Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành Thông tư số 06/2023/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 (Thông tư 39) quy định về hoạt động cho vay của TCTD đối với khách hàng, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/9/2023 (Thông tư 06). Thông tư 06 được ban hành nhằm tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý điều chỉnh hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng (TCTD) đối với khách hàng phù hợp với Luật Các TCTD năm 2010 (đã được sửa đổi, bổ sung) và các quy định pháp luật liên quan; bổ sung quy định cho vay bằng phương tiện điện tử phù hợp với định hướng, chủ trương chuyển đổi số ngành ngân hàng; qua đó góp phần đảm bảo an toàn, hiệu quả trong hoạt động cho vay, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và thực tiễn thị trường.
Bên cạnh đó, Thông tư cũng bổ sung quy định để đảm bảo tính minh bạch trong hoạt động cho vay, bảo vệ quyền lợi của người vay, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng; nâng cao tính tự chủ trong hoạt động cho vay của TCTD, đồng thời đề cao yêu cầu minh bạch hóa, bảo đảm an toàn cho hoạt động cho vay của TCTD.
Bổ sung quy định cho vay bằng phương tiện điện tử
Theo NHNN, để tạo thuận lợi hơn nữa cho TCTD trong việc triển khai hoạt động cho vay bằng phương tiện điện tử đảm bảo an toàn, hiệu quả, phù hợp với quy định tại Luật Các TCTD 2010 (đã được sửa đổi, bổ sung) và định hướng, chủ trương chuyển đổi số ngành Ngân hàng, Thông tư đã bổ sung Mục riêng quy định cụ thể về hoạt động cho bằng phương tiện điện tử của TCTD đối với khách hàng; đồng thời sửa đổi, bổ sung một số điều khoản khác cho phù hợp với hình thức cho vay này.
Thứ nhất, quy định các nguyên tắc áp dụng chung phù hợp đặc điểm hoạt động cho vay bằng phương tiện điện tử của TCTD nhằm đảm bảo các yêu cầu về an ninh, an toàn, bảo vệ, bảo mật, tiêu chuẩn an toàn hệ thống công nghệ thông tin và quản lý rủi ro trên môi trường điện tử khi TCTD quyết định áp dụng phương tiện điện tử trong quy trình cho vay, lựa chọn công nghệ phù hợp đặc điểm hoạt động kinh doanh của TCTD. Theo đó, TCTD tự quyết định biện pháp, hình thức, công nghệ phục vụ hoạt động cho vay bằng phương tiện điện tử, xem xét, quyết định thực hiện hoạt động cho vay bằng phương tiện điện tử theo quy định tại Thông tư.
Thứ hai, quy định việc nhận biết, xác minh thông tin nhận biết khách hàng bằng phương tiện điện tử (eKYC) áp dụng đối với khách hàng là cá nhân, vay vốn phục vụ nhu cầu đời sống, lần đầu thiết lập mối quan hệ; theo đó, yêu cầu TCTD phải có giải pháp, công nghệ kỹ thuật để nhận biết và xác minh thông tin nhận biết khách hàng phục vụ hoạt động cho vay bằng phương tiện điện tử; chịu trách nhiệm về rủi ro phát sinh (nếu có) và phải đảm bảo tối thiểu các yêu cầu như: (i) Đảm bảo sự khớp đúng giữa thông tin nhận biết khách hàng, dữ liệu sinh trắc học của khách hàng với các thông tin, yếu tố sinh trắc học tương ứng trên các tài liệu, dữ liệu cần thiết nhằm nhận biết khách hàng theo quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền, theo yêu cầu của TCTD, dữ liệu định danh cá nhân được xác thực bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc với cơ sở dữ liệu căn cước công dân, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoặc bởi tổ chức cung cấp dịch vụ xác thực điện tử theo quy định của pháp luật về định danh và xác thực điện tử hoặc bởi TCTD khác; (ii) Xây dựng quy trình quản lý, kiểm soát, đánh giá rủi ro và phải thường xuyên được rà soát, hoàn thiện dựa trên những thông tin, dữ liệu cập nhật; (iii) Lưu trữ, bảo quản đầy đủ, chi tiết thông tin nhận biết khách hàng, dữ liệu sinh trắc học của khách hàng; âm thanh, hình ảnh, bản ghi hình, ghi âm; số điện thoại thực hiện giao dịch; nhật ký giao dịch trong quá trình cho vay.
Đối với trường hợp khách hàng là cá nhân vay vốn phục vụ nhu cầu đời sống, đã thiết lập mối quan hệ tại TCTD và hoàn thành việc nhận biết, xác minh thông tin nhận biết khách hàng, TCTD được quyết định việc áp dụng các biện pháp, hình thức, công nghệ để xác minh thông tin nhận biết khách hàng phục vụ cho vay bằng phương tiện điện tử đảm bảo phù hợp với các thông tin đã biết về khách hàng.
