PV: Xin ông cho biết truyền thông chính sách có vai trò như thế nào trong chu trình chính sách công?
PGS-TS. Đỗ Chí Nghĩa: Truyền thông chính sách được hiểu là quá trình chia sẻ thông tin về một chính sách cụ thể của Chính phủ đến người dân nhằm thu hút người dân và các bên liên quan vào quy trình chính sách, từ đó tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động của công chúng để đạt được mục tiêu chính sách. Truyền thông chính sách có ảnh hưởng rất lớn đến mọi vấn đề của xã hội, tác động đến nhận thức của công chúng, từ nhận thức sẽ tác động đến hành động và ứng xử của công chúng.
Tính đặc trưng của truyền thông chính sách nói chung là hệ thống các nỗ lực chủ động thúc đẩy và tương tác hai chiều của Nhà nước được thiết kế có chủ đích nhằm tiếp nhận và chia sẻ thông tin tới đối tượng hướng đến nhằm thúc đẩy hiểu biết, phản biện, đồng thuận, sự tin cậy qua lại, vì sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp và vì lợi ích cộng đồng.
Tuy nhiên, cần phải nhận thức, truyền thông khác với tuyên truyền, do đó các chủ thể truyền thông muốn đạt được mục tiêu cần có phương pháp tiếp cận đối tượng truyền thông theo những nguyên tắc căn bản: Đúng đối tượng, sát mục tiêu, đúng thời điểm, thông tin chính xác, kịp thời và cẩn trọng, phương thức, hình thức phù hợp với đối tượng truyền thông.
Có thể khẳng định, truyền thông chính sách tham gia và có vai trò, ý nghĩa quan trọng đối với toàn bộ chu trình chính sách công. Truyền thông chính sách phải được thực hiện đồng bộ và có hiệu quả trong từng khâu của chu trình chính sách.
PV: Đối tượng của truyền thông chính sách BHTG có đặc thù như thế nào, thưa ông?
PGS-TS. Đỗ Chí Nghĩa: Như chúng ta đều biết, việc xác định được đối tượng đích của truyền thông chính sách rất quan trọng, quyết định thành bại của một chiến dịch truyền thông. Việc xác định đối tượng đích quyết định hình thức, nội dung truyền thông. Với mỗi một đối tượng cụ thể cần có hình thức và nội dung truyền thông riêng, không thể dùng một nội dung, một hình thức cho các đối tượng khác nhau…
Trong số các tổ chức tài chính nhà nước, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) là một tổ chức đặc thù. Những đặc thù ấy thể hiện ở cơ chế, khuôn khổ pháp lý, mục đích, mô hình hoạt động, ở lĩnh vực hoạt động, cũng như chức năng, nhiệm vụ được giao. Dù hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, BHTGVN đã được Luật BHTG quy định rõ ràng về nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về BHTG. Do đó, trong công tác truyền thông chính sách mà BHTGVN thực hiện, dù không nằm ngoài các nguyên lý truyền thông cơ bản, song cũng có những điểm riêng điển hình.
BHTGVN là tổ chức tài chính nhà nước hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, thực hiện chính sách BHTG, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng. Nếu như bảo hiểm thương mại kinh doanh với mục đích sinh lợi, thì BHTGVN hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận.
Đối với BHTG tại Việt Nam, người gửi tiền là bên được bảo vệ, song trách nhiệm đóng phí thuộc về các tổ chức tín dụng nhận tiền gửi. Xét về khía cạnh truyền thông, các công ty bảo hiểm thực hiện quảng bá, truyền thông về thương hiệu, sản phẩm của mình để đạt mục đích kinh doanh. Mục tiêu truyền thông của BHTGVN không nhằm để “bán” một sản phẩm cụ thể nào cả, mà hướng tới cái đích cuối cùng là xây dựng, gìn giữ niềm tin của công chúng đối với hệ thống ngân hàng thông qua nhận thức đúng đắn, đầy đủ về chính sách BHTG.
Từ cơ sở đó, cũng có thể nói đối tượng truyền thông chính sách BHTG mang tính đặc thù. Đối tượng truyền thông mục tiêu mà BHTGVN cần hướng tới không phải là công chúng một cách chung chung, mà cần xác định rõ, cụ thể. Đơn cử, người gửi tiền là một tập hợp quần chúng đông đảo, thuộc nhiều tầng lớp, lĩnh vực hoạt động, trình độ học vấn, độ tuổi, giới tính, cũng như địa bàn cư trú... Mỗi nhóm đối tượng người gửi tiền khác nhau sẽ là những khác biệt không chỉ về nhận thức mà còn về hành vi, do đó cần tới những phương pháp tiếp cận, thông điệp được xây dựng phù hợp.
Tuy nhiên, đối tượng công chúng mục tiêu của BHTGVN không chỉ là người gửi tiền, mà còn là các tổ chức tham gia BHTG, nhà hoạch định chính sách, thậm chí cả những người gửi tiền tiềm năng chính là học sinh, sinh viên. Thông qua quá trình truyền thông của mình, BHTGVN cần đem đến hiểu biết về chính sách BHTG tới mọi nhóm công chúng có liên quan ở các mức độ khác nhau, giúp họ hiểu được ý nghĩa của chính sách này cũng như có sự tương tác tích cực đối với chính sách.
PV: Ông có thể đưa ra một vài gợi ý để việc truyền thông chính sách BHTG ngày càng hiệu quả hơn nữa?
