Theo đó, tại sự kiện do Hiệp hội Ngân hàng tiết kiệm Philippines mới tổ chức tuần qua, Thống đốc NHTW nước này - ông Benjamin Diokno cho biết sẽ thảo luận về đề xuất nâng hạn mức BHTG với Hội đồng quản trị gồm 7 thành viên của PDIC. Tuy nhiên, ông Diokno cũng chia sẻ, việc nâng hạn mức sẽ khó có thể thực hiện được ngay tức thời.
Phó Chủ tịch thứ hai của Hiệp hội Ngân hàng tiết kiệm Philippines - Francisco Dizon cho biết, hạn mức BHTG đã duy trì ở mức này trong 10 năm qua. Tuy nhiên, trước những thay đổi của tình hình kinh tế vĩ mô, tài chính ngân hàng và xã hội, việc xem xét nâng hạn mức BHTG là yêu cầu cần thiết.
Cũng theo ông Dizon, hạn mức nên được tăng lên mức 750.000 peso hoặc thậm chí là 1 triệu peso (hơn 20.000 đô la Mỹ) do các ngân hàng phải đối mặt với rủi ro cao hơn trong bối cảnh đại dịch COVID-19, đồng thời nhằm nâng cao niềm tin của công chúng vào hệ thống ngân hàng.
PDIC được thành lập vào tháng 6 năm 1963 thông qua Đạo luật Cộng hòa 3591 nhằm bảo vệ người gửi tiền và giúp duy trì sự ổn định trong hệ thống tài chính ngân hàng thông qua chính sách BHTG.
Điều lệ về hoạt động của PDIC đã được sửa đổi vào tháng 4 năm 2009, theo đó hạn mức BHTG được tăng từ 250.000 peso lên 500.000 peso (tương đương 10.200 đô la Mỹ) cho tất cả các khoản tiền gửi của mỗi người gửi tiền tại một tổ chức tín dụng để đảm bảo niềm tin vào hệ thống ngân hàng của đất nước sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Điều lệ hoạt động của PDIC cũng quy định hạn mức BHTG có thể được điều chỉnh nếu có những rủi ro đe dọa sự ổn định của hệ thống và gây nên hậu quả với quy mô lớn. Người gửi tiền phải nộp hồ sơ yêu cầu chi trả cho PDIC trong vòng 2 năm kể từ ngày tổ chức tín dụng đổ vỡ. Trong năm nay, PDIC đã tiếp quản 3 ngân hàng nông thôn theo yêu cầu của Ngân hàng Trung ương Philippines.