Sau quá trình tham vấn các bên liên quan, Cơ quan Quản lý tiền tệ Singapore (MAS) nhận được sự ủng hộ rộng rãi trong việc nâng hạn mức bảo hiểm tiền gửi (BHTG) đối với các khoản tiền gửi tiết kiệm, đồng thời, mở rộng phạm vi bảo vệ chủ sở hữu bảo hiểm. Theo đó, trong trường hợp công ty bảo hiểm bị phá sản, chủ phương tiện cá nhân tham gia bảo hiểm cũng sẽ được chi trả.
Tăng hạn mức BHTG lên 75.000 đôla Singapore
Dự luật sửa đổi, bổ sung Đạo luật BHTG và Bảo vệ chủ sở hữu bảo hiểm sẽ tăng hạn mức BHTG từ 50.000 đôla Singapore (tương đương khoảng hơn 37.200 đô la Mỹ) hiện tại lên 75.000 đôla Singapore (tương đương khoảng hơn 55.800 đô la Mỹ). Việc tăng hạn mức BHTG dự kiến sẽ giúp tăng tỷ lệ người gửi tiền được bảo hiểm toàn bộ từ 87% lên hơn 90%, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế.
Cùng với việc tăng hạn mức BHTG, quỹ BHTG của Singapore cần được củng cố để có thể đảm bảo khả năng chi trả. Do đó, Tổng công ty BHTG Singapore (SDIC) sẽ phải gia tăng quy mô quỹ BHTG trong giai đoạn 2020-2028. Dự kiến, phí BHTG thường niên sẽ được điều chỉnh tăng nhẹ với mức tăng không quá 1 điểm phần trăm so với hiện tại.
Mở rộng phạm vi bảo hiểm của Cơ chế bảo vệ chủ hợp đồng bảo hiểm (PPF Scheme)
Dự luật nói trên còn giới thiệu định nghĩa về chính sách bảo hiểm “cá nhân” dành cho các tài sản thuộc quyền sở hữu cá nhân. Theo đó, cơ chế bảo vệ chủ sở hữu bảo hiểm (PPF Scheme) sẽ mở rộng phạm vi nhận bồi thường phát sinh từ thiệt hại của những tài sản thuộc sở hữu cá nhân, ngay cả khi những tài sản đó được sử dụng vì mục đích thương mại. Sự thay đổi này cho thấy MAS cũng như SDIC đã nhận thức xu hướng sở hữu tài sản cá nhân vì mục đích thương mại ngày một tăng, và những chủ sở hữu này xứng đáng được bảo vệ; ví dụ như: ô tô thuộc sở hữu cá nhân được sử dụng cho thuê / tặng thưởng, bất động sản thuộc sở hữu tư nhân cho thuê làm văn phòng. Cụ thể, mức chi trả bảo hiểm tối đa đối với yêu cầu bồi thường cho xe cơ giới cá nhân là 50.000 đôla Singapore (tương đương hơn 37.000 đôla Mỹ), và mức tối đa đối với bất động sản, nội thất, thiết bị thuộc sở hữu tư nhân là 300.000 đô la Singapore (tương đương hơn 224.000 đôla Mỹ) v.v. MAS cũng nhận thức rõ rằng có thể sẽ có chưa đến 1% bồi thường bảo hiểm thiệt hại về tài sản sẽ vượt quá hạn mức. Tuy nhiên, MAS vẫn rất cảnh giác để hạn chế những yêu cầu đòi hỏi bồi thường bảo hiểm có giá trị cao làm ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của Quỹ.
Tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chi trả
Dự luật lần này được thiết kế nhằm đẩy nhanh quá trình chi trả cũng như đề cập đến việc nâng cao hiệu quả và tính minh bạch trong hoạt động BHTG thông qua việc miễn trừ trách nhiệm đối với các lãnh đạo, cán bộ, đại diện và người lao động tại SDIC khi thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ một cách ngay tình; yêu cầu cơ quan thực hiện thanh lý phải phối hợp với SDIC; làm rõ quyền khấu trừ chi phí của SDIC đối với các tài sản; nghiêm cấm các pháp nhân và đại diện thuộc SDIC và MAS mua lại tài sản của các tổ chức tham gia BHTG bị đổ vỡ; đảm bảo độ chính xác của thông tin do tổ chức tham gia BHTG báo cáo tới SDIC và MAS. MAS cũng đề nghị cho phép SDIC được lập kế hoạch tài chính 3 năm một lần nhằm đưa ra được các kế hoạch và chiến lược dài hạn hơn cho tổ chức. Dự luật cũng yêu cầu bên thanh lý phải tích cực hợp tác với SDIC nhằm tạo điều kiện chi trả được nhanh chóng.
Nếu Quốc hội nước này thông qua, những thay đổi trong Dự luật sẽ có hiệu lực từ ngày 1/4/2019. Trước khi đệ trình lên Quốc hội, Cơ quan Quản lý tiền tệ Singapore (MAS) đã tiến hành các vòng tham vấn cộng đồng vào tháng 9/2014, tháng 4/2017 và tháng 8/2017 về những đề xuất, sửa đổi đối với Đạo luật BHTG và bảo vệ chủ sở hữu bảo hiểm của Singapore (Deposit insurance and Policy Owners’ Protection Scheme Act - DI-PPF Act). Quá trình này đã cho thấy sự ủng hộ rộng rãi cũng như ghi nhận nhiều phản hồi của cộng đồng trong việc hoàn thiện dự luật. Những sửa đổi được đề xuất với mục tiêu tăng cường bảo vệ quyền lợi người gửi tiền cũng như các chủ sở hữu bảo hiểm, qua đó nâng cao hiệu quả hoạt động của chính sách bảo vệ người sử dụng các dịch vụ tài chính tại nước này.
Cơ chế BHTG của Singapore đi vào hoạt động từ năm 2006 còn cơ chế Bảo vệ chủ sở hữu bảo hiểm của Singapore được thực hiện từ năm 2011 với sứ mệnh bảo vệ người gửi tiền nhỏ lẻ và những chủ sở hữu hợp pháp tại một tổ chức tín dụng tham gia BHTG hoặc là khách hàng của một công ty bảo hiểm đã đổ vỡ. Theo đó, các tổ chức tín dụng tham gia BHTG phải đóng phí thường niên cho Quỹ BHTG (Quỹ DI) và Quỹ Bảo vệ chủ sở hữu bảo hiểm của Singapore (Quỹ PPF) và SDIC là cơ quan quản lý hai nguồn quỹ này. |
Đ.T.T
Nguồn:
https://www.sdic.org.sg/SDIC/apps/services/www/SDICSecureApp/desktopbrowser/default/