Cơ chế cấp vốn trước giúp các tổ chức BHTG kiểm soát tốt hơn nhu cầu về nguồn vốn, từ đó giúp việc lập kế hoạch chi trả tốt hơn; nguồn vốn sẵn có giúp quá trình chi trả diễn ra nhanh chóng. Từ đó đảm bảo sự an toàn của tiền gửi của người gửi tiền, củng cố niềm tin của công chúng đối với hệ thống BHTG và sự ổn định của hệ thống tài chính. Ngoài ra, cơ chế cấp vốn trước ưu việt hơn cơ chế cấp vốn sau do phí bảo hiểm tích lũy trong điều kiện kinh tế ổn định giúp tránh suy yếu thêm ngành ngân hàng khi kinh tế bước vào thời kỳ căng thẳng.
Bên cạnh nhiệm vụ chính là chi trả tiền gửi được bảo hiểm, tổ chức BHTG tùy theo mô hình hoạt động và quy định pháp lý tại nước sở tại có thể có thêm một số nhiệm vụ khác như tham gia vào quá trình xử lý tổ chức tham gia BHTG có vấn đề. Theo Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF)[1], có nhiều ý kiến ủng hộ việc sử dụng quỹ BHTG theo cơ chế cấp vốn trước ngoài để chi trả cho người gửi tiền khi thanh lý, còn có thể sử dụng để hỗ trợ xử lý ngân hàng. Tuy nhiên, mục tiêu chính của tổ chức BHTG là chi trả các khoản tiền gửi được bảo hiểm dù tổ chức đó có nhiệm vụ chi trả đơn thuần hay có thêm nhiệm vụ xử lý. Vì vậy, để bảo vệ Quỹ BHTG khỏi những rủi ro của quá trình xử lý và đảm bảo nhiệm vụ chính của quỹ là chi trả tiền gửi được bảo hiểm, cần áp dụng các biện pháp bảo vệ quỹ. Các biện pháp thường được các tổ chức BHTG quốc tế sử dụng bao gồm đánh giá theo nguyên tắc chi phí tối thiểu và có nguồn vốn dự phòng được đảm bảo từ chính phủ. Đánh giá theo nguyên tắc chi phí tối thiểu đảm bảo rằng chi phí mà Quỹ BHTG sử dụng cho một sự kiện xử lý không cao hơn chi phí mà Quỹ BHTG chi trả cho người gửi tiền được bảo hiểm của tổ chức được xử lý đó, trừ đi các khoản thu hồi tiềm năng. Ngoài ra, cần thiết đặt ra một giới hạn để quỹ bảo hiểm tiền gửi không giảm xuống dưới một mức nhất định, ví dụ 50% tỷ lệ quỹ mục tiêu. Về vấn đề này, IADI cũng khuyến nghị việc dùng quỹ BHTG cho quá trình xử lý chỉ được giới hạn ở mức không vượt quá số tiền mà tổ chức BHTG lẽ ra phải dùng để chi trả trừ đi phần giá trị tài sản được thu hồi trong trường hợp áp dụng phương án thanh lý thay vì xử lý ngân hàng.[2] Các biện pháp bảo vệ này sẽ giúp đảm bảo quỹ BHTG không bị sử dụng quá mức, dẫn đến có thể làm xói mòn niềm tin của người gửi tiền đối với hệ thống BHTG. Ngoài ra, việc sử dụng quỹ bảo hiểm tiền gửi trong xử lý chỉ được thực hiện nếu khung pháp lý điều chỉnh BHTG cho phép.
