PV: Bà đánh giá như thế nào về ý nghĩa, vai trò của chính sách BHTG trong việc bảo vệ quyền lợi người gửi tiền và góp phần đảm bảo an toàn lành mạnh hệ thống ngân hàng?
PGS. TS Nguyễn Thị Mùi: Mục tiêu cơ bản của chính sách BHTG là bảo vệ người gửi tiền và góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống tài chính quốc gia. BHTG thực hiện tốt mục tiêu này sẽ có ý nghĩa rất lớn không chỉ đối với người gửi tiền, các tổ chức tín dụng (TCTD), mà còn có ý nghĩa đối với nền kinh tế. Cụ thể:
Đối với người dân gửi tiền vào các TCTD, trong trường hợp TCTD mất khả năng chi trả, hoặc đổ vỡ, thì tổ chức BHTG sẽ chịu trách nhiệm chi trả BHTG cho người gửi tiền thuộc đối tượng được bảo hiểm.
Mặt khác, khi TCTD đổ vỡ, BHTG tham gia vào quá trình thanh lý tài sản của TCTD đó để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền có số tiền gửi lớn hơn hạn mức chi trả BHTG. Qua hoạt động này, BHTG đã xây dựng được niềm tin của công chúng đối với hệ thống ngân hàng. Họ không chỉ gửi tiền vào ngân hàng, mà còn sử dụng các dịch vụ ngân hàng khi thu nhập ngày càng được nâng cao.
Với các TCTD, BHTG góp phần duy trì sự phát triển lành mạnh, ổn định của hệ thống ngân hàng, ngăn chặn đổ vỡ qua các hoạt động nghiệp vụ. Đối với các ngân hàng nhỏ, ngân hàng mới thành lập, BHTG như một sự "bảo lãnh" giúp họ huy động vốn dễ dàng trên thị trường. Thông qua hoạt động kiểm tra, giám sát thực trạng của các TCTD, nếu phát hiện những yếu kém, hoạt động hiệu quả thấp, BHTG có thể đề xuất với cơ quan quản lý, có biện pháp khắc phục kịp thời.
BHTG còn đóng vai trò quan trọng đối với sự ổn định phát triển kinh tế - xã hội. Việc bảo vệ tốt quyền lợi cho người gửi tiền góp phần tạo niềm tin cho họ vào hệ thống các TCTD, sẽ thúc đẩy việc huy động vốn phục vụ phát triển kinh tế. Với vai trò kiểm tra, giám sát hoạt động của các TCTD, BHTG góp phần ngăn chặn sự đổ vỡ của tổ chức, tạo điều kiện cho kinh tế - xã hội được duy trì ổn định.
PV: Trong các nội dung về chính sách BHTG, hạn mức BHTG được coi là một nhân tố quan trọng được sử dụng để củng cố và duy trì niềm tin của người gửi tiền. Bà nhận định như thế nào về vấn đề này?
PGS. TS Nguyễn Thị Mùi: Có thể nói, hạn mức BHTG được coi là một trong những công cụ hữu hiệu nhằm góp phần ổn định tâm lý người gửi tiền cũng như hệ thống ngân hàng; bảo vệ người gửi tiền trước những bất ổn có thể xảy ra khi các TCTD gặp vấn đề về thanh khoản hoặc có nguy cơ phá sản.
Thông qua hoạt động BHTG, có thể điều chỉnh được hành vi của người gửi tiền tránh chạy theo lãi suất huy động cao, mà không quan tâm đến uy tín, vị thế của từng ngân hàng trong việc huy động vốn. Thực tiễn cho thấy, nhiều quốc gia đã sử dụng hạn mức BHTG như một công cụ để duy trì niềm tin của người gửi tiền. Trong giai đoạn khủng hoảng tài chính, tránh đổ vỡ hệ thống và ổn định vĩ mô, Chính phủ các nước có thể điều chỉnh nâng hạn mức BHTG, hoặc tạm thời áp dụng cơ chế bảo hiểm toàn bộ để bảo vệ người gửi tiền. Sau khủng hoảng, hạn mức BHTG có thể được điều chỉnh về mức hợp lý, để một mặt vẫn bảo vệ được đa số người gửi tiền, mặt khác thu hút được nhiều người gửi tiền vào hệ thống các TCTD.
