. Quá trình này nên được thực hiện khi tình hình hoạt động của hệ thống ngân hàng đang ở trạng thái an toàn, lành mạnh và ít rủi ro.