Thứ ba, quy định dư nợ cho vay đối với một khách hàng là cá nhân vay vốn phục vụ nhu cầu đời sống và được nhận biết, xác minh thông tin nhận biết khách hàng theo quy định tại Điều 32b không vượt quá 100.000.000 (một trăm triệu đồng Việt Nam) tại một TCTD. Trong bối cảnh hiện nay, các khoản vay phát sinh trên môi trường số chủ yếu là các khoản vay cá nhân, nhỏ lẻ phục vụ mục đích tiêu dùng, nhu cầu đời sống và mức độ ứng dụng công nghệ, phương tiện điện tử vào hoạt động cho vay giữa các TCTD không đồng đều. Do đó, để đảm bảo an toàn hoạt động cho vay và phù hợp với nhu cầu thực tiễn của TCTD, trước mắt NHNN áp dụng quy định giới hạn 100 triệu đồng khi khách hàng cá nhân vay phục vụ nhu cầu đời sống khi thực hiện EKYC. Còn đối với các khâu khác trong quy trình thực hiện cho vay, TCTD không bị giới hạn về dư nợ đối với khách hàng (cả khách hàng doanh nghiệp và cá nhân).
Thứ tư, quy định về thẩm định và quyết định cho vay phù hợp với khoản 2 Điều 94 Luật Các TCTD 2010 (đã được sửa đổi, bổ sung) về việc tổ chức xét duyệt cho vay theo nguyên tắc phân định trách nhiệm giữa khâu thẩm định và quyết định cho vay; đồng thời phù hợp với đặc thù và thực tiễn triển khai hoạt động cho vay bằng phương tiện điện tử của TCTD dựa trên ứng dụng công nghệ trong khâu thẩm định và phê duyệt cho vay.
Thứ năm, về hồ sơ đề nghị vay vốn, thành phần hồ sơ vẫn đảm bảo tuân thủ quy định tại khoản 1 Điều 94 Luật Các TCTD 2010 (đã được sửa đổi, bổ sung). Thông tư cho phép các thành phần hồ sơ là các tài liệu, dữ liệu nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng cung cấp và TCTD thu thập tài liệu, dữ liệu trên môi trường số khi triển khai hoạt động cho vay.
Thứ sáu, tạo điều kiện cho TCTD có cơ sở giao kết thỏa thuận cho vay với khách hàng dưới hình thức hợp đồng điện tử thay vì chỉ kết kết thỏa thuận cho vay dưới hình thức văn bản giấy truyền thống, phù hợp với đặc thù cho vay trên môi trường điện tử.
Thứ bảy, lưu giữ hồ sơ cho vay được quy định phù hợp với đặc thù hoạt động cho vay được số hóa trên môi trường điện tử, đồng thời giúp giảm áp lực đối với các TCTD trong việc lưu giữ hồ sơ cho vay theo phương thức truyền thống (đặc biệt đối với khoản vay tiêu dùng có quy mô nhỏ với số lượng lớn). Bên cạnh đó, quyết định cho vay cho phép sử dụng chữ ký điện tử của người có thẩm quyền (thay vì chỉ sử dụng chữ ký trên văn bản giấy truyền thống).
Thứ tám, quy định TCTD ban hành quy định nội bộ về cho vay, bao gồm cho vay bằng phương tiện điện tử để kiểm soát hoạt động này phù hợp với Luật Các TCTD.
Thứ chín, về phương tiện thanh toán được sử dụng giải ngân vốn cho vay, TCTD được xem xét, quyết định lựa chọn phương tiện thanh toán để giải ngân vốn cho vay theo quy định của NHNN về phương thức giải ngân vốn cho vay của TCTD đối với khách hàng. Trường hợp khách hàng là cá nhân vay vốn phục vụ nhu cầu đời sống và được eKYC theo quy định tại Điều 32b, TCTD được xem xét, quyết định giải ngân vốn cho vay vào tài khoản thanh toán của khách hàng tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán để khách hàng chủ động thanh toán, chi trả các nhu cầu chi tiêu nhỏ lẻ, phục vụ nhu cầu đời sống cho bên thụ hưởng và chịu trách nhiệm về việc sử dụng vốn đúng mục đích.
Phù hợp thực tiễn hoạt động cho vay của TCTD
Tại Thông tư 06 còn bổ sung một số quy định khác phù hợp với thực tiễn hoạt động cho vay của TCTD và yêu cầu quản lý nhà nước
Cụ thể, bổ sung quy định tạo điều kiện cho TCTD được xem xét, quyết định cho khách hàng vay để trả nợ trước hạn khoản vay tại TCTD khác phục vụ nhu cầu đời sống, thay vì chỉ quy định đối với khoản vay phục vụ sản xuất kinh doanh như tại Thông tư 39 hiện hành. Điều này tạo điều kiện cho khách hàng tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, có thêm cơ hội lựa chọn dịch vụ và tiện ích tốt hơn tại các TCTD khác (nếu có).
Bên cạnh đó, Thông tư 06 bổ sung quy định TCTD được xem xét, quyết định cho khách hàng vay để trả khoản vay nước ngoài dưới hình thức mua bán hàng hóa trả chậm. Đây là hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế thông thường, do đó Thông tư 06 bổ sung quy định nêu trên để tạo điều kiện cho khách hàng vay vốn phục vụ nhu cầu này.
Đồng thời, Thông tư 39 quy định phương án sử dụng vốn là tập hợp các thông tin về việc sử dụng vốn của khách hàng, trong đó phải có các thông tin: a) Tổng nguồn vốn cần sử dụng, chi tiết các loại nguồn vốn trong tổng nguồn vốn cần sử dụng (trong đó có nguồn vốn cần vay tại TCTD); mục đích sử dụng vốn; thời gian sử dụng vốn; b) Nguồn trả nợ của khách hàng; c) Phương án, dự án thực hiện hoạt động kinh doanh (trừ nhu cầu vốn phục vụ đời sống).
Tuy nhiên, trên thực tế thời gian qua, TCTD cho khách hàng vay vốn để mua nhà ở, xây dựng, cải tạo nhà ở; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để xây nhà ở thường với số tiền có giá trị khá lớn. Do đó, cần phải bổ sung quy định khách hàng phải có phương án, dự án đối với nhu cầu vốn này để TCTD có đầy đủ thông tin về mục đích vay vốn của khách hàng và để đảm bảo giám sát việc khách hàng sử dụng vốn vay đúng mục đích.
Đối với các nhu cầu vay vốn phục vụ đời sống khác, TCTD tiếp tục thực hiện theo các quy định tại Thông tư 39. Theo đó phương án sử dụng vốn của khách hàng chỉ cần có thông tin về tổng nguồn vốn cần sử dụng, mục đích sử dụng vốn, thời gian sử dụng vốn, và nguồn trả nợ của khách hàng, mà không cần phải xây dựng phương án, dự án cụ thể phục vụ nhu cầu đời sống.
Đặc biệt, để góp phần đảm bảo an toàn, hiệu quả, hạn chế rủi ro phát sinh trong hoạt động cho vay của TCTD đối với khách hàng, kiểm soát việc khách hàng sử dụng vốn vay đúng mục đích, nâng cao chất lượng tín dụng, nhưng vẫn đảm bảo phù hợp với nhu cầu thực tế, Thông tư 06 bổ sung quy định về một số nhu cầu vốn TCTD không được cho vay mà những nhu cầu vốn cho vay này trong thời gian qua, NHNN cũng đã có các văn bản cảnh báo TCTD, cụ thể như vay vốn để gửi tiền; để thanh toán tiền góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng phần vốn góp của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng cổ phần của công ty cổ phần chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc chưa đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch Upcom; để thanh toán tiền góp vốn theo hợp đồng góp vốn, hợp đồng hợp tác đầu tư hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh để thực hiện dự án đầu tư không đủ điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định của pháp luật tại thời điểm TCTD quyết định cho vay, để bù đắp tài chính.
Lý giải quy định TCTD không được cho vay để gửi tiền, đơn vị soạn thảo của NHNN cho biết: Thực tiễn thời gian qua, qua công tác thanh tra, giám sát phát sinh trường hợp TCTD đã thực hiện cho vay để chứng minh khả năng tài chính của khách hàng vay khi đi lao động, học tập ở nước ngoài dưới hình thức vay tiền để gửi tiết kiệm hoặc khách hàng thế chấp sổ tiết kiệm ngoại tệ vay tiền đồng để gửi tiết kiệm. Liên quan đến vấn đề này, NHNN đã có văn bản số 9565/NHNN-CSTT ngày 6/12/2019 cảnh báo các TCTD. Bản chất của tiền gửi tiết kiệm và giao dịch chứng minh tài chính của khách hàng phải hình thành từ chính nguồn tiền của khách hàng; không phải là tiền đi vay từ TCTD. Chính vì vậy, Thông tư 06 bổ sung quy định TCTD không được cho vay vốn để gửi tiền nhằm đảm bảo kiểm soát sử dụng vốn vay đúng mục đích và kiểm soát rủi ro khoản vay cũng như đảm bảo phù hợp với bản chất của tiền gửi tiết kiệm, bản chất giao dịch chứng minh tài chính.
Thanh Thủy