Tổ chức BHTG tham gia vào quá trình xử lý đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự ổn định tài chính và giảm rủi ro rút tiền hàng loạt. Khi đó, nguồn quỹ được tích lũy và có sẵn để chi trả BHTG cũng cần có sẵn để hỗ trợ xử lý tổ chức tham gia BHTG. Tuy nhiên, nguồn vốn của BHTG thường không đủ để đáp ứng nhu cầu xử lý trong các trường hợp khủng hoảng hệ thống. Giống như tất cả các loại hình bảo hiểm khác, các Quỹ BHTG thường được thiết kế để lấy phần đóng góp của số đông bù đắp rủi ro số ít, không phải để đối phó với việc xử lý một ngân hàng có tầm ảnh hưởng hệ thống hoặc khủng hoảng hệ thống ngân hàng. Những sự kiện này thường đòi hỏi nhiều nguồn lực đáng kể hơn so với nguồn quỹ BHTG sẵn có. Để giải quyết vấn đề này, IMF khuyến nghị thiết lập một quỹ riêng biệt để xử lý các rủi ro hệ thống. Mục tiêu của quỹ xử lý riêng biệt nhằm (i) hỗ trợ cho Quỹ BHTG, (ii) bảo vệ các chủ nợ không có bảo hiểm khi cần thiết, và (iii) ngăn chặn sự lây lan và duy trì sự ổn định tài chính trong quá tình xử lý. Một quỹ xử lý riêng biệt giúp hệ thống BHTG tránh khỏi các khoản nợ tiềm tàng lớn thường phát sinh khi một ngân hàng có tầm quan trọng hệ thống đổ vỡ, từ đó giúp người gửi tiền tin tưởng vào hệ thống BHTG.
Theo khảo sát của Ngân hàng thanh toán quốc tế (BIS) năm 2019[3] với 53 tổ chức BHTG, có 21 tổ chức chỉ sử dụng nguồn quỹ vào chi trả đơn thuần và 32 tổ chức (khoảng 60%) sử dụng nguồn lực vào cả chi trả và quá trình xử lý. Trong đó, 14/32 tổ chức (44%) có sẵn quỹ xử lý riêng biệt với Quỹ BHTG. Tại Hàn Quốc, nhằm đảm bảo năng lực tài chính của Quỹ BHTG trong quá trình tái cơ cấu, Quốc hội Hàn Quốc năm 2011 đã ban hành một Đạo luật quy định: bên cạnh 6 tài khoản BHTG riêng biệt cho 6 loại hình tổ chức tham gia BHTG, Tổng công ty BHTG Hàn Quốc (KDIC) thiết lập một tài khoản đặc biệt cho việc tái cơ cấu ngân hàng tiết kiêm tương hỗ (mutual saving banks). Theo đó, 55% thu nhập thu được từ phí hàng năm được phân bổ cho Tài khoản quỹ BHTG của 6 loại hình tổ chức tham gia BHTG, 45% thu nhập từ phí còn lại được phân bổ cho tài khoản đặc biệt này.
Cơ cấu tài khoản đặc biệt cụ thể như sau:
[1] IMF (2018), “Nguồn vốn xử lý lấy từ đâu khi tổ chức tài chính đổ vỡ?”
[2] IADI (2014), Bộ nguyên tắc cơ bản phát triển hệ thống BHTG hiệu quả, Nguyên tắc 9
[3] BIS (2019), Quản lý đổ vỡ ngân hàng – Vai trò của tổ chức BHTG
Bài học kinh nghiệm với Việt Nam
BHTGVN áp dụng cơ chế cấp vốn trước như hầu hết các tổ chức BHTG trên thế giới, theo đó các tổ chức tham gia BHTG đóng phí cho BHTGVN với mức phí đồng hạng 0,15%/năm. Theo quy định tại Thông tư 312/2016/TT-BTC quy định chế độ tài chính đối với BHTGVN, Quỹ dự phòng nghiệp vụ của BHTGVN chỉ sử dụng để chi trả bảo hiểm cho người gửi tiền. Tuy nhiên, Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật các TCTD năm 2017 (sau đây gọi là Luật các TCTD 2017), vai trò của BHTGVN tiếp tục được nâng cao một bước khi được tham gia sâu hơn vào quá trình tái cơ cấu các TCTD yếu kém với một số quyền hạn mới nhằm bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, gồm: cho vay đặc biệt đối với các TCTD được kiểm soát đặc biệt, mua trái phiếu của TCTD hỗ trợ và tham gia đánh giá tính khả thi Phương án phục hồi của QTDND, tổ chức tài chính vi mô và công ty tài chính. Như vậy, Quỹ dự phòng nghiệp vụ của BHTGVN ngoài chi trả tiền gửi được bảo hiểm, sẽ có thể được sử dụng để cho vay đặc biệt đối với các TCTD được kiểm soát đặc biệt và mua trái phiếu của TCTD hỗ trợ.
