Xung quanh vấn đề này, chúng tôi có cuộc trò chuyện với TS. Phạm Minh Tú – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng.
PV: Xin ông cho biết sơ lược về Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng và nhiệm vụ đối với Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam?
TS. Phạm Minh Tú: Năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành “Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” (Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng).
Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng được xây dựng trên cơ sở đánh giá sâu sắc thực trạng của ngành Ngân hàng Việt Nam, nhận định cơ hội, thách thức của bối cảnh kinh tế - xã hội trong và ngoài nước, phân tích xu hướng phát triển trong tương lai và tham khảo kinh nghiệm các nước trên thế giới. Chiến lược bao hàm mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ và giải pháp cho sự phát triển của từng bộ phận cấu thành của ngành Ngân hàng, bao gồm: Ngân hàng Nhà nước (NHNN), các tổ chức tín dụng, các tổ chức tài chính đặc biệt khác hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng (BHTGVN, Ngân hàng Chính sách xã hội, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam), cơ sở hạ tầng tài chính tiền tệ đảm bảo sự phát triển mang tính toàn diện, thống nhất và đồng bộ của ngành trong quá trình triển khai thực hiện.
Xác định BHTGVN là một cấu phần quan trọng, nhiệm vụ thứ 8 trong Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng đã nêu rõ mô hình của BHTGVN là mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. NHNN là cơ quan đại diện chủ sở hữu và đặt ra nhiệm vụ xây dựng và triển khai thực hiện Chiến lược phát triển BHTG để thực hiện tốt vai trò của một tổ chức BHTG. Nội dung này một lần nữa được xác định lại trong Chương trình hành động thực hiện Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng ban hành kèm theo Quyết định số 34/QĐ-NHNN ngày 7/1/2019 của Thống đốc NHNN.
PV: Ông đánh giá thế nào về những đóng góp của BHTGVN trong những năm qua?
TS. Phạm Minh Tú: Trải qua hơn 23 hoạt động, BHTGVN luôn nỗ lực hoàn thành sứ mệnh là tổ chức thực hiện chính sách bảo vệ quyền lợi người gửi tiền. BHTGVN đã xây dựng mạng lưới gồm trụ sở chính tại Hà Nội và 8 chi nhánh trên toàn quốc.
Xu thế hội nhập về kinh tế mang lại cơ hội nhưng đồng thời cũng tạo ra thách thức và rủi ro cho hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam. Theo đó, cạnh tranh giữa các tổ chức tín dụng trong việc giữ và chiếm lĩnh thị phần huy động vốn, cho vay và phát triển các sản phẩm tài chính mới ngày càng khốc liệt. Gần đây, cùng với xu hướng áp dụng các sản phẩm được phát triển trên nền tảng công nghệ cao, hàng loạt các sản phẩm, dịch vụ mới được giới thiệu ra thị trường, đặt ra nhiều thách thức đối với nhiệm vụ bảo vệ người gửi tiền của BHTGVN. Trong bối cảnh đó, BHTGVN càng thể hiện rõ là một kênh quan trọng giúp Chính phủ giám sát rủi ro, góp phần đảm bảo an toàn hoạt động của các TCTD và an ninh tài chính quốc gia. BHTGVN đã nỗ lực không ngừng để hoàn thành sứ mệnh được giao, thể hiện ở một số kết quả chính như sau:
Luôn đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền nhằm thu hút tối đa nguồn vốn tiết kiệm từ dân cư, phục vụ cho phát triển kinh tế, đồng thời gián tiếp bảo vệ người gửi tiền thông qua các hoạt động nghiệp vụ khác như kiểm tra, giám sát định kỳ đối với các tổ chức tham gia BHTG. Đây là cơ sở để BHTGVN nâng cao vai trò, vị thế trong mạng lưới an toàn tài chính quốc gia.
Chủ động, tích cực thực hiện các nhiệm vụ mới trong quá trình tham gia kiểm soát đặc biệt (KSĐB) các tổ chức tín dụng. Theo đó, BHTGVN đã nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quản trị, điều hành về KSĐB phù hợp với Luật sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng năm 2017. Ngoài ra, BHTGVN còn cử cán bộ tham gia Ban KSĐB tại các tổ chức tham gia BHTG; xây dựng mức vốn dự phòng nhằm chủ động nguồn lực về tài chính, sẵn sàng cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng được KSĐB đủ điều kiện vay vốn; giám sát, phân tích, đánh giá, cảnh báo an toàn đối với hệ thống quỹ tín dụng nhân dân.
