Phê duyệt Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu
Sau khi lấy ý kiến rộng rãi từ các cơ quan quản lý, thành viên thị trường, tổ chức phát hành và chuyên gia trên thị trường tài chính, ngày 14/8/2017 Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 1191/QĐ-TTg phê duyệt Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Nhìn nhận một cách khách quan, nội dung của bản Lộ trình thể hiện nỗ lực của Bộ Tài chính trong quá trình xây dựng và tham vấn các bên, cho thấy cam kết của Chính phủ trong phát triển thị trường trái phiếu theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại và hướng đến các chuẩn mựcvà thông lệ quốc tế.Bản Lộ trình đã đề cập ngắn gọn nhưng xúc tích các nội dung quan trọng để phát triển thị trường trái phiếu Việt Nam trong 3 năm tới và tầm nhìn đến năm 2030, từ quan điểm phát triển, các mục tiêu đến các nhóm giải pháp triển khai trong thực tiễn.
Giải pháp thực hiện đặt ra yêu cầu thực tiễn là phải hoàn thiện chính sách nhằm phát triển thị trường chuyên nghiệp, đa dạng hóa hệ thống nhà đầu tư, xây dựng các định chế trung gian và dịch vụ, tích hợp với các cấu phần khác của hệ thống tài chính. Nội dung xuyên suốt trong Lộ trình là cải thiện tính công khai, minh bạch và bảo vệ lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia thị trường theo hướng tiến tới tuân thủ các thông lệ quốc tế.
So với các bản lộ trình trước đây, Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu Việt Nam giai đoạn 2017-2020 có các mục tiêu rõ ràng, đặc biệt là các mục tiêu định lượng, như tỷ lệ mục tiêu vềdư nợ thị trường trái phiếu năm 2020 và năm2030 (tách bạch riêng cho loại trái phiếu); kỳ hạn bình quân danh mục phát hành trái phiếu Chính phủ (TPCP) trong nước giai đoạn 2017-2020 và2021-2030; tỷ trọng TPCP do công ty bảo hiểm, quỹ hưu trí, đầu tư và tổ chức tài chính phi ngân hàng nắm giữ...Để đạt được mục tiêu trên, trong giai đoạn 2017-2020, Chính phủ sẽ hoàn thiện khung khổ chính sách về thị trường; phát triển thị trường sơ cấp, thứ cấp; đa dạng hóa hệ thống nhà đầu tư; phát triển định chế trung gian và dịch vụ thị trường.
Mục tiêu và các nhóm giải pháp chủ yếu phát triển
thị trường trái phiếu 2017-2020, tầm nhìn 2030
Đối với BHTGVN, Lộ trình đề xuất hoàn thiện cơ chế chính sách, nghiên cứu và đề xuất các giải pháp cho phép BHTGVN được bán TPCP khi cần thiết (2017-2030) và khuyến khích BHTGVN tăng tỷ trọng mua và bán trái phiếu trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp nhằm tăng tính thanh khoản cho thị trường (2017-2030).
Để thúc đẩy tiến trình thực hiện và giải quyết những yêu cầu của các bên liên quan, Bộ Tài chính và Ngân hàng Thế giới (WB) đã tổ chức Hội nghị triển khai Lộ trình tại Sở giao dịch chứng khoán TP.Hồ Chí Minh vào cuối tháng 9/2017. Tại Hội nghị, đại diện cơ quan quản lý, tổ chức đối tác quốc tế, tổ chức phát hành, hiệp hội ngành nghề và các thành viên tham gia thị trường đều đánh giá chung nội dung trong Lộ trình có tính bao quát, tính thực tiễn và khả thi với khung thời gian triển khaiđược đề xuất cụ thể theo năm và giai đoạn.