PV: Tại Việt Nam, NHNN đã trình Thủ tướng Chính phủ tăng hạn mức BHTG từ 75 triệu đồng lên 125 triệu đồng cho một cá nhân tại một tổ chức tham gia BHTG. Theo bà, nếu hạn mức 125 triệu đồng được phê duyệt, mức độ bảo vệ cho người gửi tiền của hạn mức này sẽ như thế nào?
PGS. TS Nguyễn Thị Mùi: Hạn mức chi trả bảo hiểm biểu hiện mức độ bảo vệ của tổ chức BHTG đối với người gửi tiền. Nếu hạn mức chi trả đủ lớn, không chỉ tăng niềm tin của người gửi tiền và khuyến khích người dân gửi tiền vào hệ thống ngân hàng, thúc đẩy tăng trưởng huy động vốn của toàn hệ thống; mà còn giúp người dân sẽ quan tâm nhiều hơn đến chính sách BHTG, từ đó góp phần nâng cao vị thế của BHTG. Vì vậy, việc điều chỉnh hạn mức BHTG luôn là vấn đề có ý nghĩa quan trọng đối với hệ thống BHTG và người gửi tiền.
Hạn mức BHTG ở Việt Nam hiện nay là 75 triệu đồng bảo vệ được khoảng 87,5% số người gửi tiền. Mức bảo hiểm này là thấp không chỉ so với khuyến nghị của IAID (Hiệp hội BHTG quốc tế - PV), cũng như so với mức BHTG của một số nước Đông Nam Á (Tỷ lệ người gửi tiền được bảo hiểm ở Thái Lan: 99,65%; Malaysia: 98%; Brunei: 95%; Bangladesh: 92,17%...), mà còn chưa hợp lý so với mức thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam trong vài năm nay.
Trong điều kiện đại dịch Covid, hoạt động ngân hàng tiềm ẩn nhiều rủi ro, trong khi có nhiều kênh đầu tư khác, nên huy động vốn của các TCTD năm sau thấp hơn năm trước. Theo số liệu thống kê của NHNN, mức tăng trưởng tiền gửi của dân cư tính đến cuối tháng 6 năm 2021 chỉ tăng 2,94% (5,29 triệu tỷ đồng) so với cuối năm 2020. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất tính từ năm 2012 đến nay (cuối tháng 5 năm 2012, tăng gần 16%). Vì vậy, tôi cho rằng, việc điều chỉnh hạn mức từ 75tr đồng lên 125 triệu đồng là hợp lý.
Theo tôi, hạn mức chi trả mới này sẽ đem lại nhiều lợi ích, cụ thể: Tăng số lượng người gửi tiền được bảo vệ và tăng khả năng thu hút người gửi tiền vào ngân hàng, khi đang có suy hướng giảm, đặc biệt khi dịch Covid diễn biến phức tạp và diễn biến khó lường.
Đồng thời, hạn mức BHTG mới cũng giúp tăng khả năng chống đỡ của hệ thống ngân hàng, niềm tin và uy tín của ngân hàng được cùng cố; thu hút thêm nhiều khách hàng gửi tiền vào ngân hàng, tạo điều kiện có vốn cho phát triển kinh tế.
PV: Trong bối cảnh Chính phủ, NHNN đang tích cực thúc đẩy quá trình tái cơ cấu các TCTD, đặc biệt là hệ thống QTDND, việc điều chỉnh tăng hạn mức BHTG sẽ có ý nghĩa như thế nào, thưa bà?
