Thời gian qua, các tổ chức xếp hạng hàng đầu trên thế giới đã liên tục hạ mức tín dụng của hàng loạt ngân hàng lớn trên thế giới. Hầu hết các ngân hàng châu Âu đang đối mặt với nguy cơ thua lỗ khổng lồ do đang sở hữu quá nhiều trái phiếu chính phủ của các nước khu vực euro, một số ngân hàng lớn lo ngại sẽ bị phá sản do các chính phủ châu Âu đã suy kiệt và đang dốc sức để chống suy thoái kinh tế.
Một lần nữa bài toán tái cơ cấu hệ thống ngân hàng trên thế giới lại được đặt ra với nhiều lời giải, cách thức khác nhau, nhưng tập trung vào một số cách thức chính.
Phân loại sức khỏe ngân hàng
Để tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, Hàn Quốc đưa ra chương trình rà soát theo chuẩn quốc tế, phân loại những mầm mống nguy hiểm nhất. Bộ khung tiêu chí được sử dụng để “khám sức khỏe” hệ thống ngân hàng tạm gọi là PCA (Prompt Corective Actiosn) với những nội dung xoay quanh hệ số an toàn vốn (CAR) của các ngân hàng.
Nhóm những ngân hàng tệ nhất không đáp ứng đủ các tiêu chuẩn về an toàn vốn theo Basel I (CAR 8%) bị buộc chấm dứt hoạt động độc lập, sáp nhập với ngân hàng có tình hình tài chính tốt hơn. Với nhóm ngân hàng thứ hai, dù hệ số CAR 8% nhưng có khả năng phục hồi, được yêu cầu sáp nhập với nhau.
Những ngân hàng có tình hình tài chính tốt cũng được khuyến khích sáp nhập để hình thành ngân hàng mới có quy mô lớn, hoạt động hiệu quả hơn, cung cấp đa dạng các dịch vụ và đủ sức phát triển trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng quyết liệt.
Cũng từ đây, số lượng ngân hàng Hàn Quốc sau tái cấu trúc đã giảm 40%, từ 33 ngân hàng (năm 1997) xuống còn 19 ngân hàng (năm 2002) nhưng quy mô vốn, chất lượng tài sản trên bảng cân đối kế toán, năng lực cạnh tranh và khả năng sinh lợi được gia tăng rõ rệt.
Tiếp theo đó, Chính phủ Hàn Quốc có một loạt động thái cải tổ chính sách nhằm hướng tới gia tăng sức mạnh và tính hiệu quả cho ngành ngân hàng.
Sáp nhập, hợp nhất để mạnh hơn
Mua lại, sáp nhập, hợp nhất để hình thành những định chế hoặc những tổ hợp tài chính lớn hơn, mạnh hơn thông qua việc tăng cường hiệu quả kinh tế nhờ quy mô, đồng thời tạo lợi thế cạnh tranh nhờ việc gia tăng thị phần hoạt động là một xu thế phổ biến và diễn ra mạnh mẽ trên thế giới, và cũng là một trong những biện pháp hữu hiệu trong quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng tại nhiều quốc gia.
Có thể kể đến một số thương vụ sáp nhập lớn nhất trong lịch sử ngành tài chính ngân hàng. Đầu tiên là vụ sáp nhập lớn chưa từng thấy trong lịch sử ngành ngân hàng châu Âu nói riêng và trong ngành công nghiệp tài chính toàn cầu nói chung của hai ngân hàng ABN AMRO của Hà Lan và Barclays PLC của Anh, hình thành nên tập đoàn ngân hàng hàng đầu thế giới tính theo số vốn thị trường. Kế tiếp là vụ sáp nhập của Bank of America với Merrill Lynch, giúp Bank of America đạt tham vọng đứng đầu ngành ngân hàng nội địa của Mỹ xét theo tiêu chí tiền gửi và lượng vốn hóa thị trường.
