Đánh giá cao việc Chính phủ khẳng định quyết tâm của mình, đó là sẽ duy trì chỉ số CPI trong ngưỡng 4%. Tuy nhiên, đại biểu Quốc hội Lê Thu Hà (Lào Cai) đặt câu hỏi chất vấn, theo Phó Thủ tướng, điều này có khả thi hay không. Và ngoài giải pháp sử dụng quỹ bình ổn giá thì Chính phủ sẽ có những giải pháp hữu hiệu gì để kiểm soát chỉ số giá trong bối cảnh hiện nay để cử tri thực sự yên tâm?
Phó Thủ tường Chính phủ Vương Đình Huệ (Ảnh: Quochoi.vn) |
Đi thẳng vào trọng tâm câu chất vấn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, trong tháng 5 CPI tăng 0,55%, là mức tăng cao nhất của tháng 5 trong 6 năm liên tiếp.
Phó Thủ tướng phân tích 2 nguyên nhân chính dẫn tới CPI tăng và 2 nguyên nhân này tích hợp cùng thời điểm với nhau đó là giá dầu thế giới thành phẩm thị trường Singapore có lúc lên đến 88 đô la Mỹ/1 thùng tức là tăng 25% đến 30%. Trong khi đó giá thịt lợn hơi từ trước khoảng 40.000 đến 50.000 đồng xuống đến 20.000 đồng, giờ tăng trở lại theo mức như cũ.
“Riêng nhóm thịt lợn hơi và thực phẩm đã làm cho CPI tăng lên khoảng 0,25% và chúng ta phải điều chỉnh giá xăng dầu theo giá thế giới 2 lần thì tác động tổng số là 0,16%. Riêng 2 nhóm này làm tăng 0,45% rồi. Hiện nay Chính phủ đang chỉ đạo sử dụng quỹ bình ổn giá để điều tiết bớt phần xăng dầu này. Giá xăng dầu thế giới tăng bình quân khoảng 25% nhưng giá xăng trong nước mới điều chỉnh khoảng 9,3%, chúng ta sử dụng triệt để công cụ bình ổn.” – Phó Thủ tướng phân tích thêm.
Những giải pháp để kiểm soát lạm phát cũng được Phó Thủ tướng chia sẻ tại phiên chất vấn đó là Chính phủ tính toán lại lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ công. Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Thủ tướng Chính phủ kết luận một cách rõ ràng là năm nay đảm bảo với Quốc hội và cử tri là không tăng giá điện mặc dù áp lực tăng giá điện khoảng 4.600 tỷ đồng.
Qua chuyện chúng ta phải tính lại giá phí trong bao tiêu, áp lực của đầu vào khoảng 4.600 tỷ nhưng Thủ tướng và Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công thương và Tập đoàn Điện lực phải tiết giảm chi phí để không tăng giá điện trong năm nay. Còn giá dịch vụ y tế chúng ta sẽ chờ đến cuối năm để đưa bước ba là chi phí quản lý vào nếu thuận lợi, còn trong trường hợp không thuận lợi thì chúng ta để sang năm. Đồng thời, Chính phủ cũng đang chỉ đạo sửa đổi Thông tư 37 để giảm được khoảng 80 loại dịch vụ y tế. Tăng cường đấu thầu, đấu giá thuốc chúng ta cũng kéo giảm được giá thuốc xuống.
“Với nhiều giải pháp như vậy, chúng tôi tin có thể kiểm soát được lạm phát trong phạm vi cơ quan điều hành giá đang tính toán khoảng 3,72% đến 3,94%, tức là trong mức giới hạn an toàn mà Quốc hội đã cho phép, nếu không có gì đột xuất xảy ra.” – Phó Thủ tướng lạc quan.
Cũng liên quan tới kiểm soát lạm phát, đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) đề cập tới sự phối hợp chính sách tiền tệ và tài khóa với vai trò quản lý và điều phối các chính sách kinh tế vĩ mô, Chính phủ đã chỉ đạo tháo gỡ vấn đề trên như thế nào?
“Tôi cho đây là sự phối hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Trong mấy năm gần đây nhờ sự nỗ lực chung của cả hệ thống chính trị, của Quốc hội, Chính phủ, các cấp, các ngành, kinh tế vĩ mô của chúng ta cơ bản ổn định. Và nhờ chúng ta thực hiện tốt chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, đồng thời phối hợp rất nhịp nhàng hai chính sách này.” – Phó Thủ tướng mở đầu phần trả lời.
Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, đồng chí Thống đốc NHNN và Bộ trưởng Bộ Tài chính đã cùng nhau giải quyết vấn đề trên cơ sở nền tảng của tài chính và tiền tệ, có chuyện trung hòa lượng tiền để tránh lạm phát. Vừa rồi chúng ta bán Sabeco được 110.000 tỷ đồng, tiền mặt khoảng 5 tỷ đô la, dòng vốn nước ngoài vào còn nhiều.
“Do đó tôi đã trực tiếp ngồi với các đồng chí lãnh đạo các bộ này để điều hòa lượng tiền của ngân sách trên với kho bạc nhà nước.” – Phó Thủ tướng nói và cho rằng, đây là một chuyện trung hòa để chúng ta đỡ việc phải hút tiền về, đảm bảo cho thị trường tiền tệ và tài khóa lành mạnh, tránh được lạm phát.