Cụ thể, sáng nay Quốc hội sẽ nghe Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật tố cáo (sửa đổi); Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật tố cáo (sửa đổi).
Sau đó, sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi); Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi).
Cuối giờ sáng, Cơ quan trình, cơ quan chủ trì thẩm tra báo cáo, làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội nêu về dự án Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi).
Tiếp theo chương trình làm việc, chiều nay Quốc hội sẽ nghe Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật du lịch (sửa đổi).
Sau đó, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật du lịch (sửa đổi).
Cuối giờ chiều, Cơ quan trình, cơ quan chủ trì thẩm tra báo cáo, làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Liên quan đến dự án Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi), một trong những nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau đó là việc xử lý nguồn thu từ xử lý, thanh lý, điều chuyển tài sản, bồi thường xử lý đất đai.
Theo đó, nhiều ý kiến đề nghị rà soát lại một số điều khoản trong dự thảo luật để đảm bảo các khoản thu, chi thuộc ngân sách phải được dự toán, đặc biệt những điều khoản liên quan đến thanh lý, bán tài sản, điều chuyển tài sản nhà nước. Có ý kiến cho rằng Điều 47; Điều 62; Điều 87, Điều 104; Điều 114, Điều 121 và các điều khoản khác có quy định nộp vào tài khoản tạm giữ và cho phép sử dụng chi cho nhiệm vụ chi đầu tư của ngân sách là trái với quy định của Luật ngân sách nhà nước và Hiến pháp năm 2013.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, để đảm bảo tính thống nhất với Luật Ngân sách nhà nước (NSNN), tạo động lực khuyến khích các cơ quan, đơn vị chủ động trong việc sắp xếp lại tài sản công, tiếp thu ý kiến của Đại biểu Quốc hội, Ủy Ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan thẩm tra và Cơ quan soạn thảo chỉnh sửa lại các nội dung liên quan đến việc quản lý, sử dụng số tiền thu được từ việc xử lý tài sản công đảm bảo phù hợp với quy định của Luật NSNN, Luật phí và lệ phí và phù hợp với từng đối tượng quản lý tài sản công.
Theo đó, đối với cơ quan nhà nước được quy định tại Điều 47. Hiện nay, còn có ý kiến khác nhau, cụ thể như sau:
Phương án 1: Đề nghị quy định theo hướng, toàn bộ số tiền thu được phải nộp vào ngân sách nhà nước, nguồn chi phí trang trải cho việc xử lý tài sản do NSNN bố trí trong dự toán của cơ quan theo theo quy định của pháp luật về ngân sách. Việc quy định như trên sẽ đảm bảo các khoản thu, chi NSNN phải được dự toán, phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 và Luật NSNN năm 2015.
Phương án 2: Đề nghị quy định theo hướng, số tiền thu được từ việc xử lý tài sản công, sau khi trừ đi các chi phí có liên quan đến việc xử lý tài sản, được nộp toàn bộ vào NSNN.
Đồng thời, để tạo điều kiện khuyến khích các cơ quan, đơn vị trong việc rà soát, sắp xếp tài sản công, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan thẩm tra và Cơ quan soạn thảo bổ sung vào Dự thảo luật quy định ưu tiên bố trí trong dự toán chi NSNN trong trường hợp cơ quan nhà nước được cấp có thẩm quyền cho phép bán, chuyển nhượng tài sản công để tạo nguồn vốn đầu tư xây dựng, mua sắm, cải tạo, nâng cấp tài sản công. Nội dung này được thể hiện tại khoản 2 Điều 47 của Dự thảo luật.
Đối với đơn vị sự nghiệp công lập (Điều 62): Số tiền thu được, sau khi trừ đi các chi phí có liên quan và thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập được sử dụng để bổ sung quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp; trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập do Nhà nước bảo đảm toàn bộ chi thường xuyên thì nộp NSNN. Riêng số tiền thu được từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất (đất được Nhà nước giao hoặc cho thuê đất mà tiền thuê đất đã trả có nguồn gốc ngân sách nhà nước), sau khi trừ đi các chi phí có liên quan, nộp toàn bộ vào NSNN theo quy định của pháp luật về NSNN.
Còn đối với doanh nghiệp (Điều 99): Số tiền thu được từ khai thác, xử lý tài sản công được Nhà nước giao cho doanh nghiệp, không tính thành phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp được sử dụng để chi trả các chi phí có liên quan, trả nợ vốn và lãi vay (nếu có); số tiền còn lại được nộp toàn bộ vào NSNN.
Trường hợp cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền cho phép bán, chuyển nhượng tài sản công để tạo nguồn vốn đầu tư xây dựng, mua sắm, cải tạo, nâng cấp tài sản công thì được ưu tiên bố trí trong dự toán chi NSNN để thực hiện.
(Các nội dung trên được thể hiện cụ thể tại các Điều 47, 62, 87, 95, 99, 103, 113 và 120 của Dự thảo luật).