Thực hiện tuyên truyền chính sách BHTG thông qua nhiều hình thức và phương tiện truyền thông, đặc biệt nhắm đến đối tượng là người gửi tiền nhỏ lẻ, thiếu thông tin... giúp họ nâng cao hiểu biết tài chính để có lựa chọn gửi tiền phù hợp tại các tổ chức tín dụng.
Kịp thời đưa ra giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động công tác kiểm tra, thực hiện kiểm tra định kỳ đối với các tổ chức tham gia BHTG và quỹ tín dụng nhân dân trong điều kiện bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Đồng thời, BHTGVN cũng thực hiện giám sát thường xuyên đối với tất cả tổ chức tham gia BHTG, kết nối, cung cấp, trao đổi thông tin với hoạt động kiểm tra, kịp thời tham mưu, đề xuất, kiến nghị với NHNN về các vấn đề phát sinh có khả năng gây rủi ro, mất an toàn hệ thống TCTD.
Với những kết quả nói trên, BHTGVN đã trở thành chỗ dựa quan trọng cho các tổ chức tín dụng trong việc củng cố, duy trì và làm tăng lòng tin toàn xã hội trong việc mở rộng hoạt động huy động vốn; trở thành một kênh giám sát, tham mưu cho NHNN đảm bảo hoạt động an toàn, lành mạnh của các tổ chức tín dụng.
Tuy nhiên, hoạt động của BHTGVN hiện gặp một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến cơ sở pháp lý đối với một số nhiệm vụ được giao nhưng chưa được luật hóa (như cho vay đặc biệt, tham gia xây dựng phương án phá sản của tổ chức tín dụng được KSĐB, mua trái phiếu dài hạn của tổ chức tín dụng hỗ trợ theo quyết định của NHNN...), hạn mức trả tiền bảo hiểm, cấp chứng nhận tham gia BHTG, hoạt động kiểm tra tại chỗ...
PV: Ông đánh giá thế nào về Chiến lược phát triển BHTG đến năm 2025, định hướng đến năm 2030?
TS. Phạm Minh Tú: Bối cảnh kinh tế quốc tế và kinh tế trong nước đặt ra cho ngành ngân hàng Việt Nam nói chung và BHTGVN nói riêng nhiều cơ hội và thách thức. Đặc biệt, xu hướng phát triển của các tổ chức BHTG trên thế giới yêu cầu BHTGVN cần xác định những định hướng trong tương lai nhằm hướng đến đáp ứng tốt hơn Bộ nguyên tắc cơ bản phát triển hệ thống BHTG hiệu quả của Hiệp hội BHTG quốc tế. Bên cạnh yêu cầu đó, việc xây dựng Chiến lược phát triển BHTG còn là quyền và nghĩa vụ của tổ chức BHTG được quy định tại Khoản 1, Điều 13 Luật BHTG.
Bám sát Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng, Chiến lược phát triển BHTG được xây dựng với mục tiêu tổng quát là: (i) Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần tích cực duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng; (ii) Nâng cao chất lượng, hiệu quả trong hoạt động BHTG; phát hiện, cảnh báo sớm những rủi ro tiềm ẩn đối với tổ chức tham gia BHTG; tham gia tái cơ cấu có hiệu quả đối với các tổ chức tham gia BHTG yếu kém; tính và thu phí BHTG, quản lý nguồn vốn và đầu tư; tuyên truyền chính sách BHTG, chi trả BHTG theo hướng phù hợp với thông lệ quốc tế và các quy định của pháp luật Việt Nam; và (iii) Tăng cường năng lực tài chính của tổ chức BHTG, hoàn thiện mô hình tổ chức bộ máy hợp lý để tăng cường hơn nữa năng lực hoạt động, đáp ứng tốt hơn vai trò của tổ chức BHTG.
Các mục tiêu cụ thể và nhiệm vụ, giải pháp trong Chiến lược phát triển BHTG phù hợp với các nhiệm vụ được nêu trong “Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025” do Thủ tướng Chính phủ ban hành kèm theo Quyết định số 689/QĐ-TTg ngày 8/6/2022 và các nội dung chính của Luật sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm tiền gửi số 06/2012/QH13 được Quốc hội thông qua ngày 18/6/2012. Vì vậy, Chiến lược phát triển BHTG sẽ giúp BHTGVN phát triển toàn diện, phát huy nội lực bên trong, tận dụng các cơ hội bên ngoài để vượt qua thách thức, hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền; hướng tới những chuẩn mực cao hơn trong việc đảm bảo an toàn, lành mạnh cho hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng đang hội nhập sâu rộng về tài chính trong khu vực và trên thế giới, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng bền vững.