Theo ông Jean Pierre Sabourin - Giám đốc điều hành PDIM, vấn đề trọng điểm của kế hoạch này bao gồm triển khai một mô hình “dự đoán xếp hạng” đối với Quỹ BHTG Hồi giáo (TIPFs) nhằm đánh giá các thay đổi về xếp hạng các tổ chức tham gia BHTG. Theo lộ trình, PIDM sẽ tiếp tục phát triển hạ tầng và các quy trình để áp dụng hiệu quả mô hình này trong việc can thiệp và xử lý đổ vỡ. Liên quan đến vấn đề phí BHTG, PIDM sẽ đưa vào sử dụng trong năm 2015 – 2016 hệ thống phí phân biệt được điều chỉnh đối với mô hình BHTG thông thường và BHTG Hồi giáo.
PIDM kỳ vọng đến cuối năm 2015, Quỹ BHTG thông thường (DIFs) sẽ đạt mức 1,2 tỷ RM (tương đương 337 triệu USD) và Quỹ BHTG Hồi giáo sẽ đạt mức 1,3 tỷ RM (tương đương 365 triệu USD). Hai nguồn quỹ này là nguồn dự phòng để bù lỗ có thể phát sinh trong quá trình xử lý đổ vỡ để bảo vệ quyền lợi người gửi tiền và tăng cường ổn định hệ thống tài chính, qua đó giúp tổ chức này đạt được các mục tiêu đã đề ra.
Trước đó, PIDM đã dự kiến với doanh thu là 439 triệu RM (tương đương 123 triệu USD) và chi phí hoạt động là 109 triệu RM (tương đương 30 triệu USD) thì tổ chức này sẽ đạt được lợi nhuận tương đương 330 triệu RM (xấp xỉ 93 triệu USD). PIDM sẽ tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động trên cơ sở tập trung vào quản trị nhân tài, phát triển và duy trì, củng cố mối quan hệ với các bên có liên quan và tăng cường giáo dục tài chính cho người gửi tiền.
Ông Sabourin nhấn mạnh, năm 2015 là bước ngoặt quan trọng đối với PIDM khi tổ chức này sẽ kỷ niệm 10 năm thành lập. Từ năm 2005, PIDM đã triển khai một mô hình hoạt động vững mạnh với phương pháp quản trị an toàn, hệ thống kiểm soát nội bộ và quản lý rủi ro hiệu quả bên cạnh các chính sách vận hành toàn diện nhằm phục vụ việc phát triển quy mô của tổ chức.