Hãng xếp hạng tín nhiệm toàn cầu Moody’s vừa đã xếp hạng tín nhiệm nhà phát hành nợ dài hạn của Chính phủ Việt Nam lên Ba3 từ mức B1; đồng thời thay đổi triển vọng thành “ổn định” từ “tích cực”. Bên cạnh tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ; thời hạn trung bình của nợ Chính phủ dài hơn cũng như việc giảm dần phụ thuộc vào nợ bằng ngoài tệ, một lý do nữa để Moody’s nâng xếp hạng cho Việt Nam là sức khỏe của ngành Ngân hàng được cải thiện.
Trong một báo cáo khác được công bố trước đó, hãng xếp hạng tín nhiệm này cũng tỏ ra lạc quan về triển vọng tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng Việt Nam, dựa trên cơ sở là nền kinh tế đang trên đà tăng trưởng mạnh và chất lượng tài sản của các ngân hàng được cải thiện.
Theo đó, lợi nhuận trung bình trên tài sản hữu hình (ROTA) của các ngân hàng Việt Nam đã tăng lên 0,97% trong năm 2017 từ 0,70% trong năm 2016; trong khi tỷ lệ nợ xấu giảm mạnh so với một năm trước đó. Nhìn về tương lai, Moody’s cũng kỳ vọng chỉ số lợi nhuận và chất lượng tài sản sẽ tiếp tục cải thiện trong năm 2018 - 2019.
Trước đó, Fitch Ratings cũng đã nâng xếp hạng tín nhiệm Nhà phát hành nợ dài hạn của 3 ngân hàng vốn nhà nước của Việt Nam gồm VietinBank, Vietcombank và Agribank, từ mức B+ lên BB-.
Quả vậy, chất lượng tài sản của các ngân hàng đã được cải thiện tích cực trong thời gian gần đây khi mà nợ xấu đã và đang được tích cực xử lý; chất lượng tín dụng cũng ngày một nâng cao.
Không thể phủ nhận Nghị quyết 42/2017/QH14 ra đời đã tạo ra bước đột phá mới trong việc xử lý nợ xấu của các TCTD. Thống kê từ Công ty Quản lý tài sản của các TCTD (VAMC) cho thấy, với sự vào cuộc quyết liệt cùng các giải pháp đồng bộ, tỷ lệ nợ xấu của toàn Ngành đã giảm xuống còn 2,18%. Trong đó, nợ xấu xử lý qua VAMC đến 30/6/2018 đạt 310.517 tỷ đồng theo dư nợ gốc nội bảng, ước tính đạt trên 40% tổng nợ xấu được xử lý. VAMC đã phối hợp với các TCTD thu hồi được gần 100 nghìn tỷ đồng.
Ông Đoàn Văn Thắng - Tổng giám đốc VAMC cho biết, riêng năm 2017, nhờ có sự ra đời của Nghị quyết 42 có hiệu lực từ ngày 15/8/2017, VAMC đã thu được 30.852 tỷ đồng. Con số thu hồi nợ này gần bằng 2/3 tổng giá trị thu hồi nợ của cả 4 năm trước đó.
Bên cạnh đó, điều mà giới chuyên gia ghi nhận từ Nghị quyết 42 là đã thay đổi tư duy trong việc vay và trả nợ. Với việc Nghị quyết 42 đã trao nhiều quyền hơn cho chủ nợ, con nợ không thể chây ì như trước đây được nữa.
Tuy nhiên, “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, giải pháp hiệu quả nhất để xử lý nợ xấu là ngăn ngừa nợ xấu mới phát sinh. Thấu hiểu điều này, nên NHNN thường xuyên nhắc nhở, chỉ đạo tăng trưởng tín dụng phải gắn liền với việc nâng cao chất lượng, hiệu quả tín dụng; phải tập trung tín dụng vào sản xuất kinh doanh cũng như các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ, đồng thời kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro như bất động sản, chứng khoán…
Tại Chỉ thị 04/CT-NHNN, một lần nữa Thống đốc NHNN lại yêu cầu các TCTD chủ động phân tích đánh giá tình hình để kiểm soát chất lượng, bảo đảm an toàn hoạt động cho vay, xử lý nợ xấu cũ, kiểm soát nợ xấu mới phát sinh. Đặc biệt, kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng và chất lượng tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như tín dụng đối với lĩnh vực đầu tư, kinh doanh bất động sản, lĩnh vực chứng khoán, tín dụng đối với nhóm khách hàng/nhóm khách hàng lớn, tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông... Kiểm soát chặt chẽ tín dụng tiêu dùng, nhất là tín dụng tiêu dùng liên quan đến bất động sản… NHNN sẽ tiến hành thanh tra đột xuất các TCTD có tốc độ tăng trưởng tín dụng cao vào lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, tiêu dùng, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng dư nợ.
Có thể khẳng định, nhờ những chỉ đạo xuyên suốt cùng việc kiểm tra, giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý về hoạt động tín dụng, cộng thêm tiến trình xử lý nợ xấu đang được quyết liệt triển khai, chất lượng tài sản của các TCTD đã được cải thiện tích cực. Điều đó cũng đã được các tổ chức quốc tế ghi nhận bằng sự thăng hạng nêu trên.