Theo lý giải của NHNN, cơ sở về hoạt động cho vay qua phương tiện điện tử được quy định tại Điều 97 Luật Các TCTD: TCTD được thực hiện các hoạt động kinh doanh qua việc sử dụng các phương tiện điện tử theo hướng dẫn của NHNN về quản lý rủi ro và quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.
Bên cạnh đó, việc sửa đổi, bổ sung Thông tư 39 cũng phù hợp với đề nghị của TCTD và phù hợp với chủ trương Chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến 2025, định hướng đến năm 2030 của Thống đốc NHNN tại Quyết định số 810/QĐ-NHNN ngày 11/5/2021.
Cũng theo NHNN, để tạo khuôn khổ pháp lý cho hoạt động cho vay qua việc sử dụng các phương tiện điện tử của TCTD đối với khách hàng, dự thảo Thông tư bổ sung một điều quy định chung về hoạt động cho vay qua việc sử dụng các phương tiện điện tử và sửa đổi, bổ sung một số điều khoản khác cho phù hợp với hình thức cho vay qua việc sử dụng các phương tiện điện tử.
“Đồng thời, cho vay qua việc sử dụng các phương tiện điện tử khác cho vay bằng phương tiện truyền thống ở hình thức cho vay. Do đó, cho vay qua việc sử dụng các phương tiện điện tử phải tuân thủ đầy đủ các quy định tại Luật Các TCTD, Thông tư 39, các quy định của pháp luật liên quan và các quy định nội bộ của TCTD” – NHNN nhấn mạnh.
Theo đó, Điều 24a được đề xuất bổ sung sau Điều 24 của Dự thảo Thông tư, cụ thể như sau:
TCTD thực hiện cho vay qua việc sử dụng các phương tiện điện tử phải xây dựng, ban hành, công khai quy trình, hồ sơ, thủ tục cho vay bằng phương tiện điện tử phù hợp với quy định tại Thông tư này, quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền, pháp luật về giao dịch điện tử, các quy định pháp luật liên quan để đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin khách hàng và an toàn hoạt động của TCTD.
TCTD thực hiện cho vay qua việc sử dụng các phương tiện điện tử phải thực hiện quản lý, kiểm soát, đánh giá rủi ro các quy trình nghiệp vụ được thực hiện tự động hóa, trong đó cần áp dụng các mô hình giám sát rủi ro và cảnh báo sớm để kịp thời có biện pháp ngăn chặn các hành vi gian lận.
Trường hợp để nhận biết và xác minh khách hàng vay vốn qua việc sử dụng các phương tiện điện tử, TCTD phải có biện pháp, hình thức công nghệ để thu thập, kiểm tra, đối chiếu, đảm bảo sự khớp đúng giữa thông tin nhận biết khách hàng, dữ liệu sinh trắc học của khách hàng với các thông tin, yếu tố sinh trắc học tương ứng trên các giấy tờ tùy thân gắn với khách hàng hoặc với dữ liệu định danh cá nhân được xác thực bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc bởi tổ chức cung ứng dịch vụ định danh và xác thực điện tử được cấp phép hoặc với thông tin tại kho dữ liệu khách hàng của TCTD.
TCTD phải lưu giữ, bảo quản hồ sơ cho vay qua việc sử dụng các phương tiện điện tử, đảm bảo an toàn, bảo mật, được sao lưu dự phòng, đảm bảo tính đầy đủ, toàn vẹn của hồ sơ và cho phép truy cập, sử dụng khi cần thiết.
Bên cạnh nội dung về hoạt động cho vay qua việc sử dụng các phương tiện điện tử, dự thảo Thông tư cũng đề xuất bổ sung một số quy định liên quan đến cho vay phục vụ nhu cầu đời sống; cho vay phục vụ hoạt động kinh doanh, hoạt động khác; phương án, dự án thực hiện hoạt động kinh doanh; những nhu cầu vốn không được cho vay; đồng tiền cho vay, trả nợ; lãi suất cho vay…