Theo dự thảo Quyết định, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng là đơn vị tương đương Tổng cục trực thuộc NHNN, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Thống đốc NHNN quản lý nhà nước đối với các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, quản lý nhà nước về công tác thanh tra, giám sát ngân hàng, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, bảo hiểm tiền gửi.
Thực hiện nhiệm vụ thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành và giám sát ngân hàng trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của NHNN, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật và phân công của Thống đốc NHNN.
Nhiệm vụ của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng là trình Thống đốc NHNN để trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định: Dự thảo nghị định của Chính phủ, dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức và hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng, thanh tra, giám sát ngân hàng và bảo hiểm tiền gửi.
Trình Thống đốc NHNN quyết định, phê duyệt hoặc ban hành: Thông tư quy định về tổ chức và hoạt động, an toàn hoạt động ngân hàng của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể, phá sản, thanh lý đối với các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng; quy định về thanh tra, giám sát ngân hàng, bảo hiểm tiền gửi.
Xử lý các vấn đề liên quan đến tổ chức, quản trị, điều hành của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nhằm góp phần đảm bảo các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động lành mạnh, an toàn và theo đúng quy định của pháp luật theo phân công của Thống đốc NHNN.
Thanh tra lại vụ việc đã có kết luận của Thanh tra Cục Phòng, chống rửa tiền, Thanh tra, giám sát NHNN chi nhánh nhưng phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật qua xem xét, xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.
Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng còn có nhiệm vụ giúp Thống đốc thực hiện quản lý nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật và phân công của Thống đốc...
Về cơ cấu tổ chức của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng được rà soát, sắp xếp, kiện toàn lại theo hướng tinh gọn, đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đặc biệt là trong việc quản lý, thanh tra, giám sát đối với nhóm các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng có tầm quan trọng hệ thống.
Theo đó, cơ cấu tổ chức của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng từ 8 đơn vị giảm xuống còn 7 đơn vị (giảm 1 đơn vị là Cục Phòng, chống rửa tiền) là: Vụ Thanh tra hành chính (Vụ I); Vụ Chính sách an toàn hoạt động ngân hàng (Vụ II); Văn phòng; Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng I (Cục I); Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II (Cục II); Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng III (Cục III); Cục Giám sát an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng (Cục IV).
Số lượng phòng tại Văn phòng, các Cục giảm từ 30 phòng xuống còn 23 phòng. Sắp xếp, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ giữa các đơn vị thuộc Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng để phù hợp hơn với thực tế triển khai công việc của các đơn vị.
Thống đốc NHNN quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị thuộc Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng.
Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng có Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng và không quá 4 Phó Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng.
Thống đốc NHNN bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng theo đề nghị của Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng và quy định của pháp luật.
Theo NHNN, thời gian qua, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng đã nỗ lực triển khai và cơ bản hoàn thành các công việc được giao trên tất cả các mặt công tác (thanh tra; giám sát; cơ cấu lại và xử lý nợ xấu; củng cố hoạt động hệ thống quỹ tín dụng nhân dân; tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và tội phạm trong ngành Ngân hàng; phòng, chống rửa tiền; xây dựng, phổ biến văn bản quy phạm pháp luật, đề án, quy định, quy trình nghiệp vụ…). Hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng tiếp tục được tăng cường và nâng cao.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, NHNN cũng cho biết, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng còn tồn tại, hạn chế như: Chất lượng tham mưu, xử lý một số công việc liên quan đến cơ cấu lại tổ chức tín dụng chưa được như mong muốn, nhất là việc cơ cấu lại các tổ chức tín dụng có tình trạng yếu kém kéo dài hơn dự kiến; một số trường hợp chưa kịp thời phát hiện các sai phạm của tổ chức tín dụng; việc tham mưu ban hành một số cơ chế, chính sách liên quan đến công tác thanh tra, giám sát còn chưa đạt tiến độ đề ra…
Các tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng nêu trên có nguyên nhân chủ quan, khách quan, nguyên nhân về nhân sự, tổ chức thực hiện nhiệm vụ (chỉ đạo, phân công nhiệm vụ, phối hợp công tác...).
Chính vì vậy, để khắc phục những bất cập trong hoạt động và tổ chức bộ máy, đồng thời để phù hợp với các quy định tại Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022, NHNN thấy cần thiết phải xây dựng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng trực thuộc NHNN để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao.