Trên thực tế, thay đổi hạn mức BHTG là một cấu phần không thể thiếu trong tổng thể giải pháp chính sách nhằm ứng phó với khủng hoảng tài chính. Chính sách thay đổi hạn mức BHTG đã được nhiều nước sử dụng linh hoạt nhằm duy trì niềm tin của công chúng vào hệ thống tài chính ngân hàng trong những giai đoạn nền kinh tế gặp khó khăn.
Hạn mức BHTG trong giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu
Trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, các nước đã đưa ra nhiều giải pháp để giải quyết khủng hoảng tài chính. Các giải pháp này liên quan đến những thay đổi trong các lĩnh vực khác nhau, từ hoạt động BHTG, hỗ trợ thanh khoản thông qua thị trường liên ngân hàng, cho đến hỗ trợ vốn dài hạn cho thị trường, và các hoạt động tăng cường giám sát quản lý hệ thống. Trong đó có nhóm giải pháp nhằm duy trì niềm tin của công chúng vào hệ thống tài chính ngân hàng do các tổ chức BHTG thực hiện. Giải pháp chính sách đưa ra là nâng hạn mức BHTG hoặc các khoản chính phủ cam kết bảo lãnh toàn bộ nhằm ngăn chặn không cho tình trạng sụt giảm niềm tin gia tăng, phòng ngừa tình trạng rút tiền hàng hoạt, duy trì lượng tiền gửi tại các ngân hàng. Song song với hình thức nâng hạn mức BHTG, bảo đảm và cam kết của Chính phủ là biện pháp xử lý êm thấm những ngân hàng có nguy cơ đổ vỡ cao.
Các nước tăng hạn mức bảo hiểm tiền gửi trong giai đoạn khủng hoảng 2008-2009
Bảo hiểm tiền gửi toàn bộ |
Nâng cao hạn mức bảo hiểm tiền gửi |
|
Áo |
Dài hạn |
Tạm thời |
Đan Mạch |
Albania |
Áo |
Đức |
Bỉ |
Brazil |
Hy Lạp |
Bulgaria |
Hà Lan |
Hồng Kông |
Croatia |
New Zealand |
Hungary |
Đảo Sýp |
Thụy Sĩ |
Iceland |
Công hòa Séc |
Ukraine |
Ai-len |
Estonia |
Mỹ |
Jordan |
Phần Lan |
|
Kuwait |
Indonesia |
|
Malaysia |
Kazakhstan |
|
Montenegro |
Latvia |
|
Mông cổ |
Lithuania |
|
Bồ Đào Nha |
Luxembourg |
|
Singapore |
Malta |
|
Slovakia |
Philippines |
|
Slovenia |
Ba Lan |
|
Thái Lan |
Romania |
|
Các tiểu vương quôc Ả Rập thống nhất |
Nga |
|
Serbia |
|
|
Tây Ban Nha |
|
|
Thụy Điển |
|
|
Anh |
|
|
Tổng cộng: 19 |
Tổng cộng: 22 |
Tổng cộng: 7 |
Nguồn: Hướng dẫn nâng cao về phát triển hệ thống BHTG hiệu quả - Hạn mức
bảo hiểm tiền gửi, IADI, 2013
Trong giai đoạn này, các quốc gia có xu hướng chuyển sang BHTG toàn bộ hoặc duy trì hạn mức BHTG ở mức rất cao (xét trên giá trị tuyệt đối). Điều này khẳng định cam kết của Chính phủ trong việc bảo vệ người gửi tiền thông qua tổ chức BHTG; thể hiện sự ứng phó kịp thời và nhanh nhạy của các cơ quan chức năng liên quan trong cuộc chiến chống khủng hoảng, suy thoái kinh tế và bình ổn hệ thống vĩ mô. Người gửi tiền nằm trong giới hạn chi trả được cam kết sẽ có tâm lý yên tâm duy trì lượng tiền gửi tại ngân hàng và đây là một trong những điều kiện tiên quyết góp phần ổn định hoạt động ngân hàng.
