DIV đóng góp tích cực trong bảo đảm an toàn của hệ thống TCTD
Hiện nay, DIV đang bảo vệ hơn 3 triệu tỷ đồng tiền gửi của người gửi tiền tại 1.252 tổ chức tham gia BHTG, bao gồm 92 ngân hàng thương mại (NHTM), Ngân hàng Hợp tác xã, 1.156 quỹ tín dụng nhân dân(QTDND) và 3 tổ chức tài chính vi mô. Từ khi thành lập đến nay, DIV đã thực hiện chi trả cho 1.793 người gửi tiền tại 39 QTDND bị giải thể bắt buộc; triển khai hiệu quả các nghiệp vụ BHTG như kiểm tra, giám sát định kỳ đối với 100% tổ chức tham gia BHTG… Sự ra đời của Luật BHTG năm 2012 đã khẳng định DIV là công cụ góp phần quan trọng trong việc duy trì sự ổn định hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) và bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền tại Việt Nam. Việc DIV thực hiện kịp thời hoạt động cấp và thu hồi chứng nhận BHTG cho các tổ chức tham gia, thu phí kịp thời đồng thời nâng cao chất lượng giám sát hoạt động đối với các TCTD này đã góp phần quan trọng vào việc duy trì sức khỏe và sự lành mạnh của hệ thống tín dụng đặc biệt với hơn một nghìn QTDND cơ sở đang phân bố ở khắp các vùng miền.
Trong những năm qua, thực hiện Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011-2015” theo Quyết định số 254/QĐ-TTg ngày 01/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ, về cơ bản, ngành Ngân hàng đã thực hiện theo đúng mục tiêu, định hướng đặt ra. Theo đó, NHNN đã kiểm soát và từng bước xử lý các TCTD yếu kém. Sự ổn định, an toàn hoạt động và khả năng chi trả của hệ thống các TCTD được giữ vững và cải thiện căn bản; xử lý kịp thời các sự cố thanh khoản, không để xảy ra rút tiền gửi trên diện rộng hay đổ vỡ, khủng hoảng ngân hàng ngoài tầm kiểm soát của Nhà nước.
Mặc dù quá trình tái cấu giai đoạn một đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, nhưng theo nhiều chuyên gia kinh tế, vẫn còn nhiều vấn đề chưa được giải quyết đó là vấn đề sở hữu chéo, nợ xấu, rủi ro thanh khoản và một rủi ro đang nổi lên đó là các NHTM dùng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn lớn dẫn đến rủi ro kỳ hạn rất là lớn. Hiện NHNN đang khẩn trương xây dựng đề án Tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) gắn với xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD giai đoạn 2016 - 2020. Mục tiêu của Đề án này là tiếp tục cơ cấu lại căn bản, triệt để và toàn diện hệ thống các TCTD để đến năm 2020 phát triển được hệ thống các TCTD đa năng theo hướng hiện đại, hoạt động an toàn, hiệu quả vững chắc với cấu trúc đa dạng về sở hữu, quy mô, loại hình có khả năng cạnh tranh lớn hơn.
Trong buổi làm việc với DIV tháng 8/2016, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cũng cho rằng vấn đề tiếp tục tái cơ cấu để xử lý các NHTM yếu kém và xử lý nợ xấu một cách thực chất là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong giai đoạn tới. Vì thế DIV cần được nâng cao vị thế, phát huy chức năng giám sát rủi ro, bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền, đóng góp tích cực hơn vào quá trình tái cơ cấu hệ thống các TCTD nói riêng, nền kinh tế nói chung.
Cần chỉnh sửa Luật BHTG
Về việc nâng cao vai trò của DIV trong quá trình tái cấu trúc hệ thống các TCTD trong giai đoạn tới, PGS.TS. Nguyễn Thị Mùi - chuyên gia kinh tế, Ủy viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia - cho rằng việc này là cần thiết. Ở một số nước trên thế giới, cơ quan BHTG được xem là thành viên rất quan trọng trong mạng an toàn tài chính quốc gia, bởi mục đích của BHTG không chỉ là bảo vệ quyền lợi người gửi tiền mà còn tham gia vào quá trình giám sát, kiểm tra các TCTD trong hoạt động tiền tệ, ngân hàng.
