Theo đó, các biện pháp xử lý trong giám sát ngân hàng bao gồm: khuyến nghị, cảnh báo; xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật; áp dụng can thiệp sớm; kiến nghị cấp có thẩm quyền các biện pháp xử lý giám sát ngân hàng khác theo quy định của pháp luật.
Thông tư 04 bổ sung các quy định cụ thể về việc áp dụng can thiệp sớm đối với đối tượng giám sát ngân hàng. Cụ thể, căn cứ các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh đối tượng giám sát ngân hàng, tài liệu, thông tin, dữ liệu về tình hình hoạt động của đối tượng giám sát ngân hàng, Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng, Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi không có Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng trình Thống đốc NHNN xem xét, ban hành văn bản áp dụng can thiệp sớm đối với đối tượng giám sát ngân hàng lâm vào một trong các trường hợp theo quy định tại Khoản 1 Điều 130a Luật Các tổ chức tín dụng (đã được sửa đổi, bổ sung).
Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng xem xét, ban hành văn bản áp dụng can thiệp sớm đối với đối tượng giám sát ngân hàng là quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô trên địa bàn nơi có Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng lâm vào một trong các trường hợp theo quy định tại Khoản 1 Điều 130a Luật Các tổ chức tín dụng (đã được sửa đổi, bổ sung).
Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi không có Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng xem xét, ban hành văn bản áp dụng can thiệp sớm đối với đối tượng giám sát ngân hàng là quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô trên địa bàn lâm vào một trong các trường hợp theo quy định tại Khoản 1 Điều 130a Luật Các tổ chức tín dụng (đã được sửa đổi, bổ sung).
Thông tư cũng quy định rõ, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản áp dụng can thiệp sớm, đối tượng giám sát ngân hàng có trách nhiệm báo cáo bằng văn bản gửi NHNN (qua đơn vị thực hiện giám sát ngân hàng) giải trình thực trạng, nguyên nhân, phương án khắc phục và tổ chức triển khai thực hiện.
Trong trường hợp đối tượng giám sát ngân hàng không xây dựng được phương án khắc phục theo quy định hoặc hết thời hạn thực hiện phương án mà không khắc phục được tình trạng quy định, tùy theo tính chất, mức độ rủi ro, Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng, Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi không có Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng trình Thống đốc NHNN xem xét, ban hành văn bản yêu cầu đối tượng giám sát ngân hàng thực hiện một hoặc một số biện pháp theo quy định…
Thông tư 04 cũng bổ sung các quy định cụ thể về theo dõi, đôn đốc, đánh giá việc thực hiện phương án khắc phục của đối tượng giám sát ngân hàng áp dụng can thiệp sớm. Cụ thể, định kỳ hàng tháng hoặc đột xuất theo yêu cầu của đơn vị thực hiện giám sát ngân hàng, đối tượng giám sát ngân hàng báo cáo tiến độ, kết quả thực hiện phương án khắc phục. Đơn vị thực hiện giám sát ngân hàng có trách nhiệm thường xuyên theo dõi, đôn đốc, đánh giá tiến độ, kết quả, các khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc thực hiện phương án khắc phục của đối tượng giám sát ngân hàng.
Trong quá trình theo dõi, căn cứ vào kết quả thực hiện phương án khắc phục của đối tượng giám sát ngân hàng, tùy theo tính chất, mức độ rủi ro, đơn vị thực hiện giám sát ngân hàng có quyền đề xuất cấp có thẩm quyền tiến hành làm việc trực tiếp, kiểm tra, thanh tra đột xuất đối với đối tượng giám sát ngân hàng theo quy định pháp luật.
Về cơ bản, việc bổ sung thêm biện pháp can thiệp sớm vào các biện pháp giám sát ngân hàng là vô cùng cần thiết. Bằng cách đó, chi phí (cả thời gian và tiền bạc) để khắc phục những yếu kém của TCTD sẽ được giảm thiểu, đồng thời góp phần hạn chế rủi ro cho toàn hệ thống. Sự phát triển của khu vực ngân hàng và thị trường tài chính với hàng loạt loại hình dịch vụ hiện đại kéo theo không ít những rủi ro tiềm ẩn. Chính vì vậy, hoạt động giám sát phải được xem là phương thức thanh tra, giám sát chủ yếu bởi tính tích cực của nó trong việc cảnh báo sớm và phòng ngừa rủi ro nhằm đảm bảo an toàn hoạt động đối với toàn bộ hệ thống nói chung và từng TCTD nói riêng.
Hơn thế nữa, khung pháp lý liên quan đến việc giám sát này cũng cần được nghiên cứu, cập nhật, bổ sung liên tục nhằm theo kịp với thực tế của hoạt động ngân hàng. Điểm tiến bộ trong thông tư quy định về các biện pháp giám sát ngân hàng hiện nay là bên cạnh phương pháp giám sát tuân thủ, đã có các quy định khung về giám sát rủi ro để có thể từng bước tiếp cận với thông lệ quốc tế tốt nhất về giám sát ngân hàng, tạo điều kiện cho đơn vị thực hiện giám sát có thể kết hợp giữa giám sát tuân thủ với giám sát rủi ro.
Nếu như giám sát tuân thủ tập trung vào việc kiểm tra và theo dõi vấn đề tuân thủ của các TCTD đối với quy định pháp luật liên quan tới an toàn hoạt động ngân hàng thì giám sát rủi ro dựa trên việc giám sát hoạt động chung của TCTD thông qua việc đánh giá các loại rủi ro mà TCTD đang và sẽ gặp phải như rủi ro tín dụng, rủi ro thanh khoản, rủi ro hoạt động, rủi ro thị trường, rủi ro pháp lý... Phương pháp giám sát rủi ro thường được áp dụng tại các quốc gia mà hoạt động ngân hàng tương đối phát triển, hoạt động ngân hàng không chỉ bao gồm các hoạt động truyền thống mà còn mở rộng sang các loại hoạt động và dịch vụ ngân hàng hiện đại. Phương pháp này đòi hỏi phải có một sự phát triển đồng bộ về hệ thống cơ sở pháp lý, hệ thống quản lý thông tin, các công cụ định lượng và trình độ của cán bộ giám sát ngân hàng, đặc biệt là khả năng phân tích và sử dụng các công cụ định lượng. Dù chưa áp dụng được hoàn toàn nhưng việc Việt Nam bước đầu xây dựng được quy định khung về giám sát rủi ro cũng là điều hết sức cần thiết và đáng khích lệ.