Theo ông Nguyễn Quốc Cường, tiền thân của QTDND với mô hình là HTX tín dụng được ra đời từ năm 1956. Để đáp ứng nhu cầu phát triển của nền kinh tế, năm 1993, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 390/TTg về việc phê duyệt “Đề án thí điểm thành lập QTDND”.
Một bước ngoặt trong hoạt động của hệ thống TCTD hợp tác là việc chuyển đổi QTDND Trung ương thành Ngân hàng Hợp tác xã năm 2013. “Từ năm 2013, với mô hình hoạt động mới của hệ thống QTDND mà Ngân hàng Hợp tác là trung tâm, lấy tôn chỉ tương trợ phát triển sản xuất khu vực kinh tế nông nghiệp, nông thôn, kinh tế hợp tác làm hàng đầu đang góp phần tích cực cho sự phát triển của hệ thống QTDND cả về số lượng và quy mô hoạt động”, ông Cường thông tin thêm.Tuy nhiên, với mô hình tổ chức và hoạt động còn mới mẻ đã nảy sinh nhiều bất cập, hạn chế nên Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị 57-CT/TW ngày 10/10/2000 của Bộ Chính trị về củng cố, hoàn thiện và phát triển QTDND và Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 135/2000/QT-TTg phê duyệt Đề án củng cố, hoàn thiện và phát triển hệ thống QTDND, tạo ra phương hướng, chiến lược nhằm tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức và hoạt động giúp QTDND phát triển an toàn, bền vững.
Về số lượng, tính đến hết năm 2017, cả nước có 1.177 QTDND đang hoạt động với 1.643.425 thành viên ở 57 tỉnh, thành phố trên cả nước tại 2.831 xã phường, thị trấn, tăng 11 QTDND so với năm 2016.
Tổng tài sản của hệ thống QTDND cũng tăng mạnh qua các năm, chủ yếu từ nguồn huy động vốn. Đến hết năm 2017, tổng tài sản là 102.575,1 tỷ đồng, tổng nguồn vốn huy động đạt 100.798 tỷ đồng, tăng 8.739 tỷ đồng so với 31/12/2016.
Về hoạt động cho vay, các QTDND cho vay chủ yếu là thành viên, chiếm tỷ trọng khoảng 99,5% tổng dư nợ, còn 0,5% là cho vay ngoại thành viên. Quy mô cho vay liên tục tăng qua các năm và đến năm 2017 tổng dư nợ đạt 79.367,5 tỷ đồng, tăng 4.906,5 tỷ đồng so với năm 2016.
Ông Cường đánh giá, nhìn chung hệ thống QTDND trong thời gian qua không ngừng được tăng cường, củng cố, chấn chỉnh, về cơ bản hoạt động lành mạnh, hiệu quả theo đúng tôn chỉ mục đích đề ra, đã khẳng định được vai trò lớn của mình trong quá trình phát triển kinh tế hợp tác, tạo được một kênh tín dụng thuận lợi thúc đẩy phát triển kinh tế trên địa bàn. Qua đó cũng tăng khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho các đối tượng nghèo, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao đời sống, thu nhập của người dân, xóa đói, giảm nghèo, đặc biệt góp phần giảm nạn cho vay nặng lãi, ổn định chính trị, an ninh xã hội trên địa bàn nông thôn.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quốc Cường, hệ thống QTDND phát triển không đồng đều. Đối với QTDND có quy mô hoạt động nhỏ thì khả năng thích ứng với thị trường thấp, khả năng cạnh tranh với TCTD khác trên cùng địa bàn hạn chế, các công cụ hỗ trợ để nâng cao năng lực điều hành, giảm bớt rủi ro như đầu tư nâng cấp trang thiết bị ứng dụng công nghệ vào hoạt động ngân hàng bị hạn chế.
“Hiện nay trên thị trường tài chính, các NHTM đang chú trọng mở rộng thị phần vào các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, nắm bắ những công nghệ hiện đại, ứng dụng công nghệ 4.0 vào các sản phẩm dịch vụ ngân hàng để phát triển thị phần, trong khi đó, các QTDND năng lực tài chính có hạn, nhất là các quỹ có quy mô hoạt động nhỏ thì khả năng đầu tư, ứng dụng công nghệ hiện đại cho quản trị điều hành, cho các dịch vụ là khó khăn.” – ông Nguyễn Quốc Cường chia sẻ.
Vấn đề mấu chốt cho sự phát triển hiện nay của QTDND, theo Chủ tịch Hiệp hội QTDND Việt Nam, các quỹ phải thực hiện đúng tôn chỉ mục đích, hoạt động vì lợi ích của các thành viên, đặt lợi ích của thành viên lên hàng đầu; Đội ngũ lãnh đạo cao cấp, nhân viên của QTDND có tâm huyết nghề nghiệp, kiến thức, đạo đức nghề nghiệp; Có cơ chế chính sách hoạt động bài bản như marketing tốt, quy chế quản lý tín dụng chặt chẽ, xây dựng được đội ngũ cộng tác viên tham gia hoạt động cho vay và thu hồi vốn hiệu quả…
Thời gian tới, ông Nguyễn Quốc Cường cho rằng, Hiệp hội tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò là tổ chức kết nối và hỗ trợ cho các hội viên, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các hội viên, làm cầu nối giữa các hội viên với các cơ quan quản lý Nhà nước; Tập trung đẩy mạnh hơn nữa công tác đào tạo kiến thức cơ bản về nghiệp vụ QTDND, các kiến thức chuyên sâu về kỹ năng lãnh đạo, quản trị rủi ro, kiểm soát nội bộ, thẩm định tín dụng, marketing, kiến thức cơ bản chiến lược phát triển của một tổ chức...