Hạn mức BHTG khi giá dầu giảm mạnh
Dư cung toàn cầu do sự bùng nổ dầu đá phiến tại Mỹ đã khiến giá dầu lao dốc từ giữa năm 2014. Giữa năm 2014, một thùng dầu có giá 110 USD. Nhưng đến đầu năm 2016, giá chỉ quanh 30 USD trong bối cảnh nhu cầu yếu và nguồn cung từ Iran sắp tràn vào thị trường sau khi các lệnh trừng phạt quốc tế bị gỡ bỏ. Việc giá dầu thế giới liên tục giảm mạnh đã làm suy giảm tăng trưởng GDP, giảm nguồn thu của Chính phủ, gây suy yếu cán cân thanh toán quốc gia và làm giảm tỉ giá đồng nội tệ của nhiều nước. Hệ thống tài chính ngân hàng của các nước phụ thuộc vào xuất khẩu dầu mỏ, theo đó cũng bị ảnh hưởng nặng nề, gia tăng rủi ro tác động đến hoạt động kinh doanh và sự ổn định của các ngân hàng.
Tại Nga, ngoài chịu ảnh hưởng nặng nề của việc giảm giá dầu, nền kinh tế và hệ thống ngân hàng Nga còn bị ảnh hưởng lớn bởi cấm vận từ Mỹ và EU, khiến vốn chảy ra nước ngoài và đồng nội tệ mất giá nghiêm trọng. Chính phủ đã thi hành một gói các giải pháp đối phó với khủng hoảng. Từ tháng 12/2014, một loạt các luật sửa đổi nhằm duy trì sự ổn định của hệ thống ngân hàng và bảo vệ lợi ích của người gửi tiền đã được thông qua, trong đó công cụ chính sách hạn mức BHTG đã được sử dụng. Hạn mức BHTG cho tiền gửi của cá nhân và cá nhân tự doanh được tăng gấp đôi lên mức 1,4 triệu RUB (khoảng 24.500 USD) đã góp phần tăng cường niềm tin người gửi tiền, tránh hiện tượng rút tiền hàng loạt gây trầm trọng thêm những vấn đề của hệ thống ngân hàng.
Đối với Azerbaizan, trước sự tụt dốc của giá dầu và việc phá giá đồng nội tệ gây ảnh hưởng đến nền kinh tế, đầu năm 2016, Quốc hội đã nhanh chóng thông qua những chính sách nhằm hỗ trợ cho hệ thống ngân hàng, trong đó có chính sách quan trọng liên quan đến bảo hiểm tiền gửi. Đầu tiên là việc mở rộng phạm vi bảo hiểm và nâng hạn mức, theo đó, tiền gửi bằng nội tệ với lãi suất dưới 12%/năm và tiền gửi ngoại tệ với lãi suất dưới 3%/năm được bảo hiểm toàn bộ từ 1/3/2016 trong vòng 3 năm. Trước đó, hạn mức BHTG là 30.000 Mantas (khoảng 19.800 USD). Đối với tiền gửi nội tệ lãi suất lớn hơn 12%/năm và ngoại tệ lãi suất lớn hơn 3%/năm, nếu hợp đồng tiền gửi chưa hết hạn, người gửi tiền có quyền yêu cầu ngân hàng điều chỉnh lãi suất trên hợp đồng để tiền gửi nằm trong giới hạn lãi suất trên và được hưởng BHTG. Nếu có thay đổi về lãi suất, người gửi tiền được thanh toán đầy đủ lãi cộng dồn tính theo lãi suất trước khi điều chỉnh tính đến ngày hợp đồng được điều chỉnh.