Về các biện pháp bảo vệ Quỹ BHTG, Luật BHTG đã quy định BHTGVN có thể tiếp cận các nguồn vốn dự phòng như tiếp nhận hỗ trợ theo nguyên tắc có hoàn trả từ ngân sách nhà nước theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ hoặc vay của tổ chức tín dụng, tổ chức khác có bảo lãnh của Chính phủ trong trường hợp nguồn vốn của tổ chức BHTG tạm thời không đủ để trả tiền bảo hiểm; tiếp nhận các nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài để tăng cường năng lực hoạt động. Tuy nhiên, hiện văn bản pháp lý không nêu rõ thời hạn để NHNN chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc hỗ trợ từ ngân sách nhà nước hoặc bảo lãnh cho BHTGVN vay vốn của TCTD, tổ chức khác. Ngoài ra, BHTGVN chưa có phương án/cơ chế cụ thể cho việc tiếp cận các nguồn vốn khẩn cấp. Điều này có thể làm chậm trễ việc giải ngân số vốn này trong trường hợp Quỹ dự phòng nghiệp vụ không đủ khi thực hiện công tác chi trả BHTG cũng như các nhiệm vụ khác mà BHTGVN được giao.
Từ kinh nghiệm quốc tế cho thấy để sử dụng hiệu quả quỹ BHTG phù hợp với nhiệm vụ mới của BHTGVN khi tham gia sâu hơn vào quá trình tái cơ cấu TCTD yếu kém, cần thực hiện những giải pháp sau:
Thứ nhất, bổ sung quy định về quy trình cụ thể và thời hạn để NHNN chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc hỗ trợ từ ngân sách nhà nước hoặc bảo lãnh cho BHTGVN vay vốn của TCTD, tổ chức khác. BHTGVN lập phương án/cơ chế cụ thể cho việc tiếp cận các nguồn vốn khẩn cấp để chủ động khi thiếu hụt quỹ.
Thứ hai, đặt ra một tỷ lệ giới hạn (30% - 45%) đối với việc sử dụng Quỹ dự phòng nghiệp vụ vào các hoạt động xử lý như cho vay đặc biệt và mua trái phiếu của TCTD hỗ trợ hoặc phân tách Quỹ dự phòng nghiệp vụ hiện nay thành Quỹ BHTG và Quỹ tái cơ cấu cũng theo một tỷ lệ giới hạn nhất định để đảm bảo đủ nguồn lực chi trả khi phát sinh sự kiện bảo hiểm.
Thứ ba, nghiên cứu thiết lập việc đánh giá trước khi đưa ra quyết định cho vay đặc biệt hay mua trái phiếu TCTD hỗ trợ theo nguyên tắc chi phí tối thiểu đảm bảo rằng chi phí khi sử dụng Quỹ để tham gia vào quá trình tái cơ cấu TCTD có vấn đề không cao hơn chi phí mà Quỹ chi trả cho người gửi tiền được bảo hiểm của TCTD đó trừ đi các khoản thu hồi tiềm năng. Nếu chi phí cao hơn, BHTGVN có quyền từ chối cho vay và đề xuất NHNN chuyển sang giai đoạn xử lý pháp nhân.
Tài liệu tham khảo:
- Hiệp hội BHTG quốc tế IADI (2014), Bộ nguyên tắc cơ bản phát triển hệ thống BHTG hiệu quả
- Quỹ tiền tệ quốc tế IMF (2018), “Nguồn vốn xử lý lấy từ đâu khi tổ chức tài chính đổ vỡ?”
- Ngân hàng Thanh toán quốc tế BIS (2019), Quản lý đổ vỡ ngân hàng – Vai trò của tổ chức BHTG
- Website của Tổng công ty BHTG Hàn Quốc KDIC