PV: Sau gần 25 năm chính sách BHTG đi vào cuộc sống, ở góc độ là nhà nghiên cứu khoa học về kinh tế, ông nhận xét thế nào về vai trò của chính sách BHTG đối với nền kinh tế nói chung và hoạt động ngân hàng nói riêng?
PGS. TS Phan Đình Khôi: Hệ thống ngân hàng vẫn là kênh huy động và cung cấp vốn chủ yếu của nền kinh tế nước ta, trong đó tiền gửi là thành phần rất quan trọng tạo nên nguồn cung vốn ở các ngân hàng. BHTGVN được thành lập với mục tiêu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của các TCTD, bảo đảm an toàn và lành mạnh cho hoạt động ngân hàng. Bản chất của BHTG là cam kết công khai của tổ chức BHTG về việc sẽ hoàn trả một phần hoặc toàn bộ tiền gửi bao gồm cả gốc và lãi cho người gửi tiền tại các TCTD có tham gia BHTG khi tổ chức này bị mất khả năng thanh toán hoặc chấm dứt hoạt động. Qua 25 năm hoạt động, công cụ BHTG đã đóng góp đáng kể trong việc ổn định hoạt động của các TCTD ở Việt Nam; tạo dựng niềm tin cho người gửi tiền vào hệ thống ngân hàng, góp phần mở rộng quy mô cho các ngân hàng thương mại đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế vĩ mô. Trong đó, một số kết quả nổi trội của hoạt động BHTG cá nhân tôi đánh giá ở các điểm sau:
Thứ nhất, huy động tiền gửi từ dân cư tăng mạnh, người dân ngày càng tin tưởng vào các TCTD, coi tiền gửi ngân hàng là kênh đầu tư sinh lời an toàn. Thông qua việc bảo vệ cho tiền gửi cá nhân tại các tổ chức tham gia có BHTG với một hạn mức hợp lý sẽ tạo tâm lý yên tâm, góp phần thúc đẩy quá trình huy động vốn, ngăn chặn rút tiền đột biến đe dọa đến an toàn thanh khoản của các ngân hàng. Điều đó giúp củng cố niềm tin của đại đa số người gửi tiền. Đến nay, chưa một cá nhân gửi tiền nào bị mất tiền do TCTD gặp khó khăn thanh toán hay dừng hoạt động.
Thứ hai, thêm một kênh tham gia kiểm soát rủi ro của BHTGVN, do đó, rủi ro trong hoạt động của TCTD được hạn chế. BHTG còn được xem như là một công cụ chính sách hữu hiệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Chính phủ trong điều hành và giám sát hoạt động của TCTDđể phát hiện những rủi ro, yếu kém, vi phạm các quy định về BHTG, mất an toàn trong hoạt động ngân hàng. Trên cơ sở đó, BHTGVN đề xuất những kiến nghị và phương án giải quyết phù hợp hoặc báo cáo NHNN có biện pháp xử lý kịp thời.
Thứ ba, tạo sự bình đẳng trong cạnh tranh và an toàn hoạt động huy động vốn ở các TCTD. Xét trên góc độ cạnh tranh huy động tiền gửi từ người dân, thông thường lợi thế sẽ thuộc về các ngân hàng lớn, các ngân hàng có vốn Nhà nước. Tuy nhiên, sSự hiện diện của chính sách BHTG đã làm tăng khả năng huy động vốn của các ngân hàng thương mại, hay quỹ tín dụng nhân dân, giảm khoảng cách lợi thế cạnh tranh giữa các loại hình TCTD. Mặt khác, BHTGVN giữ vai trò đảm bảo an toàn cho cả hệ thống ngân hàng hoạt động hơn là chỉ đảm bảo cho một TCTD đơn lẻ nào.
Cuối cùng, với sự ra đời của Luật BHTG đã tạo hành lang pháp lý đầy đủ và đồng bộ cho sự phát triển chính sách BHTG ở Việt Nam. Sự ra đời của Luật BHTG đánh dấu bước ngoặt lớn trong việc xây dựng và hoàn thiện chính sách BHTG từ đó góp phần thúc đẩy việc triển khai hiệu quả hoạt động BHTG.
Ngoài ra, khi Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình
Dương (Hiệp định TPP), các ngân hàng thương mại Việt Nam có nhiều cơ hội mở rộng thị phần sang thị trường nước ngoài, kết hợp với các đối tác quốc tế. Sự hiện diện của BHTG đã thể hiện một cách cụ thể cam kết của Chính phủ Việt Nam trong việc bảo vệ người gửi tiền, điều này giúp nâng cao uy tín của các ngân hàng thương mại trên thị trường quốc tế.
