Nhiều nước sửa đổi chính sách BHTG nhằm ứng phó tình hình mới
Thời gian qua, đặc biệt là trong thời kỳ dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và lan rộng trên toàn thế giới cũng như những biến động về chính trị, kinh tế thế giới, nhiều quốc gia đã có động thái sửa đổi, bổ sung chính sách BHTG. Các sửa đổi theo hướng nâng cao vai trò của tổ chức BHTG, trao thêm quyền hạn cho tổ chức BHTG, phù hợp thực tiễn, đồng bộ với hệ thống luật pháp và phát huy hơn nữa vai trò của tổ chức BHTG trong hệ thống tài chính tiền tệ, nhằm ứng phó kịp thời với những nguy cơ và thách thức khó lường trên thị trường tài chính.
Nhằm ngăn ngừa những tác động tiêu cực trên thị trường tài chính tiền tệ, bên cạnh các chính sách lãi suất, các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế, một số nước như Canada, Malaysia, Geogia đã thông qua Luật BHTG sửa đổi, Bangladesh đã đệ trình dự luật BHTG sửa đổi lên Quốc hội. Các quốc gia này đều hướng tới tăng cường năng lực của tổ chức BHTG, gia tăng công cụ xử lý của tổ chức BHTG – đây sẽ là yếu tố quan trọng góp phần vào sự phát triển an toàn, lành mạnh của hệ thống tài chính tiền tệ của mỗi quốc gia. Khi niềm tin người gửi tiền được củng cố, quyền lợi của họ được đảm bảo thì sự ổn định của hệ thống tài chính mới được giữ vững trước những rủi ro, bất trắc trên thị trường tài chính thế giới.
Chẳng hạn, tại Canada, Chính phủ đã sửa đổi Đạo luật BHTG để hiện đại hóa và tăng cường khuôn khổ bảo hiểm. Những thay đổi sẽ có hiệu lực theo hai giai đoạn –từ 30/4/2020 và từ 30/4/2021 nhằm cho phép Tổng công ty BHTG Canada (CDIC), các tổ chức thành viên và các bên liên quan khác thực hiện các điều chỉnh về thủ tục hoặc hoạt động. Khi có hiệu lực, các sửa đổi của Đạo luật này sẽ thay đổi phạm vi và cách thức bảo hiểm, ảnh hưởng đến các lĩnh vực hoạt động chính của các tổ chức thành viên và các chuyên gia tài chính.
Các sửa đổi của Đạo luật BHTG bao gồm các thay đổi về phạm vi bảo hiểm của các khoản tiền gửi ký quỹ, các khoản tiền gửi do hai người trở lên đồng sở hữu và các khoản tiền gửi được giữ trong các kế hoạch đã đăng ký (ví dụ RRSP, RRIF, RESP, RDSP và TFSA). CDIC sẽ sửa đổi văn bản dưới luật về tiết lộ tài khoản chung và ủy thác (JTDB) để phản ánh những thay đổi ảnh hưởng đến các khoản tiền gửi này. Việc ban hành các sửa đổi đối với JTDB sẽ phù hợp với các thay đổi của Đạo luật BHTG liên quan đến bảo hiểm riêng cho các khoản tiền gửi đủ điều kiện theo Kế hoạch tiết kiệm giáo dục đã đăng ký (RESPs) và Kế hoạch tiết kiệm cho người khuyết tật đã đăng ký (RDSP) cũng như các yêu cầu mới đối với tiền gửi ký quỹ, kể từ ngày 30/4/2021.
