Trong khi đó, ở Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã ban hành quy định về các tỷ lệ an toàn trong hoạt động ngân hàng, trong đó có quy định về tỷ lệ an toàn vốn. Quy định hiện tại là Thông tư 36/2014/TT-NHNN và Thông tư 06/2016/TT-NHNN (có hiệu lực từ 01/02/2015) thay thế cho Thông tư 13/2010/TT-NHNN và các thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 13. Tuy nhiên, quy định về tỷ lệ an toàn vốn của Việt Nam vẫn còn nhiều khác biệt so với quy định của Basel 2.
Về công thức tính
Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo quy định của Basel 2 và quy định hiện hành của Việt Nam (thông tư 36/2014/TT-NHNN và thông tư 06/2016/TT-NHNN) đều có cùng công thức tính:
Tỷ lệ an toàn vốn = Vốn tự có/Tài sản Có rủi ro
Tuy nhiên, yêu cầu về tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu lại khác nhau. Basel 2 quy định tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu là 8%, trong khi quy định của Việt Nam tối thiểu là 9%.
Về các cấu phần của Vốn tự có
Theo quy định của Basel 2, Vốn tự có gồm 3 cấu phần: vốn cấp 1, vốn cấp 2 và vốn cấp 3:
Vốn tự có = Vốn cấp 1 + Vốn cấp 2 + Vốn cấp 3
Tuy nhiên, theo quy định của Việt Nam, Vốn tự có chỉ gồm 2 cấu phần: vốn cấp 1 và vốn cấp 2, không có vốn cấp 3.
Vốn cấp 1
Về cơ bản, quy định về vốn cấp 1 của Basel 2 và của Việt Nam đều bao gồm: vốn cổ phần thường + dự trữ công khai – các khoản giảm trừ khỏi vốn cấp 1.
Tuy nhiên, quy định của Việt Nam không đưa lợi ích của cổ đông thiểu số vào vốn cấp 1 và khi tính các khoản giảm trừ khỏi vốn cấp 1 chưa tính đến phần tăng thêm của vốn chủ sở hữu từ các khoản chứng khoán hóa. Ngoài ra, Basel 2 quy định các khoản đầu tư, góp vốn, mua cổ phần vào các TCTD khác bị giảm trừ 50% khỏi vốn cấp 1 và 50% khỏi vốn cấp 2, còn theo quy định của Việt Nam thì giảm trừ 100% khỏi vốn cấp 1.
Vốn cấp 2
Quy định của Basel 2 và của Việt Nam về cấu phần vốn cấp 2 đều có các khoản dự phòng đánh giá lại tài sản, dư phòng cho vay chung, các công cụ vốn lưỡng tính, các khoản nợ thứ cấp có thời hạn.
Tuy nhiên, theo quy định của Basel, các khoản dự trữ không công khai được đưa vào vốn cấp 2, còn quy định của Việt Nam về cấu phần vốn cấp 2 không có các khoản dự trữ không công khai (do hiện tại Việt Nam chưa phát sinh khoản mục này).
Mặt khác, lợi ích của cổ đông thiểu số được Basel 2 đưa vào cấu phần vốn cấp 1, nhưng quy định của Việt Nam lại đưa vào vốn cấp 2.
Ngoài ra, các khoản đầu tư, góp vốn vào TCTD, theo quy định của Basel 2 được giảm trừ 50% khỏi vốn cấp 1 và 50% khỏi vốn cấp 2, nhưng theo quy định của Việt Nam thì được giảm trừ 100% khỏi vốn cấp 1, do vậy khi tính vốn cấp 2 không phải giảm trừ khoản đầu tư, góp vốn này nữa.
Phần chênh lệch tăng do đánh giá lại TSCĐ, các góp vốn đầu tư dài hạn theo quy định của Basel 2 bị khấu trừ 55% khỏi vốn cấp 2, trong khi quy định của VN là khấu trừ 50% đối với TSCĐ, 60% đối với các khoản góp vốn đầu tư dài hạn.