PGS.TS. Nguyễn Thị Mùi nhận xét rằng, ở một chừng mực nhất định, vai trò của DIV lại chưa được nhìn nhận đúng mức trong quá trình tái cơ cấu TCTD giai đoạn vừa qua mặc dù NHNN và Chính phủ đã có nhiều biện pháp cũng như công cụ để xử lý vấn đề nợ xấu, điển hình như Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Do đó, trong thời gian tới, khi mà nguồn lực tài chính có những hạn chế nhất định, NHNN chưa thể giải quyết hết những vấn đề đang là nút thắt, tồn đọng của TCTD thì sự tham gia của DIV trong quá trình tái cấu trúc này vào một số khâu là cấp thiết. Tuy nhiên, việc giao thêm nhiệm vụ mới cho DIV phải theo lộ trình nhất định. “Để nâng cao vị thế của DIV, tôi cho rằng điều đầu tiên là nhiệm vụ, chức năng của DIV cũng phải được nâng lên. Tiếp theo là chỉnh sửa Luật Bảo hiểm tiền gửi, đồng thời điều chỉnh hạn mức bảo hiểm cho người gửi tiền phù hợp hơn trong giai đoạn mới.” – bà Mùi chia sẻ.
Đồng tình với quan điểm trên, nhiều chuyên gia kinh tế còn cho rằng, để nâng cao vị thế của DIV cần chỉnh sửa Luật BHTG để DIV thể hiện rõ hơn vai trò trong hệ thống tài chính quốc gia. Bên cạnh đó, NHNN cũng tạo điều kiện, cung cấp thông tin nhằm nâng cao chất lượng giám sát hoạt động của các TCTD. DIV qua đó sẽ cung cấp cho NHNN các thông tin như kết quả phân loại các TCTD, việc chấp hành các qui định về an toàn hoạt động; các thông tin đột xuất về nguy cơ mất khả năng chi trả hoặc có thất thoát vốn, tài sản có tác động đến các TCTD khác...
Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đã yêu cầu NHNN chỉ đạo DIV hoàn thiện các Đề án về tăng hạn mức trả tiền bảo hiểm và có lộ trình áp dụng cơ chế phí bảo hiểm tiền gửi phân biệt, lấy ý kiến các Bộ, cơ quan liên quan, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó lưu ý việc tăng hạn mức cần gắn với việc nâng cao năng lực tài chính của DIV, đáp ứng đủ yêu cầu chi trả khi cần thiết; lộ trình cơ chế phí phân biệt cần gắn với năng lực và quyền hạn của DIV trong giám sát, đánh giá rủi ro, phân loại các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi.
Đồng thời, là cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với DIV, NHNN cũng cần tăng cường quản lý, chỉ đạo và có giải pháp để nâng cao năng lực tài chính, hiệu quả hoạt động của DIV, từ đó tổ chức này có thể tham gia tích cực, hiệu quả hơn vào các quá trình giám sát an toàn hoạt động của các TCTD và kiểm soát đặc biệt các NHTM yếu kém; tăng cường hỗ trợ về cơ chế nghiệp vụ, chia sẻ thông tin giữa NHNN với DIV để tạo điều kiện cho DIV sớm tích lũy đủ kinh nghiệm, nguồn lực sẵn sàng tham gia tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và ổn định thị trường tài chính.
Đối với DIV, bên cạnh yêu cầu tổ chức này phải hoàn thiện Đề án tăng hạn mức trả tiền bảo hiểm và tính toán thận trọng lộ trình áp dụng cơ chế phí bảo hiểm phân biệt, báo cáo NHNN để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, khi xây dựng Chiến lược phát triển BHTG giai đoạn 2017-2025, trong điều kiện khuôn khổ pháp lý cho phép DIV tham gia vào quá trình tái cơ cấu các TCTD cũng như có cơ chế sử dụng nguồn lực của tổ chức này để tái cơ cấu các TCTD yếu kém.