CDIC sẽ làm việc với các tổ chức thành viên, các nhà môi giới và các bên liên quan khác để triển khai các yêu cầu mới này. Đồng thời, CDIC sẽ sửa đổi văn bản dưới luật về tiết lộ tài khoản chung và ủy thác để xây dựng thêm các yêu cầu này và sẽ trao đổi với các tổ chức thành viên, nhà môi giới và ủy thác chuyên nghiệp để đảm bảo rằng các quy tắc mới này được hiểu rõ và thực thi đúng. Bên cạnh đó, yêu cầu về dữ liệu và hệ thống sẽ được sửa đổi để phản ánh các thay đổi trong hạn mức bảo hiểm và tiếp tục hỗ trợ chức năng của CDIC, để chi trả cho người gửi tiền một cách nhanh chóng và chính xác trong trường hợp xảy ra đổ vỡ… Mục tiêu của CDIC là hỗ trợ triển khai kịp thời và hiệu quả những thay đổi này. Để hỗ trợ quá trình chuyển đổi, CDIC sẽ thông báo cho các tổ chức thành viên, chuyên gia tài chính, ủy thác và các bên liên quan khác về quy trình thực hiện để họ có thể lập kế hoạch và triển khai các nguồn lực phù hợp. CDIC sẽ công bố hướng dẫn, các biểu mẫu mới và tiếp tục tham khảo ý kiến trong ngành.
Còn tại Hàn Quốc, các cơ quan quản lý ngành tài chính cũng đã bàn thảo về việc trao thẩm quyền cho Tổng công ty BHTG can thiệp sớm, vào cuộc hỗ trợ cho các công ty tài chính gặp vấn đề nhằm ngăn ngừa khủng hoảng lan rộng.
Tại một số quốc gia, việc sửa đổi chính sách BHTG diễn ra vài lần. Chẳng hạn, tại Mỹ, Luật BHTG được ban hành trước khi Công ty BHTG Mỹ (FDIC) được thành lập (năm 1933), đây là tổ chức BHTG đầu tiên trên thế giới. Từ đó đến nay, Luật BHTG Mỹ đã được chỉnh sửa nhiều lần cho phù hợp với tình hình thực tế và nâng cao hiệu quả hoạt động của FDIC.
Bên cạnh đó, nhiều quốc gia với hệ thống BHTG phát triển cũng sẽ là những nguồn tư liệu và kinh nghiệm quan trọng để Việt Nam có thể nghiên cứu và tham khảo trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật BHTG tại Việt Nam sắp tới.
Nâng cao vai trò của tổ chức BHTG trong bảo vệ người gửi tiền và an toàn hệ thống ngân hàng
Tại Việt Nam, từ khi Luật BHTG được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua vào ngày 18/6/2012 và chính thức có hiệu lực từ 01/01/2013 tới nay, quá trình thực thi đã kéo dài 10 năm với nhiều kết quả tích cực. Với việc luật hóa và cụ thể hóa nhiều nội dung, Luật BHTG đã nâng cao hiệu lực cũng như khả năng thực thi của chính sách BHTG, đưa chủ trương bảo vệ người gửi tiền và đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng lên một tầm cao mới. Luật này đã xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước về BHTG, tổ chức BHTG, tổ chức tham gia BHTG cũng như quy định về quyền lợi của người gửi tiền, qua đó tạo hành lang thông thoáng, rõ ràng cho hoạt động BHTG. Suốt quá trình triển khai rốt ráo, các quy định của luật đã đi vào cuộc sống, tiếp tục phát huy hiệu quả mạnh mẽ.
Có thể nói, những năm qua, với việc triển khai có hiệu quả Luật BHTG - hành lang pháp lý cao nhất cho hoạt động của BHTGVN, quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền luôn được bảo đảm, sự ổn định của hệ thống các TCTD cũng được duy trì.
Sự ra đời của Luật BHTG đã cho thấy sự phát triển tích cực của chính sách BHTG tại Việt Nam, khắc phục được những tồn tại, hạn chế của hệ thống pháp luật trước đó về BHTG, bổ sung những quy định có hiệu lực thực thi cao hơn và tiếp thu nhiều tiến bộ từ thông lệ quốc tế về BHTG.
Tuy nhiên, qua 10 năm triển khai, Luật BHTG cũng đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế, do thực tiễn đã có nhiều thay đổi, hơn nữa Luật chưa quy định, quy định chưa rõ hoặc có quy định nhưng không thống nhất với luật khác như: Về thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm, miễn phí BHTG; về tiền gửi không được bảo hiểm; về trục lợi BHTG...