Ngoài ra, có thể kể đến vụ sáp nhập của Wells Fargo với Wachovia giúp Wells Fargo nâng tầm, đứng ngang hàng với các đối thủ tên tuổi khác tại Mỹ như JP Morgan Chase và Bank of America. Hoặc vụ sáp nhập của UFJ Holding với Mitsubishi Tokyo Financial Group để hình thành Mitsubishi UFJ Financial Gropup hùng mạnh nhất thế giới, vượt qua Citigroup về giá trị tài sản
“Bàn tay hữu hình” của nhà nước
Chính phủ có thể đầu tư vào vốn cổ phần của các ngân hàng. Đây là giải pháp đã được thực hiện tại Mỹ và nhiều nước Châu Âu. Khởi đầu tại Anh, chính phủ đã mua cổ phiếu Royal Bank of Scotland (RBS) với giá 50.5 xu/cổ phiếu và sở hữu 67% ngân hàng này. Chính phủ Anh hiện cũng sở hữu 43% ngân hàng Lloyds. Chính phủ Hà Lan hiện sở hữu Ngân hàng ABN Amro.
Tuy nhiên, việc đầu tư vào các ngân hàng thương mại chỉ là tạm thời, chính phủ có chiến lược bán lại cổ phiếu cho khối tư nhân khi hai ngân hàng này hồi phục. Thực tế trước đó, RBS đã lỗ kỷ lục 24,1 tỷ bảng (34,2 tỷ) USD trong năm 2008. Hậu quả là tỷ lệ an toàn vốn CAR thấp hơn nhiều so với mức tối thiểu 8% theo yêu cầu và mức 10% theo kỳ vọng của thị trường.
Khi RBS có hệ số CAR rất thấp thì các ngân hàng và định chế tài chính khác sẽ cắt đứt quan hệ tín dụng với RBS và RBS sẽ mất khả năng vay vốn trên thị trường liên ngân hàng. Trong tình huống này, RBS mất thanh khoản hoàn toàn và lẽ đương nhiên, Chính phủ Anh đã ra tay thay vì để phá sản như Lehman Brothers. Chính phủ Anh ra tay bằng cách mua cổ phiếu của ngân hàng với giá rất rẻ (50 xu/cổ phiếu) và yêu cầu RBS thực hiện chương trình tái cấu trúc tài sản và nguồn vốn trong đó bao gồm bán đi hết các tài sản không thuộc phạm vi hoạt động cốt lõi. Tương tự, ngân hàng Lloyds đã phải đóng cửa nhiều chi nhánh ở nước ngoài và bán 300 tỷ bảng tài sản (25% tổng tài sản) không nằm trong hoạt động cốt lõi.
Tạo niềm tin
Tại hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG 2011) đầu tháng 12/2011 tại Hà Nội, Ngân hàng Thế giới (WB) đã mời đại diện của Malaysia, một nước có những nét tương đồng với Việt Nam mà thực hiện thành công tái cơ cấu khu vực tài chính đến chia sẻ kinh nghiệm. Bà Latifah Merican Cheong, cố vấn của văn phòng chủ tịch, thuộc ủy ban Chứng khoán Malaysia cho biết, bài học của Malaysia trong tái cơ cấu khu vực tài chính là cần phải thực hiện theo kế hoạch toàn diện và theo lộ trình hợp lý, cần minh bạch trong tái cơ cấu ngân hàng, cập nhật trên các trang mạng của cơ quan tái cơ cấu nợ nhà nước là Danaharta. Đặc biệt, hệ thống dữ liệu được công khai phải tạo được niềm tin cho người dân.
Ngoài ra, tại một số nước, Chính phủ có thể xem xét tăng mức bảo hiểm tiền gửi lên để gia tăng lòng tin của công chúng. Anh đã gia tăng mức bảo hiểm tiền gửi tối đa từ 35.000 bảng Anh (55.000 USD) lên 85.000 bảng Anh (135.000 USD) sau khủng hoảng tài chính năm 2008. Tại Philiphines, mức bảo bảo hiểm tiền gửi là 500.000 peso (12.000 USD).
Hiện nay, trước yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn mới, Chính phủ Việt Nam đã chỉ đạo việc xây dựng đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015 nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, quản trị tốt hơn, đa dạng hóa sản phẩm và dịch vụ, từng bước nâng cao tiềm lực tài chính và khả năng cạnh tranh; không còn tổ chức tín dụng yếu kém kéo dài, ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế.