Theo ông Nguyễn Sỹ Cương, thứ nhất, các nội dung của nghị quyết đều bảo đảm hợp hiến, không ảnh hưởng đến quyền của công dân. Thứ hai, theo quy định tại Khoản 2, Điều 15 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nghị quyết của Quốc hội được ban hành để quy định các chính sách thí điểm mà pháp luật hiện hành chưa có quy định hoặc khác với quy định hiện hành. Mục đích, quan điểm xây dựng nghị quyết này là không sửa đổi các luật khác mà được áp dụng như một văn bản chuyên ngành để xử lý nợ xấu. Các đối tượng khác không thuộc phạm vi điều chỉnh của nghị quyết thực hiện theo quy định có liên quan của các luật hiện hành.
Khoản 3, Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định: Trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau. Vì nghị quyết và luật đều là văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội ban hành nên Khoản 2, Điều 17 dự thảo nghị quyết quy định cụ thể việc áp dụng nghị quyết theo nguyên tắc này là hoàn toàn hợp pháp, có cơ sở pháp lý và bảo đảm tính khả thi để thực hiện.
Về tính hợp hiến, hợp pháp của quy định về quyền thu giữ tài sản bảo đảm: Theo Điều 14, 15 Hiến pháp 2013; Điều 2, 3 Bộ luật Dân sự 2015 thì ở Việt Nam, các quyền dân sự được công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật. Cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng. Cá nhân, pháp nhân phải tự chịu trách nhiệm về việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ dân sự.
Trường hợp tổ chức, cá nhân tự nguyện đem tài sản của mình thế chấp, cầm cố để bảo đảm cho nghĩa vụ trả nợ (giao dịch dân sự) sẽ làm phát sinh nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm cho bên nhận bảo đảm để xử lý khi vi phạm nghĩa vụ trả nợ. Nói cách khác, quyền thu giữ tài sản bảo đảm đã được bên bảo đảm đồng ý trên cơ sở tự nguyện thỏa thuận, tự do ý chí. Theo dự thảo nghị quyết, quyền thu giữ tài sản bảo đảm chỉ được thực hiện khi bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ đã cam kết.
Về nhà ở, Điều 22 Hiến pháp quy định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý. Việc khám xét chỗ ở do luật định”. Việc TCTD thu giữ tài sản bảo đảm là nhà ở của người bảo đảm hoặc người giữ tài sản bảo đảm (chủ nhà) về nguyên tắc đã được người bảo đảm hoặc người giữ tài sản bảo đảm (chủ nhà) đồng ý theo thỏa thuận thu giữ tại hợp đồng bảo đảm đã ký.
Do đó, quy định về quyền thu giữ tài sản tại dự thảo nghị quyết hoàn toàn phù hợp với Hiến pháp 2013 và Bộ luật Dân sự 2015, không hạn chế quyền công dân, quyền con người, bảo đảm công bằng quyền lợi và nghĩa vụ của các bên, cũng như không xâm phạm đến quyền con người, quyền công dân, quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở theo quy định tại Hiến pháp. Việc cho phép TCTD được quyền thu giữ tài sản bảo đảm là biện pháp quan trọng để bảo đảm quyền lợi người gửi tiền và phù hợp với nghị quyết của Đảng, Quốc hội.
Nợ xấu đang là vấn đề nóng, được Quốc hội, Chính phủ và cử tri quan tâm và ví như “Cục máu đông”. Ông Nguyễn Sỹ Cương nhận định, nợ xấu làm cho nền kinh tế kém hiệu quả, năng lực cạnh tranh thấp. Thời gian qua đã có nhiều văn bản, nhiều giải pháp để xử lý nợ xấu, tuy nhiên việc triển khai, thực thi chưa hiệu quả, cơ chế, chính sách, pháp luật về xử lý nợ xấu chưa hoàn thiện, thiếu thống nhất, chưa bảo vệ quyền chủ nợ hợp pháp của các tổ chức tín dụng. Pháp luật quy định xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ còn nhiều bất cập, làm hạn chế kết quả xử lý nợ xấu, dẫn đến có nhiều vướng mắc, thời gian xử lý kéo dài… Việc rất đơn giản là người vay đã đồng ý thế chấp tài sản, khi không có khả năng trả nợ thì đương nhiên tổ chức tín dụng có toàn quyền xử lý tài sản thế chấp. Nhưng thực tế tổ chức tín dụng lại phải thỏa thuận, nếu chưa thống nhất phải ra tòa án phân giải…
Liên quan đến việc thu giữ tài sản bảo đảm thì có ảnh hưởng đến quy định của Hiến pháp về quyền công dân, về quyền chỗ ở, khi giải trình và tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận sáng 7/6, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cũng khẳng định, quyền thu giữ tài sản bảo đảm là quyền đương nhiên và chính đáng mà TCTD có được theo thỏa thuận về quyền và nghĩa vụ giữa TCTD và khách hàng khi xác lập giao dịch cấp tín dụng và giao dịch bảo đảm. Các thỏa thuận về quyền thu giữ các bên liên quan là phù hợp với Hiến pháp và quy định của pháp luật. Trường hợp các tổ chức, cá nhân tự nguyện đem tài sản của mình thế chấp, cầm cố để đảm bảo cho việc trả nợ là giao dịch dân sự sẽ làm phát sinh nghĩa vụ giao tài sản đảm bảo hay nói cách khác là quyền thu giữ tài sản đảm bảo đã được đồng ý trên cơ sở tự nguyện của các bên. Về quyền nhà ở, việc thực hiện quyền thu giữ được thực hiện trên cơ sở thỏa thuận tự nguyện đã có tại hợp đồng bảo đảm giữa các bên và như vậy việc thu giữ là nhà ở và về nguyên tắc chủ nhà khi đã giao kết hợp đồng giao dịch bảo đảm thì đã nhất trí cho việc thu giữ này.
Theo kế hoạch làm việc, ngày 12/6, Quốc hội tiếp tục dành thời gian thảo luận về Dự thảo Nghị quyết xử lý nợ xấu các TCTD. Cụ thể theo lịch làm việc, chiều 12/6 sau khi Chính phủ trình Dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật ngoại thương thì Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Sau đó Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra sẽ phối hợp báo cáo, làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội nêu về dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Trước đó trong phiên thảo luận ngày 7/6, các đại biểu đã cho ý kiến về vấn đề xử lý nợ xấu. Thống đốc NHNN thay mặt cơ quan soạn thảo đã tiếp nhận các ý kiến để bổ sung vào dự thảo Nghị định bao gồm: không dùng ngân sách xử lý nợ xấu; định nghĩa lại nợ xấu và xử lý nghiêm trách nhiệm cá nhân, tổ chức gây ra nợ xấu.