Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Roberto B. Tan - Tổng giám đốc PDIC nhấn mạnh sự cần thiết các cơ quan giám sát tài chính phải xác định những yếu tố dễ gặp rủi ro trong môi trường hiện nay, đồng thời đẩy mạnh công tác dự phòng thông qua thực hiện biện pháp bảo đảm để ngăn ngừa xói mòn mang tính hệ thống và khủng hoảng tài chính nghiêm trọng tại Philippines.Theo đó, hội thảo tập trung thảo luận về một số nội dung liên quan đến khái niệm về ổn định tài chính và khủng hoảng tài chính, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác liên ngành trong nỗ lực thực hiện giám sát và giảm thiểu các rủi ro hệ thống, vấn đề về sự dễ bị tổn thương và việc củng cố năng lực giới giám sát ngân hàng nhằm ngăn chặn hoặc hạn chế tác động của tình trạng đổ vỡ trong hệ thống tài chính.
Tại hội thảo, ông Johnny Noe E. Ravalo - Phó Thống đốc BPS, phụ trách Cơ quan Quản lý rủi ro hệ thống nhấn mạnh, việc áp dụng chính sách an toàn vĩ mô, sự giám sát chặt chẽ về mối quan hệ mật thiết giữa các hệ thống tài chính và nền kinh tế là nhằm đảm bảo các tổ chức tài chính sẽ có khả năng phục hồi tốt hơn.
“Trong bối cảnh các giao dịch tài chính ngày càng trở nên phức tạp và liên kết mạnh mẽ, rủi ro vì thế cũng mở rộng và gia tăng. Quan điểm về giám sát ngân hàng chính vì vậy cũng cần chuyển đổi từ mô hình giám sát độc lập sang hình thức giám sát toàn hệ thống. Cần giám sát và quản lý rủi ro một cách chủ động, phối hợp đa ngành và trên phạm vi toàn hệ thống để ngăn ngừa một cuộc khủng hoảng tài chính ở phạm vi quốc gia” - Phó Thống đốc Johnny Noe E. Ravalo cho biết thêm.
Trong thời gian tới, các Hội thảo về ổn định tài chính sẽ tiếp tục được tổ chức tại các tổ chức thành viên của Hội đồng điều phối ổn định tài chính (FSCC), bao gồm PDIC, BSP, Ủy ban Bảo hiểm Philippines, Ủy ban Chứng khoán và Hối đoái Philippines, và Bộ Tài chính Philippines. FSCC được thành lập năm 2014 với mục đích thúc đẩy sự hợp tác giữa các cơ quan quản lý giám sát ngân hàng trong việc xác định, quản lý và giảm thiểu sự gia tăng những rủi ro trong hệ thống tài chính.