Bản báo cáo với chủ đề “Bảo vệ người tiêu dùng tài chính” đã nêu bật việc triển khai chính sách BHTG và bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền, đồng thời cho thấy những nỗ lực của PIDM sẵn sàng đóng góp cho sự ổn định của hệ thống tài chính. PIDM cũng thường xuyên đánh giá, kiểm tra năng lực của tổ chức, nhằm đảm bảo công chúng có khả năng tiếp cận với các khoản tiết kiệm của mình một cách nhanh chóng trong trường hợp có tổ chức tham gia BHTG bị đổ vỡ.
Tổng quản lý điều hành của PIDM, ông Rafiz Azuan Abdullah cho biết, năm 2016, Tổng công ty đã thực hiện diễn tập mô phỏng chi trả và thanh lý một tổ chức tham gia BHTG giả định với quy mô trung bình. Việc hoàn thành diễn tập đã cho thấy hệ thống của PIDM có thể thực hiện công tác chi trả một cách kịp thời cho người gửi tiền.
Cùng với những nỗ lực chuẩn bị của mình, năm 2016, PIDM cũng đã triển khai xây dựng cơ chế xử lý tổ chức tham gia BHTG bị đổ vỡ một cách có trật tự, bất kể quy mô và mức độ phức tạp mà không ảnh hưởng tới tính ổn định của hệ thống tài chính, qua đó bảo vệ công chúng tốt hơn. Được biết, PIDM sẽ tiếp tục tham gia phối hợp với hệ thống tài chính, các thành viên của mạng an toàn tài chính quốc gia và các bên có liên quan nhằm hoàn thiện cơ chế xử lý đổ vỡ.
Báo cáo thường niên năm 2016 cũng nêu bật kết quả các chương trình nâng cao nhận thức công chúng của Malaysia về vai trò của PIDM. Theo các đánh giá, nhận thức công chúng đang gia tăng một cách đều đặn theo kế hoạch. So với năm 2015, nhận thức của công chúng về PIDM tăng 6% (từ 53% lên 59%), mức độ nhận thức về cơ chế BHTG thông thường tăng 9% (từ 41% lên 50%) và cơ chế BHTG Hồi giáo tăng 8% (từ 26% tăng lên 34%).
Năm 2016, PIDM báo cáo tổng thu nhập đạt 557.4 triệu Ringgit Malaysia - RM (tương đương 130.6 triệu USD) với thặng dư hoạt động ròng là 458.5 triệu RM (tương đương 107,4 triệu USD), nâng tổng nguồn quỹ và dự trữ của tổ chức này lên mức 3,1 tỷ RM (tương đương gần 726,4 triệu USD).
Đ.T.T
Nguồn: PIDM