Vốn cấp 3
Theo quy định của Basel 2, vốn cấp 3 là các khoản nợ thứ cấp ngắn hạn bù đắp cho rủi ro thị trường. Tuy nhiên, hiện tại Việt Nam không có quy định về vốn cấp 3.
Các giới hạn
Quy định về các giới hạn của Basel 2 và của Việt Nam đều có một số điểm chung:
- Tổng vốn cấp 2 tối đa bằng 100% vốn cấp 1
- Các khoản nợ thứ cấp có kỳ hạn đưa vào vốn cấp 2 tối đa bằng 50% vốn cấp 1
- Các khoản dự phòng chung và dự phòng cho vay chung đưa vào vốn cấp 2 tối đa bằng 1,25% tài sản Có rủi ro.
Ngoài ra, có một số điểm khác nhau:
- Theo quy định của Basel 2, vốn cấp 3 tối đa bằng 250% phần vốn cấp 1 mà được yêu cầu để đảm bảo cho các rủi ro thị trường.
- Theo quy định của Việt Nam, các khoản chênh lệch giảm khi đánh giá lại TSCĐ và các khoản góp vốn, mua cổ phần phải được khấu trừ 100% khỏi vốn tự có.
Về tài sản Có rủi ro và phương pháp tính
- Tài sản Có rủi ro theo quy định của Basel 2 có tính đến rủi ro tín dụng, rủi ro hoạt động và rủi ro thị trường, trong khi quy định của Việt Nam chỉ tính đến rủi ro tín dụng, chưa tính đến rủi ro thị trường và rủi ro hoạt động.
- Basel 2 đưa ra 2 phương pháp để tính tài sản Có rủi ro đối với rủi ro tín dụng, là phương pháp chuẩn hóa và phương pháp dựa vào xếp hạng nội bộ IRB. Trong khi đó, Việt Nam quy định trực tiếp cách tính tài sản Có rủi ro đối với rủi ro tín dụng theo phương pháp chuẩn hóa.
- Cách tính tài sản Có rủi ro đối với rủi ro tín dụng theo phương pháp chuẩn hóa của Việt Nam cũng có nhiều điểm khác nhau so với phương pháp chuẩn hóa của Basel 2. Cụ thể:
+ Tài sản Có rủi ro đối với rủi ro tín dụng theo phương pháp chuẩn hóa của Basel 2 có tính đến rủi ro tín dụng đối tác, còn quy định của Việt Nam không tính đến rủi ro tín dụng đối tác.
+ Nhìn chung, trọng số rủi ro theo quy định hiện hành của Việt Nam thấp hơn so với theo quy định của Basel 2. Cụ thể: trọng số rủi ro tín dụng theo quy định của Basel 2 phụ thuộc vào xếp hạng tín dụng của từng loại hình tín dụng, trong đó trọng số rủi ro của các khoản cho vay đối với các cơ quan công quyền và Chính phủ nước sở tại cũng được xác định theo xếp hạng tín nhiệm của quốc gia, trọng số rủi ro của các khoản cho vay đối với các doanh nghiệp không được thấp hơn trọng số rủi ro cho vay đối với quốc gia nơi doanh nghiệp đó thành lập và hoạt động. Trong khi đó, theo quy định hiện hành của Việt Nam, trọng số rủi ro của các khoản cho vay chính phủ, cơ quan công quyền hoặc được chính phủ Việt Nam bảo lãnh là 0% (theo quy định của Basel 2 phải là 100%, do Việt Nam được Fitch xếp hạng BB).
- Kỹ thuật giảm thiểu rủi ro tín dụng: Basel 2 có quy định riêng về kỹ thuật giảm thiểu rủi ro tín dụng nhằm làm giảm mức vốn yêu cầu cho rủi ro tín dụng. Ủy ban
+ Thay thế trọng số rủi ro của tài sản thế chấp hoặc của bên bảo lãnh vào trọng số rủi ro của dư nợ được thế chấp, bảo lãnh.
