Nền móng cho sự phát triển bền vững
Đánh giá về việc thực hiện Quyết định số 254/QĐ-TTg (Đề án 254) về Cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011-2015, NHNN cho biết, NHNN đã kiểm soát được và từng bước xử lý các TCTD yếu kém. Sự ổn định, an toàn hoạt động và khả năng chi trả của hệ thống các TCTD được giữ vững và cải thiện căn bản. Bên cạnh đó, NHNN cũng đã xử lý kịp thời các sự cố thanh khoản, không để xảy ra rút tiền gửi trên diện rộng, không để đổ vỡ, khủng hoảng ngân hàng xảy ra ngoài tầm kiểm soát của Nhà nước; nguy cơ đổ vỡ, gây mất an toàn hệ thống các TCTD giảm đáng kể, tài sản của Nhà nước, nhân dân được bảo đảm an toàn, chi trả đầy đủ; nhân dân tin tưởng, ủng hộ các chủ trương, chính sách cơ cấu lại hệ thống các TCTD.
Kỷ cương, kỷ luật trên thị trường tiền tệ và trong lĩnh vực ngân hàng từng bước được tăng cường, tạo môi trường kinh doanh an toàn, lành mạnh. Hệ thống các TCTD vừa tái cơ cấu vừa đảm bảo tiếp tục tăng trưởng để hỗ trợ cho nền kinh tế. Nguồn vốn huy động, cung ứng tín dụng và dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế liên tục gia tăng với tốc độ nhanh dần, đồng thời giảm mạnh lãi suất cho vay đi đôi với duy trì sự ổn định tỷ giá của VND, góp phần ổn kinh tế vĩ mô, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Kết quả cơ cấu lại các TCTD giai đoạn 2011-2015 đặt nền móng quan trọng cho sự phát triển bền vững hơn của hệ thống ngân hàng ở giai đoạn tiếp theo.
Trong Đề án 254, Chính phủ và NHNN khuyến khích mua lại, sáp nhập, hợp nhất (M&A) giữa các TCTD theo nguyên tắc tự nguyện, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và các quyền, nghĩa vụ kinh tế của các bên có liên quan theo quy định của pháp luật. Theo đó, từ năm 2011 đến tháng 12/2015, số lượng TCTD đã giảm đi 19 tổ chức thông qua sáp nhập, hợp nhất, mua lại, giải thể, thu hồi giấy phép (trong đó có 09 ngân hàng, 02 TCTD phi ngân hàng và 08 chi nhánh ngân hàng nước ngoài).
Tái cơ cấu giai đoạn 2016-2020 – xử lý dứt điểm TCTD yếu kém
Trên cơ sở tổng kết, đánh giá Đề án 254, NHNN đang khẩn trương nghiên cứu xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ Đề án tái cơ cấu hệ thống TCTD gắn với với xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD giai đoạn 2016-2020.
Mục tiêu của Đề án này là tiếp tục cơ cấu lại căn bản, triệt để và toàn diện hệ thống các TCTD để đến năm 2020 phát triển được hệ thống các TCTD đa năng theo hướng hiện đại, hoạt động an toàn, hiệu quả vững chắc với cấu trúc đa dạng về sở hữu, quy mô, loại hình có khả năng cạnh tranh lớn hơn và dựa trên nền tảng công nghệ, quản trị ngân hàng tiên tiến phù hợp với thông lệ, chuẩn mực quốc tế về hoạt động ngân hàng nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu về dịch vụ tài chính, ngân hàng của nền kinh tế cũng như hướng tới sự ổn định và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước. Không để xảy ra đổ vỡ và mất an toàn hoạt động tín dụng, ngân hàng; đảm bảo chi trả đầy đủ và kịp thời cho người gửi tiền; giảm thiểu tổn thất, chi phí xử lý những vấn đề rủi ro phát sinh của hệ thống các tổ chức tín dụng; tập trung lành mạnh hóa và tăng cường năng lực tài chính; nâng cao năng lực quản trị điều hành; nâng cao hiệu quả hoạt động cũng như đảm bảo an toàn theo chuẩn mực quốc tế và yêu cầu của Ủy ban Basel; xử lý căn bản các yếu kém của hệ thống các TCTD; duy trì trật tự, kỷ cương và nguyên tắc thị trường trong hoạt động ngân hàng của các TCTD trong giai đoạn 2016-2020. Mục tiêu của đề án cũng phấn đấu đến năm 2020, các NHTM có mức vốn tự có theo chuẩn mực vốn của Basel II, trong đó ít nhất 10-12 NHTM triển khai thành công và đi đầu trong áp dụng Basel II; ít nhất 1-2 NHTM có quy mô và trình độ tương ứng với các ngân hàng trong khu vực để từng bước đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.
Trong giai đoạn 2 của quá trình tái cơ cấu, các giải pháp M&A sẽ vẫn được NHNN khuyến khích thực hiện đối với TCTD. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy M&A là một giải pháp phổ biến, hiệu quả để xử lý các TCTD yếu kém, có nhiều lợi thế so với các biện pháp khác, đặc biệt là biện pháp can thiệp của NHNN để đảm bảo các mục tiêu không làm gián đoạn hoạt động của các TCTD, bảo toàn được quyền và lợi ích của cổ đông, khách hàng, tiết kiệm chi phí, thời gian, nguồn nhân lực. M&A là một hoạt động bình thường trong chiến lược phát triển của mỗi định chế tài chính và toàn hệ thống nói chung nhằm hình thành những định chế hoặc những tổ hợp tài chính lớn hơn, mạnh hơn thông qua việc tăng cường hiệu quả kinh tế nhờ quy mô, đồng thời tạo lợi thế cạnh tranh nhằm gia tăng thị phần hoạt động.
Cùng với đó, một số giải pháp trọng tâm dự kiến được nêu tại Đề án này là tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp cơ cấu lại các TCTD theo mục tiêu, định hướng phát triển hệ thống các TCTD đến năm 2020. Xử lý kiên quyết, dứt điểm các TCTD yếu kém, đặc biệt chú trọng nghiên cứu, đề xuất các biện pháp quản lý, giám sát, cơ chế hỗ trợ cơ cấu lại các NHTM được NHNN mua lại; triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nêu tại Đề án xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD nhằm duy trì bền vững tỷ lệ nợ xấu dưới 3%; kết hợp xử lý nợ xấu với triển khai các biện pháp phòng ngừa, hạn chế nợ xấu mới phát sinh và nâng cao chất lượng tín dụng của các TCTD.
Năm 2016, NHNN vẫn tiếp tục chủ động triển khai các giải pháp cơ cấu lại các TCTD, xử lý nợ xấu gắn với việc triển khai Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế; đẩy mạnh xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường; thực hiện phân loại các khoản nợ đã mua từ TCTD để có biện pháp xử lý nợ xấu một cách hiệu quả.