PGS. TS Nguyễn Thị Mùi: Tăng hạn mức BHTG đồng nghĩa tăng cường vai trò, vị thế của BHTGVN. Để đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại các TCTD hiệu quả hơn, tôi cho rằng, việc tăng cường vai trò của BHTGVN trong tiến trình này là một yêu cầu tất yếu đặt ra.
Sau hơn 20 năm hoạt động, với nguồn vốn được cấp ban đầu (1.000 tỷ đồng), BHTG đã tích luỹ, đầu tư từ nguồn thu phí bảo hiểm, nên quy mô tổng tài sản và Quỹ dự phòng nghiệp vụ tăng mạnh (dự kiến tài sản đạt gần 80.000 tỷ đồng, Quỹ DPNV đạt trên 74.000 tỷ đồng vào cuối năm 2021). Đây là nguồn tài chính quan trọng để BHTG có điều kiện tham gia sâu hơn vào quá trình cơ cấu lại các TCTD yếu kém gắn với xử lý nợ xấu cũng như chi trả (khi cần thiết) để bảo vệ quyền lợi chính đáng của TCTD và cá nhân người gửi tiền.
Mặt khác, Luật TCTD sửa đổi năm 2017 (Luật số 17/QH14) đã bổ sung một số nhiệm vụ cho BHTGVN khi tham gia vào quá trình cơ cấu lại các TCTD yếu kém gắn với xử lý nợ xấu, mà trước mắt là đối với các quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô. Ngoài việc chi trả bảo hiểm cho người gửi tiền tại các TCTD không có khả năng phục hồi, thì BHTG còn cho vay đặc biệt với lãi suất ưu đãi đến 0% từ nguồn Quỹ DPNV đối với TCTD kiểm soát đặc biệt, hoặc mua trái phiếu dài hạn của TCTD hỗ trợ.
PV: Bà có nhắn nhủ gì tới người gửi tiền, tổ chức tham gia BHTG cũng như BHTGVN nếu hạn mức mới BHTG được nâng lên?
PGS. TS Nguyễn Thị Mùi: Vâng, hạn mức BHTG nếu được tăng lên 125 triệu đồng sẽ bảo vệ được 90,94 % người gửi tiền tại các TCTD. Điều này không chỉ tăng khả năng bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền, người có tiền nhàn rỗi sẽ an tâm hơn khi gửi tiền vào các TCTD, bởi trong bất kỳ tình huống nào, người gửi tiền cũng được bảo hiểm.
Trong hoạt động ngân hàng, niềm tin của công chúng đối với từng tổ chức là rất quan trọng, thậm chí quyết định sự phát triển lành mạnh của một ngân hàng. Khi xảy ra sự cố dù là tin đồn, hay do tổ chức nhận tiền gửi hoạt động yếu kém, nếu người gửi tiền biết rằng khoản tiền gửi sẽ được chi trả bảo hiểm, chắc chắn sẽ không xảy ra hiện tượng đột biến rút tiền tại TCTD. Điều này càng khẳng định hạn mức bảo hiểm hợp lý là công cụ hữu hiệu nhất để phòng ngừa, hạn chế tình trạng đột biến rút tiền gửi.
Đối với tổ chức BHTG, với mục tiêu cơ bản là bảo vệ quyền lợi của người người gửi tiền, góp phần bảo đảm an toàn tài chính quốc gia, thì việc việc nâng hạn mức chi trả, giúp tổ chức BHTG thực hiện tốt vai trò, vị trí không thể thiếu trong mạng lưới an toàn tài chính quốc gia. Tuy nhiên, để nâng cao niềm tin của công chúng vào chính sách BHTG, ngoài yếu tố hạn mức chi trả, rất cần một cơ chế chia sẻ thông tin kịp thời, minh bạch về các TCTD; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức về tài chính và BHTG đến người gửi tiền.
PV: Xin trân trọng cảm ơn bà!