Theo số liệu báo cáo của PDIC, Quỹ bảo hiểm tiền gửi (DIF) đã tăng trưởng 15,3% trong năm 2016 và đạt 129,96 tỷ Peso (khoảng 2,52 tỷ USD) – mức cao nhất từ trước đến nay. Năm 2015, DIF đạt mức giá trị 112,71 tỷ Peso (tương đương 2,18 tỷ USD).
Nguồn lực tài chính của DIF duy trì ở mức cao hơn cho thấy PDIC có khả năng tốt hơn trong việc tăng cường bảo vệ người gửi tiền và đóng góp hiệu quả vào sự ổn định của hệ thống tài chính.
Theo PDIC, nguồn DIF đạt được trong năm 2016 bằng 5,8% số dư tiền gửi được bảo hiểm ước tính (EID)/tháng, cao hơn mục tiêu 5,5% của cả năm và tỷ lệ 5,6% đạt được trong năm 2015.
Với nguồn lực hiện tại, DIF được xem là đủ lực để có thể trang trải cho chi trả tiền bảo hiểm trong các trường hợp thông thường và thực hiện xử lý ngân hàng trên cơ sở điều kiện thực tế của hoạt động ngân hàng tính đến cuối năm 2016.
Đối với năm 2017, PDIC đặt ra tỷ lệ dự phòng mục tiêu của DIF trên số dư tiền gửi được bảo hiểm ước tính dao động trong khoảng 5,5 % đến 8%.
PDIC đã xây dựng được DIF nhờ việc quản lý hoạt động đầu tư nguồn vốn. Để đảm bảo an toàn, PDIC chỉ đầu tư phần lớn nguồn vốn ở thị trường trong nước nhằm giảm thiểu những rủi ro đến từ thị trường bên ngoài.
Hiện PDIC đưa ra hạn mức chi trả BHTG tối đa là 500.000 Peso/ người gửi tiền tại một ngân hàng (khoảng 9.700 USD). Để đảm bảo đủ nguồn lực tài chính chi trả tiền gửi được bảo hiểm, PDIC củng cố nguồn thu cho DIF chính và chủ yếu thông qua việc áp phí BHTG cho các ngân hàng thành viên theo tỷ lệ phí đồng hạng thường niên bằng 1/5 của 1% (tức 0,2%) trên tổng số dư tiền gửi.
Kể từ thập niên 1960, PDIC đã thực hiện chi trả tiền bảo hiểm cho 2,5 triệu người gửi tiền với tổng số tiền thanh toán lên đến 66,5 tỷ Peso (tương đương 1,29 tỷ USD).