Thời gian qua một số QTDND đã phát sinh sai phạm liên quan đến việc quản lý và sử dụng STK trắng dẫn đến vi phạm pháp luật của cán bộ và QTDND bị NHNN đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt. Những sai phạm này đều xuất phát từ nguyên nhân chủ quan do việc buông lỏng quản lý và sử dụng sai nguyên tắc STK trắng trong quá trình hoạt động của QTDND. NHNN đã có nhiều văn bản quy định, chỉ đạo chấn chỉnh liên quan đến việc quản lý, sử dụng STK trắng trong hệ thống QTDND. Việc ngăn ngừa, hạn chế sai phạm phát sinh liên quan đến việc sử dụng STK trắng không đúng mục đích tại các QTDND hoàn toàn có thể thực hiện được khi các QTDND có sự quản lý chặt chẽ, tuân thủ và đáp ứng đúng theo quy định của NHNN.
Hiện nay việc quản lý, sử dụng STK trắng tại QTDND được quy định cụ thể tại Thông tư số 21/2019/TT-NHNN ngày 14/11/2019 của Thống đốc NHNN. Theo đó, các QTDND chỉ được sử dụng STK trắng theo mẫu do Ngân hàng Hợp tác xã ban hành, cung cấp để nhận tiền gửi tiết kiệm của khách hàng, đồng thời các QTDND phải ban hành quy định nội bộ về quản lý, sử dụng STK trắng để áp dụng tại đơn vị mình. Các nội dung tối thiểu của quy định nội bộ cũng được NHNN quy định cụ thể nhằm đảm bảo cho việc quản lý, sử dụng được chặt chẽ và nâng cao vai trò, trách nhiệm của từng bộ phận, cá nhân tại quỹ. Bên cạnh đó, NHNN cũng yêu cầu các QTDND quản lý STK trắng giống như quản lý tiền/giấy tờ có giá, do đó phải thực hiện việc nhập, xuất, giao nhận, vận chuyển, bảo quản, sử dụng, kiểm kê giống như đối với tiền/giấy tờ có giá (quy định tại điểm a(i) Khoản 3 Điều 36a Thông tư 21/2019/TT-NHNN ngày 14/11/2019 và Khoản 2 Công văn số 382/NHNN-TCKT ngày 20/01/2017 của Thống đốc NHNN về việc chấn chỉnh việc chấp hành chế độ kế toán huy động vốn và quản lý ấn chỉ tại các QTDND).
Kiểm tra việc quản lý và sử dụng STK trắng là một phần của nội dung kiểm tra việc hạch toán, quản lý tài khoản tiền gửi và hồ sơ, sổ sách, chứng từ liên quan đến tiền gửi được bảo hiểm của BHTGVN. Nội dung kiểm tra này bao gồm cả việc xem xét, đánh giá tính tuân thủ của QTDND trong việc ban hành quy định nội bộ về quản lý, sử dụng STK trắng và kết quả thực tế của việc quản lý, sử dụng STK trắng tại QTDND theo quy định của NHNN.
Hầu hết các QTDND đã nhận thức được tầm quan trọng của việc quản lý chặt chẽ STK trắng và đã ban hành quy định nội bộ về quản lý và sử dụng STK trắng. Trong đó, chú trọng đến quy trình đăng ký mua STK trắng, kiểm đếm, bàn giao, nhập xuất, bảo quản, sử dụng, kiểm tra, kiểm kê hàng ngày và xử lý STK trắng bị mất, hỏng. Tuy nhiên, đa số các quy định nội bộ vẫn còn thiếu một số nội dung quan trọng như: thiếu quy định cụ thể về trách nhiệm của Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc (Phó giám đốc), Ban kiểm soát; không quy định về quy trình xử lý trách nhiệm của cá nhân, bộ phận liên quan trong việc quản lý, sử dụng STK trắng và làm mất STK trắng. Do đó, chưa đảm bảo đầy đủ các nội dung tối thiểu theo quy định của NHNN, quy trình chưa chặt chẽ và chưa gắn kết đầy đủ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, các cá nhân, bộ phận liên quan trong việc quản lý, sử dụng đối với STK trắng tại QTDND.