Tác động đối với BHTGVN
Tác động tới hoạt động đầu tư nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi
Hoạt động đầu tư nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi (NVTTNR) của BHTGVN được thực hiện từ khi tổ chức được thành lập năm 1999 đến nay. Tuy nhiên, hoạt động đầu tư đã có sự thay đổi căn bản về cơ sở pháp lý và thực tiễn kể từ năm 2013, khi Luật Bảo hiểm tiền gửi có hiệu lực thi hành. Trên thực tế, hoạt động đầu tư của BHTGVN từ thời điểm Luật có hiệu lực đến naytập trung chính và chủ yếu vào TPCP (chiếm trên 98% tổng nguồn vốn với mức tăng trưởng đều qua các năm), bao gồm hình thức mua TPCP trên thị trường sơ cấp và thứ cấp. Việc mua TPCP trên cả hai thị trường đem lại khoản lãi ổn định, tạo nguồn doanh thu khá cho BHTGVN. Nguồn vốn đầu tư tăng tương đối ổn định, từ 20-25%/năm.
Đầu tư vào TPCP có nhiều ưu điểm, như được đảm bảo chắc chắn bởi uy tín Chính phủ và tài sản quốc gia, có tính thanh khoản cao nhất hiện nay. Ngược lại, đầu tư vào TPCP cũng có nhược điểm như: Nhu cầu mua phụ thuộc vào việc phát hành và đấu thầu của Kho bạc Nhà nước (thứ tư hàng tuần), việc mua (trên thứ cấp) phụ thuộc vào nhu cầu của đối tác bán đối với khối lượng và kỳ hạn. Đến nay, BHTGVN chỉ mua và nắm giữ TPCP đến ngày đáo hạn và chỉ được bán khi cần thiết (khi chi trả tiền gửi được bảo hiểm). Hoạt động đầu tư trái phiếu chưa thực sự phù hợp với quy luật thị trường và tạo ra bất lợi không nhỏ đối với kết quả đầu tư của BHTGVN (lãi suất không thấp vẫn phải mua và lãi suất cao lại không được bán…).
Thông tư số 312/2016/TT-BTC ngày 24/11/2016 của Bộ Tài chính quy định chế độ tài chính đối với BHTGVN và quy chế đầu tư NVTTNR của BHTGVN cho phép BHTGVN được bán TPCP trong trường hợp cần chi trả. Tuy nhiên, văn bản điều chỉnh cao nhất là Luật BHTG lại chưa có quy định cụ thể về nội dung này. Như vậy, các quy định hiện hành về hoạt động đầu tư NVTTNR của BHTGVN chưa thống nhất, chưa cho phép BHTGVN được linh hoạt mua và bán trái phiếu trên thị trường.
Tác động của Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu
Trong Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu có 2 giải pháp liên quan đến BHTGVN, đó là:(1)Hoàn thiện cơ chế chính sách cho phép BHTGVN được bán TPCP khi cần thiết; (2)Khuyến khích BHTGVN tăng tỷ trọng mua và bán TPCP trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp để tăng tính thanh khoản cho thị trường. Đây là thông điệp và cam kết pháp lý quan trọng tháo gỡ vướng mắc hiện nay của BHTGVN về việc không được bán TPCP để thực hiện mục tiêu chính sách công khi cần chi trả và cho phép thêm cơ hội để đa dạng hóa và linh hoạt mua và bán trên hai thị trường sơ cấp và thứ cấp. Tuy nhiên, ngay cả khi cơ chế chính sách đã cho phép BHTGVN được bán TPCP khi cần thiết, việc tăng tỷ trọng mua và bán TPCP trên hai thị trường này lại phụ thuộc vào các điều kiện pháp lý ràng buộc BHTGVN về việc chỉ được bán khi cần thiết. Như vậy, giải pháp thứ nhất hạn chế tính khả thi của giải pháp thứ hai và giải pháp thứ hai phụ thuộc bởi điều kiện của giải pháp thứ nhất.
Về lộ trình thực hiện hai giải pháp đối với BHTGVN, việc quy định hoàn thiện cơ chế chính sách cho phép BHTGVN được bán TPCP khi cần thiếtbắt đầu từ giai đoạn 2021-2030 (bao gồm cả hoàn thiện cơ chế chính sách và nghiên cứu đề xuất các bước đi cụ thể) đặt ra áp lực cho BHTGVN trong việc tăng tỷ trọng mua và bán TPCP trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấpngay từ năm 2017 theo Lộ trình. Dù muốn hay không, trong vai trò của một chủ thể tham gia thị trường, BHTGVN không thể kỳ vọng thực hiện hiệu quả các yêu cầu về tăng tỷ trọng mua - bán trên thị trường sơ cấp và thứ cấp ngay từ cuối năm 2017, hoặc đầu năm 2018 nếu như BHTGVN vẫn chưa được chủ động mua và bán TPCP trên thị trường .
