Theo dự luật mới, cơ quan BHTG Philippine được trao thêm nhiều lựa chọn hơn trong việc xử lý các ngân hàng gặp vấn đề khi đóng vai trò cơ quan tiếp nhận, nhờ đó củng cố hệ thống ngân hàng.
Bên cạnh đó, các thủ tục thanh lý cũng được cải tiến. PDIC có thêm lựa chọn mua lại các tài sản và tiếp nhận các nghĩa vụ pháp lý của các ngân hàng bị đóng cửa.
Với vai trò là cơ quan tiếp nhận, PDIC hoặc tổ chức được PDIC uỷ quyền sẽ thay mặt cho ngân hàng bị đổ vỡ tiếp nhận các khoản phí dịch vụ, có quyền hủy hợp đồng đang trong quá trình thỏa thuận.
Ngay khi xảy ra đổ vỡ ngân hàng hoặc khi PDIC quyết định cần phải can thiệp, cơ quan này có thể bắt đầu ngay quá trình xử lí nhằm kịp thời khắc phục vấn đề. Trong vòng 180 ngày kể từ khi khởi động quá trình can thiệp, cơ quan BHTG Philippine sẽ xác định phương án xử lý đổ vỡ: bằng cách mua lại tài sản và tiếp nhận các khoản nợ; thực hiện sáp nhập, hợp nhất; hoặc cho phép nhà đầu tư đủ điều kiện mua lại ngân hàng.
Trong trường hợp có một ngân hàng nào đó bị phát hiện không tuân thủ các yêu cầu khắc phục vấn đề do PDIC hoặc Hội đồng quản lý tiền tệ đưa ra, PDIC có quyền chấm dứt bảo hiểm cho ngân hàng đó.
PDIC cũng được ủy quyền tiến hành đánh giá rủi ro bảo hiểm của các ngân hàng không tuân thủ các yêu cầu về vốn tối thiểu theo quy định của Ngân hàng TW Phillipine. Đồng thời, BHTG Philippine cũng được trao quyền truy cập và xem xét dữ liệu tiền gửi của các ngân hàng.
Dự luật mới được Hạ viện thông qua cũng tăng thêm số lượng thành viên của Hội đồng quản trị PDIC từ 5 thành viên lên 7 thành viên – những người đóng vai trò hoạch định chính sách cũng như giám sát tổng thể quỹ BHTG mục tiêu.
Lần gần đây nhất Đạo luật Cộng hòa 3591 hay còn gọi là Điều lệ hoạt động của PDIC – cơ sở pháp lý cơ bản của cơ quan này được sửa đổi là năm 2009.