PGS-TS. Đỗ Chí Nghĩa: Bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đã làm thay đổi phương thức truyền thông truyền thống, hàng loạt các phương thức truyền thông mới được sử dụng và phát huy hiệu quả đặc biệt, như việc sử dụng trí tuệ nhân tạo, không gian kết nối ảo; tương tác mạng xã hội: facebook; zalo; youtube; Instagram; twitter… Vì vậy, những người làm truyền thông chính sách cần phải thay đổi nhanh chóng, cả về nhận thức và tổ chức bộ máy để thích ứng với môi trường truyền thông số và đáp ứng quá trình dân chủ hóa đời sống xã hội.
Trong quá trình truyền thông chính sách, BHTGVN có thể cân nhắc sử dụng các phương thức truyền thông hiệu quả. Theo đó, các công cụ truyền thông đại chúng sẽ giúp chính sách BHTG tiếp cận trên quy mô rộng, xây dựng nhận thức, dư luận chung về chính sách BHTG. Song đối với từng thời điểm, từng đối tượng công chúng cũng như đối với từng chiến dịch truyền thông, BHTGVN cần lựa chọn kênh truyền thông phù hợp, trong đó có thể cân nhắc tới các kênh truyền thông xã hội, truyền thông số. Truyền thông xã hội không chỉ đem tới cơ hội tiếp cận số đông công chúng với mức chi phí thấp hơn so với truyền thông truyền thống, mà còn là môi trường để tương tác, trao đổi thông tin, đem lại cho BHTGVN không chỉ cơ hội đưa chính sách BHTG tới với người gửi tiền mà còn là nơi tổ chức BHTG tiếp nhận những phản hồi, kịp thời nắm bắt xu hướng dư luận, thúc đẩy truyền thông đúng hướng, đúng đối tượng, đúng thông điệp.
Một điểm quan trọng không kém so với triển khai các chương trình, chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức chính là đánh giá hiệu quả của các chương trình, chiến dịch đó cũng như đánh giá tổng thể mức độ thay đổi trong nhận thức của người gửi tiền. Như vậy, BHTGVN cần có kế hoạch khảo sát thường niên (hoặc định kỳ 2 - 3 năm/lần) để đánh giá tổng thể về nhận thức của người gửi tiền, đồng thời đối với mỗi chương trình truyền thông, cần thiết kế một hợp phần đánh giá hiệu quả thực hiện, mức độ tác động đến nhận thức công chúng.
Có thể nói, BHTG là một lĩnh vực nhạy cảm, và truyền thông về chính sách BHTG cũng cần sự nhạy cảm. Người làm truyền thông về chính sách BHTG có thể sẽ đạt mức độ lan tỏa lớn, tạo ra tác động trên quy mô rộng nếu họ khoét sâu vào những yếu tố giật gân, tác động vào sự sợ hãi của công chúng, song như vậy, việc truyền thông chính sách sẽ trở thành phản tác dụng khi không thể nâng cao niềm tin của công chúng mà còn làm niềm tin ấy rạn nứt. Cần nhận thấy rằng mọi thông tin được tổ chức BHTG đưa ra đều có thể tác động tới tâm lý của người gửi tiền, đối với hệ thống ngân hàng.
Truyền thông mà không gây hoang mang, từng bước xây dựng niềm tin, sự hiểu biết là một trọng trách mà BHTGVN sẽ từng bước đạt được trong thời gian tới. Tuy nhiên, để đạt được điều đó, trách nhiệm “truyền thông” không nên và không thể đặt vào riêng tổ chức, mà mỗi cán bộ tại BHTGVN đều phải là người làm truyền thông. Hơn thế nữa, việc tổ chức truyền thông chính sách BHTG phải được thực hiện một cách có bài bản, có hệ thống. BHTGVN cần phải khiến các cơ quan, tổ chức, các bên có liên quan truyền thông về mình, về chính sách BHTG thì mới có thể tạo ra hiệu ứng lan truyền thay vì chỉ một tổ chức BHTG đơn độc lên tiếng. Điều này giúp các chính sách tiếp cận được đến đông đảo người dân, tạo được sự đồng thuận xã hội, đồng thời, nhận được những ý kiến góp ý, phản biện để kịp thời điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn cuộc sống.
Nói tóm lại, truyền thông chính sách nói chung, đặc biệt truyền thông chính sách BHTG nên tập trung vào các giải pháp như sau: giữ được vai trò chủ đạo trong truyền thông chính sách; góp phần tạo sự đồng thuận xã hội; lấy người dân làm trung tâm; tận dụng triệt để ưu thế truyền thông 4.0 và chú trọng đào tạo đội ngũ làm truyền thông chính sách.
PV: Xin cảm ơn ông!
- Chi nhánh BHTGVN khu vực Đông Bắc Bộ tuyên truyền chính sách BHTG tại Ag... (03/11/2023)
- Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 21 của H... (26/10/2023)
- Chi nhánh BHTGVN khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên tuyên truyền chính s... (24/10/2023)
- Phối hợp tuyên truyền chính sách BHTG tại Sở Lao động - Thương binh và X... (24/10/2023)
- Cụm thi đua số 2 tổ chức hội thảo chuyên môn và trao đổi, chia sẻ kinh n... (17/10/2023)
- Bế giảng lớp Bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho cán bộ đối tư... (13/10/2023)