Theo báo cáo của BHTGVN, số liệu đầu tư thực tế vào TPCP trên thị trường thứ cấp chỉ chiếm tỷ trọng thấp trong tổng NVTTNR của BHTGVN (dưới 20%). Điều này phản ánh những khó khăn hiện nay của BHTGVN trong việc cải thiện đầu tư NVTTNR theo hướng tăng tỷ trọng vào thị trường thứ cấp, đặt ra áp lực về việc hiện thực hóa các giải pháp liên quan đến BHTGVN trong Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu Việt Nam 2017-2010, tầm nhìn đến năm 2030 như kế hoạch đã được phê duyệt.
Đề xuất triển khai đối với BHTGVN
Với khung pháp lý hiện hành và với số vốn hiện có, BHTGVN gần như đầu tư toàn bộ vào TPCP theo đúng quy định của pháp luật. Trong trường hợp cần nguồn vốn lớn để phục vụ chi trả tiền bảo hiểm tại các tổ chức bị đổ vỡ, cũng như tham gia vào quá trình tái cơ cấu TCTD yếu kém theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Thống đốc NHNN, BHTGVN sẽ khó có thể đảm bảo thanh khoản cần thiết khi luật hiện hành chỉ cho phép BHTGVN được mua và giữ TPCP đến ngày đáo hạn; trong khi chưa có quy định cụ thể hướng dẫn về quy trình, thủ tục, điều kiện về bán TPCP khi cần thiết. Đây là bất cập lớn nhất trong thời gian qua với BHTGVN.
Trong vai trò của một chủ thể tham gia thị trường trái phiếu, một nhà đầu tư, BHTGVN đề xuất Bộ Tài chính và các cơ quan quản lý điều chỉnh khung thời gian thực hiện giải pháp hoàn thiện cơ chế chính sách cho phép BHTGVN được bán TPCP khi cần thiếtngaytừ cuối năm 2017 thay vì 2021-2030 để phù hợp với việc BHTGVN từng bước triển khai các giải pháp tăng tỷ trọng mua và bán TPCP trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp,như Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu đã xác định .
Phó Tổng giám đốc Vũ Văn Long và Phòng Nguồn vốn & Đầu tư
Tài liệu tham khảo
- Quyết định số 1191/QĐ-TTg ngày 14/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2030
- Lộ trình thực hiện các giải pháp phát triển thị trường trái phiếu Việt Nam (Ban hành kèm theo Quyết định 1191)
- Quyết định 252/QĐ-TTG ngày 01/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam giai đoạn 2011-2020
- Quyết định 1826/QĐ-TTg ngày 6/12/2012 Phê duyệt Đề án Tái cấu trúc thị trường chứng khoán, doanh nghiệp bảo hiểm
- Tài liệu Hội nghị triển khai Lộ trình phát triển thị trường Trái phiếu giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2030 ngày 22/9/2017
- Nghị quyết 42/2017/QH14 ngày 21 tháng 6 năm 2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng
- Luật Ngân hàng Nhà nước 2010 (Luật số 46/2010/QH12 ngày 16 tháng 6 năm 2010 của Quốc hội
- Luật các tổ chức tín dụng 2010 (Luật số 47/2010/QH12 ngày 16 tháng 6 năm 2010 của Quốc hội
- Luật Bảo hiểm tiền gửi (Luật số 06/2012/QH13) ngày 18/6/2013 của Quốc hội
- Dự thảo Thông tư quy định xếp hạng tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài
- http://tinnhanhchungkhoan.vn/trai-phieu/rong-dat-phat-trien-thi-truong-trai-phieu-201293.html