Quản lý tài chính có thể hiểu đơn giản là quản lý nguồn vốn, phân phối nguồn tài chính, quá trình đầu tư, chi phí bỏ ra, lợi nhuận thu về, theo dõi sử dụng tiền mặt chặt chẽ và hiệu quả theo các mục đích đã định. Quản lý tài chính tốt sẽ thúc đẩy sản xuất, giảm chi phí khấu hao, góp phần thúc đẩy hoạt động kinh doanh, từ đó thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn.
Thực trạng hiểu biết quản lý tài chính của người nông dân
Theo thực tế khảo sát trong quá trình tìm hiểu thực trạng trình độ hiểu biết về quản lý tài chính và chính sách bảo hiểm tiền gửi của người nông dân của nhóm nghiên cứu Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia kết hợp với Chi nhánh BHTGVN tại thành phố Hà Nội ở 6 xã Lâm Lợi, Động Lâm, Xuân Áng thuộc huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ và xã Tuy Lộc - huyện Cẩm Khê, xã Phường Thịnh – huyện Tam Nông, xã Đoạn Hạ - huyện Thanh Thủy tỉnh Phú Thọ, tỷ lệ tiết kiệm đại bộ phận nông dân còn thấp.Hơn 90% người nông dân khi được hỏi mục đích của việc tiết kiệm đưa ra lý do chủ yếu để chi trả khám chữa bệnh khi cần thiết và phòng các nhu cầu chi tiêu đột xuất. Dưới 10% hộ nông dân tiết kiệm để mong có lợi nhuận từ lãi suất hay để đầu tư sản xuất.Hiểu biết của người nông dân về giá trị của đồng tiền, lạm phát, lãi suất các sản phẩm dịch vụ mà ngân hàng cung cấp còn thấp. Khi hỏi về mức độ tin tưởng người nông dân đối với hệ thống ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân đa số bày tỏ sự tin tưởng, có một phần nhỏ không có ý kiến về vấn đề này, không có người nông dân nào thể hiện không tin tưởng hệ thống ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân. Khi hỏi về hành vi của người tiêu dịch vụ tài chính, phần lớn người nông dân lập kế hoạch chi tiêu hàng tháng, nhưng đa số là những chi tiêu sinh hoạt trong gia đình, còn kế hoạch tài chính để đầu tư kinh doanh rất ít.
Khảo sát cho thấy, kiến thức tài chính của người nông dân còn thấp. Khi hiểu biết hạn chế, người nông dân sẽ khó tiếp cận các chính sách hỗ trợ tài chính của Nhà nước, ngân hàng để đầu tư khởi nghiệp vì dễ lầm tưởng thủ tục rườm rà, phức tạp. Điều này khiến bản thân người nông dân chịu thiệt thòi do đa số vốn của họ thường không lớn, nếu tiếp cận được sự hỗ trợ chính sách về vốn của Nhà nước sẽ giúp người nông dân tránh rủi ro, dễ thành công hơn. Ngoài ra, khi có được vốn trong tay , việc sử dụng thu chi nguồn vốn thế nào để mang lại lợi nhuận lâu dài, trả lãi, phòng ngừa rủi ro như dịch bệnh, hạn hán, được mùa mất giá…cũng là những kiến thức tài chính cơ bản người nông dân cần nắm để có thể khởi nghiệp thành công, xóa đói giảm nghèo.
Một thực tế nữa qua khảo sát cho thấy, có một số lượng không nhỏ người dân khi có tiền gửi tiết kiệm chỉ quan tâm đến lãi suất, không quan tâm đến uy tín của tổ chức tín dụng. Thậm chí người dân còn tham gia “tín dụng đen” để được hưởng lãi suất cao.Điều này mang lại rủi ro cho người dân gửi tiền và cũng là thách thức đối với các cơ quan chức năng, trong đó có BHTGVN.
Một trong những nhiệm vụ thường xuyên của BHTGVN là kiểm tra tại chỗ các quỹ tín dụng nhân dân trên khắp cả nước.Qua các cuộc kiểm tra kết hợp trao đổi với Quỹ tín dụng nhân dân, BHTGVN cũng nắm rõ hơn về mức độ hiểu biết tài chính của người nông dân.Trong đó, một số người còn chưa biết đến chính sách BHTG, không hiểu quyền và lợi ích của mình khi gửi tiền. Đây chính khó khăn, thách thức đối với BHTGVN khi triển khai chính sách tại nông thôn, đặt ra yêu cầu cần tăng cường tuyên truyền để các quy định về BHTG đến với người nông dân.
Một số đề xuất
Các nhà hoạch định chính sách cần xây dựng một đề án quy mô lớn, chi tiết đến từng địa điểm, phù hợp với từng vùng, từng đối tượng nhằm nâng cao trình độ hiểu biết của người nông dân. Đề án cần sự phối hợp giữa Ngân hàng nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, Ngân hàng CSXH Việt Nam, các NHTM… để thông qua đó phổ cập kiến thức quản lý tài chính cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền đối với người nông dân. Trên thực tế, Nhà nước có những chính sách hỗ trợ người nông dân khởi nghiệp…nhưng vì không được trang bị kiến thức đầy đủ, thiếu thông tin nên nhiều người không tiếp cận được những ưu đãi, thậm chí phải sử dụng tín dụng “đen”, hay người nông dân có tiền gửi tiết kiệm nhưng không nhận thức được rủi ro tiềm ẩn, chỉ nhìn thấy lợi ích từ lãi suất cao.
Nước ta có số lượng người làm nông nghiệp lớn, có khoảng 23 triệu người (1), chiếm 42,9% lực lượng lao động cả nước (2). Để nước ta có thể trở thành một nước công nghiệp hóa hiện đại hóa thì cần một nền nông nghiệp phát triển ổn định, vững chắc làm cơ sở.Mỗi người nông dân giỏi, đầy dủ kiến thức sẽ là những hạt nhân tạo nên một nền nông nghiệp vững mạnh cho đất nước.Vì vậy, việc phổ cập kiến thức quản lý tài chính cho người nông dân là rất cần thiết. Sự phối hợp giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ngân hàng Nhà nước, tổ chức Bảo hiểm tiền gửi, Ngân hàng CSXH Việt Nam, các NHTM sẽ là cơ sở giúp quá trình phổ cập kiến thức quản lý tài chính tới người nông dân thành công.
TS. Đinh Thị Thanh Vân
Th.S Hồ Thanh Xuân
(Nghiên cứu trong khuổn khổ Đề tài “Xây dựng mô hình quản lý tài chính và đào tạo quản lý tài chính cho các cá nhân/hộ gia đình và định hướng khởi nghiệp tại tỉnh Phú Thọ” Đề tài này được chủ trì bởi Đại học Kinh tế-Đại học Quốc gia kết hợp với BHTGVN)
Tài liệu tham khảo:
http://news.zing.vn/so-nguoi-lam-nong-nghiep-o-vn-cao-hon-11-nuoc-tpp-cong-lai-post621758.html
http://baodansinh.vn/luc-luong-lao-dong-ca-nuoc-uoc-dat-5432-trieu-nguoi-9-thang-dau-nam-d16715.html