Tăng hạn mức BHTG để bảo vệ tốt hơn quyền lợi người gửi tiền
Hạn mức bảo hiểm 50.000 đô la Singapore được thiết lập vào năm 2011 nhưng kể từ đó, tỷ lệ người gửi tiền được bảo hiểm toàn bộ đã giảm xuống còn 87% do thu nhập tăng và tiết kiệm cao hơn. “Việc khôi phục lại tỷ lệ bảo hiểm toàn bộ trên 90% sẽ giúp cơ chế BHTG Singapore phù hợp hơn với các tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế” - SDIC cho hay. Bộ Tài chính nước này xem xét hạn mức bảo hiểm 05 năm một lần để kiểm tra tính phù hợp của hạn mức này với thực trạng tiền gửi vào thời điểm đó.
Cơ chế BHTG đã đi vào hoạt động như một phần của việc thực thi Đạo luật BHTG, có hiệu lực từ tháng 10/2005. Hạn mức bảo hiểm là 20.000 đô la Singapore (khoảng gần 15.000 đô la Mỹ) vào thời điểm đó. Đạo luật này sau đó đã bị bãi bỏ và được thay thế bằng Đạo luật BHTG và bảo vệ chủ sở hữu hợp đồng bảo hiểm năm 2011, có hiệu lực từ tháng 5/2011. Theo Đạo luật này, cơ chế BHTG đã được tăng cường để mở rộng hạn mức bảo hiểm lên 50.000 đô la Singapore.
Cơ chế BHTG bảo vệ cho tiền gửi bằng đồng đô la Singapore ở các hình thức:
- Tiền gửi tiết kiệm, tài khoản tiền gửi vãng lai và cố định
- Tài khoản khách hàng và ủy thác
- Tài khoản thuộc Đề án đầu tư CPF
- Tài khoản chế độ hưu trí CPF
- Tài khoản chế độ hưu trí bổ sung
- Tài khoản Wadiah (với các ngân hàng/tổ chức tài chính Hồi giáo)
- Tài khoản Murabaha (với các ngân hàng/tổ chức tài chính Hồi giáo)
Tiền gửi ngoại tệ, tiền gửi cấu trúc và các sản phẩm đầu tư như tín thác đơn vị, cổ phiếu và chứng khoán khác không được bảo hiểm. Người gửi tiền được bảo hiểm một cách tự động và không cần phải nộp bất kỳ đơn từ xin bảo hiểm hoặc trả bất kỳ phí bảo hiểm nào. “Trong trường hợp ngân hàng hoặc công ty tài chính đổ vỡ, người gửi tiền không cần phải có các hành động đòi bồi thường, nhưng để có thể theo dõi thông báo qua các phương tiện thông tin đại chúng về cách thức bồi thường sẽ được thực hiện” - SDIC cho biết.
Hơn 90% người gửi tiền được bảo vệ toàn bộ với hạn mức mới
Với hạn mức 75.000 đô la Singapore mới đi vào hiệu lực, hơn 90% người gửi tiền sẽ được bảo hiểm toàn bộ - Giám đốc điều hành SDIC, bà Denise Wong nhấn mạnh. “Những cải tiến gần đây là cần thiết để giữ cho cơ chế BHTG phù hợp với nhu cầu thường xuyên thay đổi của người tiêu dùng và bảo vệ đầy đủ cho người gửi tiền”- bà Denise Wong cho biết thêm. Kể từ ngày 01/4/2019, tiền gửi sẽ được bảo hiểm sẽ với tổng hạn mức 75.000 đô la Singapore cho mỗi người gửi tại mỗi tổ chức tài chính, bất kể họ có bao nhiêu tài khoản tại tổ chức đó.
- Tiền gửi tiết kiệm và tài khoản vãng lai được bảo hiểm với tổng hạn mức lên tới 75.000 đô la Singapore.
- Tài khoản khách hàng và ủy thác: trên cơ sở mỗi tài khoản được bảo hiểm tới 75.000 đô la Singapore mà không bao gồm cộng gộp các tài khoản. Tiền gửi theo Cơ chế đầu tư CPF và Cơ chế tổng hợp hưu trí CPF được cộng gộ[ và bảo hiểm với hạn mức 75.000 đô la Singapore cho mỗi loại tài khoản.
- Đối với công ty sở hữu một thành viên, tài khoản cá nhân đủ điều kiện được bảo hiểm sẽ được cộng gộp với các tài khoản kinh doanh đủ điều kiện bảo hiểm của chủ sở hữu duy nhất với tổng hạn mức là 75.000 đô la Singapore.
SDIC được thành lập năm 2006 và hoạt động theo Luật doanh nghiệp để quản lý cơ chế BHTG. Hội đồng quản trị của SDIC chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng phụ trách của Bộ tài chính. Sau khi Đạo luật BHTG và chủ sở hữu hợp đồn bảo hiểm có hiệu lực vào năm 2011, SDIC đã phải hoạt động và triển khai cả hai chương trình này. Vai trò chính của SDIC là thu phí từ các thành viên của cả hai chương trình, chi trả cho người gửi tiền, chủ sở hữu hợp đồng hoặc người thụ hưởng có liên quan và bên thứ ba, và giáo dục cộng đồng về cả hai chương trình bảo hiểm này. Chương trình bảo vệ của chủ sở hữu hợp đồng bao gồm các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm nói chung trong trường hợp đổ vỡ một công ty bảo hiểm nhân thọ hoặc bảo hiểm nói chung. Một sửa đổi quan trọng trong thông báo mới nhất của SDIC là các chính sách bảo hiểm xe cộ và tài sản được mua bởi cá nhân sẽ có hiệu lực ngay cả khi xe cộ hoặc tài sản được sử dụng cho mục đích thương mại. SDIC bảo hiểm cho các tài khoản tiền gửi bằng đồng nội tệ, ví dụ như tài khoản tiết kiệm, tài khoản tiền gửi không kỳ hạn tại các ngân hàng hoặc công ty tài chính. SDIC có nhiệm vụ và quyền hạn bảo vệ lợi ích của người gửi tiền, đặc biệt là người gửi tiền nhỏ lẻ khi xảy ra đổ vỡ tổ chức tín dụng. Tất cả các ngân hàng và công ty tài chính tại Singapore có nghĩa vụ tham gia BHTG bắt buộc, trừ trường hợp được miễn trừ do Bộ Tài chính nước này quy định. Cơ chế BHTG có hiệu lực đối với người gửi tiền cá nhân, cũng như người gửi tiền phi ngân hàng như công ty sở hữu một thành viên, các công ty thương mại, hiệp hội và tổ chức xã hội. |