Tại Nigeria, do giá dầu giảm và nợ xấu của các ngân hàng dầu khí tăng cao đã khiến ngân hàng lớn thứ 8 tại Nigeria là Ngân hàng Skye đổ vỡ. Trước khi Ngân hàng Skye đổ vỡ một tháng, Ngân hàng trung ương Nigeria đã phải trấn an tâm lý người gửi tiền với cam kết: “Tất cả tiền gửi đều an toàn”. Tháng 8/2018, ngay sau khi Ngân hàng Skye đổ vỡ, Tổng công ty bảo hiểm tiền gửi Nigeria đã tăng hạn mức trả tiền bảo hiểm tiền gửi từ 200.000 Naira (khoảng 540 USD) - được duy trì suốt từ năm 2010 - lên 500.000 Naira (khoảng 1.600 USD) nhằm cải thiện cơ chế bảo hiểm, giúp bảo vệ 99% người gửi tiền. Động thái chính sách điều chỉnh hạn mức này thể hiện cho việc thực hiện cam kết bảo vệ quyền lợi của khách hàng của Chính phủ Nigeria.
Hạn mức BHTG tại Anh khi đồng bảng Anh mất giá do Brexit
Việc đồng bảng Anh mất giá so với đồng tiền trong khu vực và đồng đô la Mỹ sau sự kiện nước Anh bỏ phiếu rút khỏi EU (Brexit) đã ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của người gửi tiền trong nước. Để tăng cường bảo vệ quyền lợi cho người gửi tiền, Ngân hàng trung ương Anh đã đưa ra các biện pháp, trong đó có việc nâng hạn mức tiền gửi được bảo hiểm. Bắt đầu từ ngày 30/1/2017, hạn mức bảo hiểm cho người gửi tiền là cá nhân có tiền gửi tại các ngân hàng, hiệp hội xây dựng và hiệp hội tín dụng ở Anh được tăng từ 75.000 bảng Anh, lên mức 85.000 bảng Anh (tương đương 102.548 USD). Hạn mức mới này bảo vệ được khoảng 98% số người gửi tiền ở Anh.
Trước đó, hạn mức 85.000 bảng Anh từng được áp dụng trong vòng gần 5 năm, cho đến tháng 7/2015. Vào tháng 7/2015 hạn mức được giảm xuống mức 75.000 bảng Anh nhằm giữ cho hạn mức BHTG ở Anh phù hợp với các nước khác trong khối EU, khi đồng bảng Anh mạnh lên vào thời điểm này.
Hàm ý đối với Việt Nam
Từ kinh nghiệm của các nước trong việc linh hoạt điều chỉnh hạn mức bảo hiểm tiền gửi trong từng thời kỳ, có thể thấy:
Chính sách tăng hạn mức là biện pháp không thực sự phải bỏ chi phí (nếu duy trì được niềm tin và không xảy ra đổ vỡ ngân hàng) nhưng lại là công cụ quan trọng để duy trì niềm tin của tổ chức BHTG.
Các quốc gia có hạn mức BHTG đủ lớn và tiếp cận nhanh chóng với khoản tiền gửi được bảo hiểm sẽ giúp ngăn ngừa hiệu quả hoảng loạn rút tiền hàng loạt, từ đó giảm thiểu tác động của khủng hoảng tài chính.
Đối với mỗi quốc gia, việc thay đổi hạn mức BHTG từng thời kỳ là một trong những yếu tố quyết định đến hiệu quả triển khai chính sách, củng cố niềm tin của người gửi tiền vào hệ thống tài chính và ngăn ngừa nguy cơ rút tiền hàng loạt. Vì vậy, việc duy trì hạn mức BHTG phù hợp sẽ cải thiện niềm tin của người gửi tiền đối với hệ thống ngân hàng và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Tài liệu tham khảo
Đề tài nghiên cứu “Hệ thống bảo hiểm tiền gửi trong tái cấu trúc hệ thống tài chính sau khủng hoảng và ứng dụng đối với Việt Nam”, BHTGVN, 2010.
Hướng dẫn nâng cao về phát triển hệ thống bảo hiểm tiền gửi hiệu quả - Hạn mức bảo hiểm tiền gửi, IADI, 2013.
https://vnexpress.net/kinh-doanh/nhung-cuoc-khung-hoang-gia-dau-lon-nhat-the-gioi-3352454.html
/Default.aspx?tabid=296&CtrName=detail&ArticleId=7387&CatID=3&PageIndex=9
/Default.aspx?tabid=296&CtrName=detail&ArticleId=6175&CatID=3&PageIndex=26