Về quy mô tiền gửi, các tài khoản có số dư trên 100.000 PHP (khoảng 2.000 UD) đã tăng với tốc độ nhanh hơn trong năm 2016, cụ thể đạt mức tăng 8,7% so với năm 2015; trong khi tài khoản có số dư từ 100.000 PHP trở xuống chỉ tăng 5,6%. Về tỷ lệ quy mô tiền gửi theo tài khoản trên tổng số dư tiền gửi, các tài khoản có số dư từ 100.000 PHP trở xuống lại chiếm 89,3% so với 10,7% của các tài khoản có số dư trên 100.000 PHP.
Tổng giám đốc kiêm Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị PDIC, Ông Roberto B. Tan cho biết: “Tăng trưởng mạnh và ổn định tiền gửi ở cả số lượng và số tài khoản đã phản ánh sự tin tưởng nhiều hơn của người gửi tiền vào sự ổn định của hệ thống ngân hàng tại Philippines.” Theo Tổng giám đốc Tan: “Số lượng tài khoản tiền gửi tăng cho thấy người gửi tiền tiếp tục kỳ vọng ngân hàng sẽ bảo vệ các khoản tiết kiệm họ kiếm được bằng mồ hôi nước mắt. Sự tăng trưởng này khẳng định rõ sự nhận thức tốt của đông đảo công chúng gửi tiền về tầm quan trọng của tiết kiệm và hơn nữa là nguồn vốn dồi dào sẵn có phục vụ hoạt động đầu tư và sản xuất kinh doanh.”
Trong tổng số 54 triệu tài khoản tiền gửi của hệ thống ngân hàng, 52 triệu (chiếm 96,4%) tài khoản được bảo hiểm. Tổng số dư tiền gửi ước tính được bảo hiểm trị giá 2,3 nghìn tỷ PHP (xấp xỉ 46.186 triệu USD), tương ứng 21,5% tổng số dư tiền gửi được bảo hiểm với hạn mức 500.000 PHP (khoảng 10.000 USD)/ người gửi tiền tại một ngân hàng.
Tính đến hết năm 2016, hệ thống ngân hàng có tổng số 10.952 chi nhánh trên toàn quốc, tăng 278 chi nhánh so với cùng kỳ. Sự tăng trưởng tiền gửi này là do sự mở rộng mạng lưới chi nhánh của các ngân hàng tại khắp các khu vực trên toàn đất nước Philippines cũng như có sự tham gia đầy đủ của các ngân hàng nước ngoài vào hệ thống ngân hàng Philippines kể từ năm 2014.
Mặc dù vậy, theo số liệu của NHTW Philippines (BSP), vẫn còn 582 thành phố chưa có dịch vụ ngân hàng tính đến thời điểm hết tháng 12/2016. Mặc dù con số này đã giảm so với 596 thành phố tính đến cuối tháng 3/2016, vẫn còn khá nhiều thành phố và đô thị chưa được tiếp cận dịch vụ ngân hàng, trong đó có 168 thành phố và thị trấn ở tỉnh Luzon, 170 ở tỉnh Visayas, và 244 ở tỉnh Mindanao. Tính đến hết năm 2016, khu tự trị người hồi giáo ở tỉnh Mindanao, khu vực 8 phía đông tỉnh Visayas và Khu hành chính Cordillera đứng đầu danh sách với số lượng thành phố và đô thị không có dịch vụ ngân hàng. Số lượng thành phố và đô thị của cả địa phương trên không có dịch vụ ngân hàng chiếm tỷ lệ 44% tổng số thành phố và đô thị chưa có dịch vụ ngân hàng của cả Philippines. Theo BSP, năm 2016, nước này đóng cửa 22 ngân hàng ở Khu hành chính Cordillera, Khu vực 4-A và Khu vực 6.
Tổng giám đốc Tan khẳng định: “Sự tăng trưởng liên tục của hệ thống ngân hàng đặt ra cả cơ hội và thách thức cho hội nhập kinh tế. Việc nhiều đô thị chưa có dịch vụ ngân hàng đã đặt ra yêu cầu cho hệ thống ngân hàng phải tiếp tục nỗ lực cho mục tiêu thúc đẩy tài chính hòa nhập, đảm bảo các cộng đồng nông thôn và nơi hẻo lánh phải được tiếp cận các dịch vụ tài chính cơ bản nhất.” Tổng công ty BHTG Philippines – PDIC, một thành viên tham gia xây dựng Chiến lược quốc gia về tài chính hòa nhập ủng hộ mạnh mẽ các bước đi của Chính phủ trong thúc đẩy tài chính hòa nhập. Để đạt được mục tiêu này, PDIC thường xuyên tổ chức các lớp học truyền thông về kiến thức tài chính và vai trò của hoạt động ngân hàng nhằm giúp cho công chúng nói chung và người gửi tiền nói riêng có những thông tin để đưa ra những quyết định tài chính sáng suốt.