+ Lấy tài sản thế chấp hoặc các khoản tiền gửi bù đắp cho dư nợ bằng việc lấy giá trị dư nợ tín dụng được thế chấp trừ đi giá trị của tài sản thế chấp hoặc trừ đi giá trị của khoản tiền gửi của đối tượng vay nợ.
Trong khi đó, Việt Nam không có quy định riêng về kỹ thuật giảm thiểu rủi ro tín dụng. Tuy nhiên, trong các quy định về trọng số rủi ro của từng loại tài sản Có, NHNN Việt Nam cũng đã trực tiếp thay thế trọng số rủi ro của tài sản thế chấp hoặc của bên bảo lãnh vào trọng số rủi ro của dư nợ được thế chấp, bảo lãnh. Như vậy, Việt Nam chỉ sử dụng phương pháp thứ nhất do Ủy ban Basel đưa ra để giảm thiểu rủi ro tín dụng.
Như vậy, quy định hiện hành về tỷ lệ an toàn vốn ở Việt Nam tuy đã được sửa đổi, bổ sung với mục tiêu hướng gần hơn tới Basel 2 nhưng vẫn còn khoảng cách lớn so với Basel 2. Nhìn chung, việc áp dụng Basel 2 để tính tỷ lệ an toàn vốn ở Việt Nam mới chỉ dừng lại ở mức độ áp dụng những quy định và phương pháp tính đơn giản. Với những quy định phức tạp hơn về yêu cầu về vốn cho rủi ro thị trường, rủi ro hoạt động hay những phương pháp tính tài sản Có rủi ro tiên tiến hơn, Việt Nam vẫn chưa áp dụng.
Tuy nhiên, NHNN cũng đang từng bước chuẩn bị, đưa các quy định của Basel 2 vào áp dụng cho hệ thống ngân hàng Việt Nam theo lộ trình. NHNN đã dự thảo Thông tư Hướng dẫn về tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (Dự thảo thông tư) và chỉ định 10 ngân hàng áp dụng thí điểm gồm: BIDV, VietinBank, Vietcombank, Techcombank, ACB, VPBank, MB, Maritime Bank, Sacombank và VIB.
Dự thảo thông tư quy định cách tính tỷ lệ an toàn vốn gần Basel 2 hơn so với Thông tư 36, như: có tính đến yêu cầu về vốn đối với rủi ro hoạt động (tính theo phương pháp chỉ số cơ bản) và rủi ro thị trường (tính theo phương pháp chuẩn hóa); các trọng số rủi ro tín dụng được quy định có tính đến xếp hạng tín nhiệm của các đối tượng vay nợ; bổ sung quy định về kỹ thuật giảm thiểu rủi ro tín dụng;… Những quy định này cũng có một số thay đổi so với Basel 2 để phù hợp với thực tiễn Việt Nam.
Trên thực tế, khi các ngân hàng tính thử tỷ lệ an toàn vốn theo dự thảo Thông tư đã gặp rất nhiều khó khăn, nhất là phải tăng vốn tự có để đáp ứng được yêu cầu về vốn theo cách tính mới này.
Trước xu hướng hội nhập, khi các ngân hàng thương mại trong khu vực hầu hết đã đáp ứng được các yêu cầu về vốn theo tiêu chuẩn Basel 2, thì các ngân hàng thương mại Việt Nam cũng không thể ngoài cuộc. Do vậy, ngoài những ngân hàng đã được NHNN chỉ định áp dụng thí điểm, các ngân hàng khác cũng cần chủ động từng bước tiến tới tuân thủ các quy định của Basel 2 để tăng sức cạnh tranh của chính ngân hàng mình. Hành trình này chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn nhưng không thể không thực hiện nếu các ngân hàng Việt muốn tồn tại và phát triển trong quá trình hội nhập. Các ngân hàng Việt nên chủ động thực hiện Basel 2.