Các QTDND cũng đã thực hiện quản lý và sử dụng STK trắng đảm bảo đúng quy định của NHNN và quy định cụ thể tại Quy trình quản lý và sử dụng STK trắng của đơn vị ban hành. Theo đó, thẻ tiết kiệm trắng được quản lý khá chặt chẽ ở tất cả các khâu và sử dụng đúng mục đích, cụ thể:
Các QTDND căn cứ vào tình hình sử dụng STK trắng tại đơn vị mình quy định thời gian mua (phổ biến theo định kỳ quý, 6 tháng) và khi phát sinh nhu cầu, đều có văn bản gửi Ngân hàng Hợp tác xã để đề nghị mua STK trắng theo quy định. Quá trình vận chuyển, bàn giao STK trắng từ Ngân hàng Hợp tác xã đến QTDND được thực hiện theo đúng quy trình vận chuyển tiền mặt, lập biên bản giao nhận giữa các bên; thực hiện kiểm đếm, đóng dấu giáp lai giữa phần thẻ gửi khách hàng và thẻ lưu lên tất cả các STK trắng ngay khi mua về, niêm phong, bàn giao cho bộ phận quản lý (thủ quỹ) cất giữ trong kho tiền hoặc két sắt đối với QTDND chưa bố trí được kho tiền để theo dõi, nhập xuất sử dụng hàng ngày. Việc xuất kho sử dụng trong giao dịch hàng ngày được thực hiện theo nhu cầu phát sinh thực tế có sự đồng ý của lãnh đạo phụ trách, mở sổ theo dõi, giao nhận giữa bộ phận quản lý với cán bộ sử dụng. STK trắng đã xuất kho không sử dụng hết trong ngày được bàn giao lại cho cán bộ quản lý để nhập kho và thực hiện đối chiếu, kiểm kê cuối ngày. STK trắng xuất kho được sử dụng đúng mục đích huy động tiền gửi tại quỹ, thể hiện trên chứng từ kế toán, sao kê tiền gửi, khớp đúng về số lượng, số sê-ri giữa số liệu theo dõi trên sổ sách với thực tế sử dụng. STK trắng bị hỏng, rách trong quá trình in ấn đều được giữ lại, lập danh sách, bàn giao cho bộ phận quản lý và theo dõi, báo cáo.
STK trắng được kiểm kê hàng ngày cùng với việc kiểm quỹ tiền mặt, Hội đồng kiểm kê đảm bảo đủ thành phần, biên bản kiểm kê có đầy đủ chữ ký của Chủ tịch hội đồng và các bên liên quan. Các mẫu biểu báo cáo cũng được các QTDND quan tâm thực hiện theo quy định.
Việc quản lý và sử dụng STK trắng chặt chẽ, đúng quy định tại các QTDND đã ngăn ngừa được rủi ro liên quan đến hoạt động huy động tiền gửi để ngoài sổ sách và các hành vi vi phạm khác liên quan đến STK trắng của cán bộ, nhân viên QTDND.
Tuy nhiên, cũng còn một số ít đơn vị quan tâm chưa đầy đủ đến công tác quản lý, bảo quản, sử dụng, kiểm kê STK trắng như: khi mua STK trắng về không thực hiện kiểm đếm, đóng dấu, bàn giao theo quy định; xuất kho STK trắng không căn cứ vào nhu cầu thực tế và không bàn giao lại cho bộ phận quản lý để bảo quản khi sử dụng không hết trong ngày; xuất sử dụng STK trắng tùy tiện không theo thứ tự liên tục của số sê-ri gây khó khăn trong việc theo dõi, báo cáo; không thực hiện tổng kiểm kê định kỳ, kiểm kê còn mang tính hình thức dễ bị mất mát, lợi dụng.
Một thực trạng chung, theo kết qua kiểm tra của Chi nhánh BHTGVN khu vực ĐBSCL thời gian qua, đa số các QTDND chưa quan tâm, chú trọng đến trách nhiệm cá nhân trong việc quản lý và sử dụng đối với STK trắng. Theo yêu cầu của NHNN, các QTDND phải quy định cụ thể về trách nhiệm của Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc (Phó giám đốc), Ban kiểm soát và các cá nhân, bộ phận liên quan trong việc quản lý và sử dụng STK trắng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều QTDND không quy định hoặc chỉ quy định chung chung, không rõ ràng, đặc biệt là bỏ qua trách nhiệm của Chủ tịch Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát. Điều này không đảm bảo đúng theo yêu cầu của NHNN và phát sinh sự lỏng lẻo trong quản lý đối với STK trắng mà một số đối tượng có thể khai thác, lợi dụng.
Qua kết quả kiểm tra và thực trạng quản lý, sử dụng STK trắng tại các QTDND, Chi nhánh đã có đề xuất, kiến nghị đến NHNN Chi nhánh tỉnh, thành phố nơi quản lý QTDND để yêu cầu QTDND rà soát, sửa đổi bổ sung quy định nội bộ đảm bảo đầy đủ nội dung và tổ chức thực hiện nghiêm túc việc quản lý và sử dụng STK trắng đúng theo quy định của NHNN và quy định nội bộ đã ban hành./.
Tấn Lập
Chi nhánh BHTGVN khu vực ĐBSCL
Văn bản, tài liệu tham khảo:
(1) Chỉ thị số 06/CT-NHNN ngày 02/10/2018 của Thống đốc NHNN;
(2) Thông tư số 21/2019/TT-NHNN ngày 14/11/2019 của Thống đốc NHNN;
(3) Công văn số 382/NHNN-TCKT ngày 20/01/2017 của Thống đốc NHNN;
(4) Thông tư 01/2014/TT-NHNN ngày 06/01/2014 của Thống đốc NHNN;
(5) Báo cáo kết quả kiểm tra năm 2018, 2019, 2020, Quý II/2021 của Chi nhánh BHTGVN khu vực ĐBSCL.