PV: Luật Bảo hiểm tiền gửi - văn bản pháp lý cao nhất về BHTG sau 10 năm triển khai, trong điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay đã bộc lộ những hạn chế, bất cập và vướng mắc. Theo ông, đó là những vấn đề gì?
PGS. TS Phan Đình Khôi: Ngày 18/6/2012, Quốc hội đã thông qua Luật BHTG và có hiệu lực từ 01/01/2013 đã xác lập hành lang pháp lý đầy đủ và đồng bộ cho sự phát triển chính sách BHTG ở Việt Nam. Sự ra đời của Luật BHTG đánh dấu bước ngoặt lớn trong việc xây dựng và hoàn thiện chính sách BHTG, từ đó góp phần thúc đẩy việc triển khai hiệu quả hoạt động BHTG. Những quy định trong Luật BHTG cùng hướng đến một mục đích, đó là thiết lập cơ sở nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, tạo dựng lòng tin của công chúng vào hoạt động của hệ thống tài chính, tiền tệ và ngân hàng. Đồng thời, Luật BHTG còn quy định rõ quyền lợi và trách nhiệm của tổ chức tham gia BHTG, bao gồm các TCTD, tổ chức tài tài chính có huy động tiền gửi. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng cho cơ chế hoạt động BHTG và sự phát triển của BHTGVN trong quá trình bảo vệ lợi ích người gửi tiền góp phần ổn định, phát triển hệ thống tài chính tiền tệ lành mạnh.
Tuy nhiên, qua 10 năm triển khai, ý kiến cá nhân tôi cho rằng Luật BHTG cũng đã bộc lộ một số bất cập và hạn chế.
Thứ nhất, liên quan đến quyền lợi của người gửi tiền chính là thời hạn trả tiền bảo hiểm hiện nay theo quy định tương đối dài (60 ngày kể từ thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm). Quy định này cần được rút ngắn để người gửi tiền yên tâm, tin tưởng vào chính sách BHTG.
Thứ hai, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các TCTD đã bổ sung một số quyền hạn, nghĩa vụ của BHTGVN trong quá trình tham gia tái cơ cấu các TCTD, bao gồm: phối hợp tham gia xây dựng phương án phục hồi QTDND, phương án phá sản của các TCTD, cho vay đặc biệt đối với QTDND, công ty tài chính, mua trái phiếu dài hạn của TCTD hỗ trợ. Tuy vậy, Luật BHTG hiện tại vẫn chưa quy định cụ thể các quyền, nghĩa vụ này trong hoạt động của tổ chức BHTG.
Mặt khác, cùng với Luật BHTG, pháp luật hiện hành quy định về việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền trong Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Luật các TCTD, Luật Phá sản và các văn bản hướng dẫn thi hành đã quy định tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, các văn bản pháp luật hiện hành vẫn chưa đồng bộ do các quy định vẫn còn chồng chéo, chưa thống nhất và có những hạn chế, bất cập, gây khó khăn trong triển khai thực hiện. Hơn nữa, một số nội dung được quy định trong Luật BHTG nhưng lại chưa được hướng dẫn thực hiện như: các nội dung về tiền gửi được bảo hiểm, về công tác tuyên truyền, giáo dục chính sách BHTG, hay nguyên tắc đánh giá, xếp loại tổ chức tham gia BHTG làm cơ sở để tính mức phí BHTG...v.v.
PV: Với những hạn chế, bất cập và vướng mắc vừa nêu, ông có gợi ý đề xuất sửa Luật BHTG như thế nào để bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người gửi tiền, góp phần đảm bảo sự phát triển an toàn hoạt động ngân hàng, đặc biệt là tăng cường vai trò của BHTGVN trong cơ cấu lại các TCTD?