Những năm gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo quan trọng liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung Luật BHTG. Theo đó, tại Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 12/3/2019 về tăng cường giải pháp nhằm đảm bảo an toàn hoạt động, củng cố vững chắc hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND), Thủ tướng chỉ đạo NHNN: “Tăng cường vai trò và giao nhiệm vụ Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam và BHTGVN trong việc phối hợp tham gia, hỗ trợ chức năng kiểm tra, giám sát của NHNN đối với các QTDND; thực hiện tốt vai trò trách nhiệm đầu mối liên kết hệ thống của Ngân hàng Hợp tác xã trong điều hòa vốn, hỗ trợ cho vay đối với QTDND gặp khó khăn về tài chính, thanh khoản; tích cực tham gia xử lý các QTDND yếu kém hoặc có dấu hiệu mất an toàn trong hoạt động; nghiên cứu đề xuất việc sửa đổi Luật BHTG để sử dụng nguồn tiền kết dư phí BHTG để xử lý các TCTD yếu kém”.
Bên cạnh đó, các Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 và 2021-2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đều nhấn mạnh việc sử dụng nguồn lực của BHTGVN nhằm hỗ trợ phục hồi, xử lý các tổ chức tín dụng quy mô nhỏ gặp vấn đề. Để tạo hành lang pháp lý triển khai những chủ trương này, cần có quy định cụ thể trong Luật BHTG và đảm bảo sự thống nhất của luật này với các luật có liên quan như Luật sửa đổi, bổ sung Luật Các TCTD.
Chính vì vậy, tại Quyết định 689/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 mới được ban hành ngày 8/6/2022 vừa qua, Thủ tướng đã chỉ đạo nhóm giải pháp về cơ sở pháp lý cơ cấu lại, xử lý nợ xấu của TCTD có nội dung nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Luật Các TCTD, Luật BHTG và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan theo hướng: Nghiên cứu, xây dựng và bổ sung cơ chế hỗ trợ cho các TCTD tham gia cơ cấu lại các TCTD yếu kém để hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến tài chính và hoạt động; Nghiên cứu, bổ sung chức năng, nhiệm vụ của BHTGVN được tham gia cơ cấu lại TCTD yếu kém; Nghiên cứu, xây dựng tiêu chuẩn thẩm định giá khoản nợ (trong đó có khoản nợ xấu) nhằm tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động thẩm định giá khoản nợ, đảm bảo khách quan trong việc thẩm định giá của các khoản nợ (trong đó có khoản nợ xấu)...
Tại Nghị quyết số 62/2022/QH15 về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã yêu cầu tiếp tục rà soát, sửa đổi, hoàn thiện hành lang pháp lý, tổ chức thực hiện có hiệu quả về chính sách tiền tệ, ngoại hối, hoạt động kinh doanh vàng và hoạt động ngân hàng, trong đó có Luật BHTG.
Việc sửa đổi, bổ sung Luật BHTG được đặt ra ở thời điểm này là rất cần thiết, nhằm nâng cao hiệu quả bảo vệ người gửi tiền, bảo vệ an toàn hệ thống ngân hàng; xử lý những vướng mắc đã phát sinh trong quá trình triển khai chính sách này trong thời gian qua; và để có những quy định thống nhất với các Luật có liên quan như: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD (Luật số 17/2017/QH14), Luật Phá sản… Bên cạnh đó, sửa đổi, bổ sung Luật BHTG còn nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý, phù hợp với thông lệ quốc tế, nâng cao vị thế, vai trò của BHTGVN để tham gia sâu hơn, hiệu quả hơn vào quá trình cơ cấu lại hệ thống TCTD, bảo vệ tốt hơn, kịp thời hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền.
Hiện nay, BHTGVN đang bảo vệ cho tiền gửi của người gửi tiền tại 1.283 tổ chức tham gia BHTG, bao gồm 97 ngân hàng thương mại và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 1.181 quỹ tín dụng nhân dân (QTDND), 1 ngân hàng hợp tác xã và 4 tổ chức tài chính vi mô.