Tại các nước vùng Vịnh, trong đó có Qatar, các chính phủ thực hiện chính sách hỗ trợ ngầm cho các ngân hàng trong nước. Một chính sách BHTG công khai (nếu có) sẽ là rất hiếm trong khu vực. Việc Qatar thành lập cơ chế BHTG công khai như trên sẽ giúp nước này đáp ứng được các yêu cầu đề ra theo thông lệ quốc tế và học hỏi nhiều kinh nghiệm của các nước phát triển có thu nhập cao.
Theo kế hoạch mới được Ngân hàng Trung ương Qatar (QCB) công bố, cơ quan BHTG công khai sẽ được thành lập theo Luật NHTW và là thành viên của mạng an toàn tài chính quốc gia. Cơ chế BHTG với vai trò quan trọng của cơ quan BHTG sẽ góp phần thúc đẩy sự ổn định hệ thống tài chính.
Hiện Qatar đang xúc tiến thực hiện những bước chuẩn bị đầu tiên. Trước mắt, Qatar sẽ tiến hành các bước đi cần thiết nhằm xây dựng hệ thống bảo vệ người gửi tiền tại nước này theo Luật NHTW và dần tiến đến việc thiết lập một hệ thống tính phí BHTG trên cơ sở rủi ro.
Các hoạt động BHTG cũng được thực hiện phù hợp với quy định của Luật Hồi giáo vì các ngân hàng hồi giáo hiện nay giữ hơn 1/3 tổng tài sản ngân hàng ở Qatar. Như vậy, cơ chế BHTG hoạt động theo Luật NHTW và Luật Hồi giáo sẽ phải đảm bảo rằng bất kỳ chi phí và đầu tư liên quan phải tuân thủ các nguyên tắc của ngành tài chính và quy định hồi giáo như cấm đầu cơ lãi suất và tiền tệ thuần túy.
Trước đó, Vương quốc Bahrain là quốc gia đi tiên phong trong xây dựng hệ thống BHTG hồi giáo vào năm 1993. Sau Bahrain, hàng loạt các quốc gia khác như Kuwait, Jordan và Malaysia cũng đã phát triển hệ thống BHTG công khai.