PGS. TS Phan Đình Khôi: Để Luật BHTG tiếp tục phát huy hiệu quả thực thi cũng như nâng cao vai trò, vị thế của tổ chức BHTG, đồng thời đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, tôi có một số gợi ý, đề xuất như sau:
Thứ nhất, hoàn thiện quy định về phí BHTG, cụ thể là sửa đổi, bổ sung quy định về mức phí BHTG, thời điểm tính và nộp phí BHTG đối với tổ chức tham gia BHTG mới thành lập, nghĩa vụ tính phí BHTG của tổ chức tham gia BHTG. Ở Việt Nam, kể từ khi Luật BHTG được ban hành tới nay, phí BHTG được áp dụng là mức phí đồng hạng cho tất cả các TCTGBHTG với mức 0,15%/năm trên số dư tiền gửi bình quân của các loại tiền gửi được bảo hiểm. Khoản 1 và Khoản 2 Điều 20 Luật BHTG chính là tiền đề để Việt Nam triển khai thực hiện hệ thống phí BHTG trên cơ sở đánh giá và phân loại tổ chức tham gia BHTG. Trong thời gian tới, nội dung chính sách phí BHTG cần phù hợp với các khuyến nghị và thông lệ quốc tế. Do đó, BHTGVN cần tiếp tục nghiên cứu và chủ động phối hợp với NHNN, các đơn vị liên quan để nghiên cứu, đánh giá các nguồn lực của BHTGVN và những điều kiện thực tế của Việt Nam để đề xuất thời điểm phù hợp tiến hành xây dựng, triển khai phí BHTG trên cơ sở đánh giá và phân loại tổ chức tham gia BHTG.
Thứ hai, hoàn thiện quy định về thời hạn trả tiền bảo hiểm sớm hơn quy định hiện nay; bổ sung quy định về nguyên tắc làm cơ sở để xác định hạn mức trả tiền bảo hiểm; bổ sung quy định về mức chi trả trong trường hợp đặc biệt để tránh phản ứng dây chuyền hay khủng hoảng.
Thứ ba, nâng cao năng lực tài chính, hoạt động của tổ chức BHTG, trong đó chú trọng hoàn thiện quy định pháp luật về nguồn vốn, doanh thu hoạt động, hoạt động đầu tư của BHTGVN.
Thứ tư, bổ sung quyền và nghĩa vụ của tổ chức BHTG để BHTGVN thực hiện tốt hơn chức năng bảo vệ người gửi tiền, đồng thời hỗ trợ cơ quan quản lý Nhà nước trong việc kiểm tra, giám sát tổ chức tham gia BHTG, tham gia vào quá trình tái cơ cấu các TCTD.
PV: BHTG ngày càng có vai trò quan trọng trong nền kinh tế thị trường. Trường Đại học Kinh tế Cần Thơ là một đơn vị đào tạo kinh tế hàng đầu của khu vực ĐBSCL, đã đưa kiến thức BHTG vào chương trình đào tạo như thế nào để giúp các em sinh viên - những người gửi tiền tiềm năng trong tương lai, có thể tiếp cận với lĩnh vực đặc thù này, thưa ông?
PGS. TS. Phan Đình Khôi: Kiến thức về BHTG là một trong những nội dung quan trọng trong chuyên ngành Tài chính - Ngân hàng nói riêng và khối ngành kinh tế nói chung. Hiện tại Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường Kinh tế, Trường Đại học Cần Thơ đã đưa kiến thức liên quan đến BHTG vào Chương trình đào tạo ngành Tài chính - Ngân hàng, cụ thể lồng ghép nội dung BHTG vào các học phần nghiệp vụ ngân hàng cá nhân, học phần nghiệp vụ ngân hàng và một số học phần có liên quan đến hoạt động của ngân hàng thương mại. Theo đó, các nguyên tắc huy động vốn của ngân hàng thương mại gắn liền với các nguyên tắc phải tham gia BHTG được thể hiện trong bài giảng. Giảng viên mô tả rõ chức năng và vai trò của BHTG trong cấu trúc hoạt động của ngân hàng, mức phí BHTG, mức chi trả BHTG cho người gửi tiền. Và thực tế, giữa Chi nhánh BHTGVN khu vực ĐBSCL và Trường Kinh tế, Trường Đại học Cần Thơ các năm gần đây đã có nhiều hoạt động đưa BHTG vào Trường như các Cuộc thi tìm hiểu pháp luật về BHTG và hoạt động của BHTGVN để việc nghiên cứu, học tập trở thành một sân chơi bổ ích.
Hơn nữa, BHTG là một chính sách quan trọng đối với hoạt động huy động vốn trong hệ thống ngân hàng. Hiện nay, để đảm bảo hệ thống ngân hàng hoạt động ổn định và phát triển bền vững, chính sách BHTG đang rất được quan tâm. Khoa Tài chính - Ngân hàng sẽ xem xét bổ sung các nội dung trọng tâm của chính sách BHTG vào bài giảng của học phần Bảo hiểm hoặc đề xuất bổ sung nội dung Luật BHTG vào chương trình đào tạo trong thời gian tới nhằm giúp người học có kiến thức sâu hơn về chính sách BHTG quan trọng của quốc gia.
PV: Xin cảm ơn ông.
Phòng Tổng hợp - Chi nhánh Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam KV ĐBSCL (thực hiện)