Theo ông Nguyễn Quốc Hùng – Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng, thời gian qua, hệ thống các TCTD đã được tái cơ cấu hiệu quả, với một số thành tựu nổi bật, khả quan. Toàn hệ thống đã xử lý được trên 760 nghìn tỷ nợ xấu, riêng phần nợ xấu được xử lý theo Nghị quyết 42 là trên 360 nghìn tỷ; tỷ lệ nợ xấu của các TCTD luôn được giữ ở mức dưới 3%.
Bên cạnh đó, các TCTD cũng tích cực nâng cao vị thế thông qua việc bổ sung vốn điều lệ, tăng cường năng lực tài chính (tăng từ mức 488 nghìn tỷ năm 2016 lên 790 nghìn tỷ vào cuối năm 2020, tương đương gấp 1,6 lần); từng bước ổn định tái cơ cấu một số TCTD yếu kém, tạo đà cho quá trình tái cơ cấu giai đoạn tiếp theo.
Ông Vũ Văn Long - Phó Tổng Giám đốc BHTGVN cho biết, BHTGVN đã tích cực tham gia vào quá trình tái cơ cấu hệ thống các TCTD thông qua triển khai có hiệu quả các nghiệp vụ BHTG như: giám sát từ xa đối với 100% tổ chức tham gia BHTG, kiểm tra tại chỗ theo kế hoạch và thực hiện kiểm tra chuyên sâu theo chỉ đạo của NHNN. Khi phát hiện các vấn đề sai sót, tồn tại cũng như các rủi ro, yếu kém, BHTGVN báo cáo NHNN để chấn chỉnh, xử lý.
BHTGVN truyền thông chính sách BHTG nhằm nâng cao niềm tin công chúng, góp phần đảm bảo an toàn hệ thống và giảm thiểu các rủi ro dẫn tới đổ vỡ TCTD; thúc đẩy quá trình huy động nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi trong cư dân để đáp ứng nhu cầu cho vay của các TCTD.
Trong quá trình tái cơ cấu các TCTD, việc đảm bảo niềm tin của người gửi tiền là rất quan trọng. BHTGVN cam kết chi trả theo hạn mức trả tiền bảo hiểm theo quy định của pháp luật khi tổ chức tham gia BHTG bị mất khả năng chi trả hoặc phá sản. Từ khi thành lập tới nay, BHTGVN đã chi trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền tại 39 QTDND bị giải thể, phá sản. Thời gian gần đây, hoạt động của các TCTD ổn định, do đó BHTGVN không phải thực hiện chi trả.
Cũng theo ông Vũ Văn Long, vai trò của BHTGVN ngày một rõ nét hơn qua các văn bản pháp lý thời gian qua. Bên cạnh những nhiệm vụ được quy định tại Luật Các TCTD sửa đổi (2017), Quyết định 689/QĐ-TTg ngày 8/6/2022 Phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025” và Nghị quyết số 62/2022/QH15 về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV… đều chỉ rõ việc nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung Luật BHTG và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; bổ sung chức năng, nhiệm vụ của BHTGVN được tham gia cơ cấu lại TCTD yếu kém.
Mới đây, theo Quyết định 1382/QĐ-NHNN (8/2022) ban hành Kế hoạch hành động thực hiện đề án “Cơ cấu lại các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025” theo Quyết định 689 (6/2022), Thống đốc NHNN cũng chỉ đạo BHTGVN tiếp tục rà soát, nghiên cứu, sửa đổi, hoàn thiện luật BHTG và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan theo hướng bổ sung chức năng, nhiệm vụ của BHTGVN được tham gia cơ cấu lại TCTD yếu kém; nghiên cứu sửa đổi luật BHTG để sử dụng nguồn tiền kết dư phí bảo hiểm cho xử lý QTDND yếu kém.
Những chức năng, nhiệm vụ này chủ yếu tập trung vào mục tiêu hỗ trợ TCTD kiểm soát đặc biệt có thể phục hồi, trở lại hoạt động bình thường. Bên cạnh đó, BHTGVN cũng trực tiếp tham gia sâu hơn vào quá trình tái cơ cấu QTDND như: tham gia Ban kiểm soát đặc biệt đối với QTDND, tham gia ý kiến đối với phương án phục hồi QTDND được kiểm soát đặc biệt; tham gia xây dựng phương án phá sản, xử lý/thanh lý tài sản để chi trả cho các chủ nợ theo quy định của pháp luật.
“Có thể thấy, trong quy định của pháp luật, vai trò của BHTGVN đã được nhấn mạnh, làm rõ hơn. Đây là cơ sở để BHTGVN tham gia chủ động, hiệu quả hơn trong giai đoạn tiếp theo của quá trình tái cơ cấu các TCTD” - ông Vũ Văn Long nhấn mạnh.
Theo ông Vũ Văn Long, mặc dù BHTGVN đóng vai trò quan trọng trong mạng lưới tài chính, là công cụ hữu hiệu của Chính phủ, NHNN trong việc bảo vệ quyền lợi người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các TCTD, tuy nhiên, việc các quy định về quyền hạn của tổ chức BHTG tại Luật BHTG và các luật liên quan chưa thống nhất, đồng bộ đã làm hạn chế sự tham gia có hiệu quả của BHTGVN trong tái cơ cấu TCTD.
Điển hình, Luật Các TCTD sửa đổi 2017 quy định việc tổ chức BHTG tham gia vào quá trình xây dựng các phương án tái cơ cấu QTDND. Tuy nhiên, quy định quyền và nghĩa vụ của tổ chức BHTG tại Luật BHTG chưa đảm bảo để tổ chức BHTG có thể tham gia sâu hơn vào quá trình tái cơ cấu TCTD (ví dụ như tham gia hỗ trợ kiểm tra, giám sát đối với QTDND, tham gia xây dựng các phương án tái cơ cấu QTDND, cho vay đặc biệt đối với QTDND bị kiểm soát đặc biệt…).
Theo quy định tại Luật Các TCTD sửa đổi 2017, BHTGVN cho vay đặc biệt đối với công ty tài chính, QTDND, tổ chức tài chính vi mô; BHTGVN mua trái phiếu dài hạn của TCTD hỗ trợ theo quyết định của NHNN. Trong khi đó, Luật BHTG chưa quy định các nội dung này, còn thiếu các văn bản dưới luật hướng dẫn thực hiện.
Hay như tại Quyết định 689 của Thủ tướng Chính phủ, một trong những nhiệm vụ mới của BHTGVN được quy định đó là vai trò hỗ trợ kiểm tra theo chỉ đạo của NHNN, nhưng nội dung này lại chưa được đề cập trong Luật BHTG.
Chính vì vậy, việc trao nhiệm vụ cho BHTGVN tham gia sâu hơn, có hiệu quả hơn vào tái cơ cấu hệ thống các TCTD là rất thiết thực. Để đạt được các mục tiêu trên, trước hết, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng như: Tiến tới luật hóa xử lý nợ xấu; bổ sung và sửa đổi Luật NHNN, Luật Các TCTD, Luật BHTG…
Cụ thể, ông Vũ Văn Long cho biết, BHTGVN đã hoàn thiện Chiến lược phát triển BHTG đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 để báo cáo Thống đốc NHNN trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong đó, nhấn mạnh vai trò của BHTGVN trong việc tham gia ngày càng sâu hơn, có hiệu quả hơn vào quá trình tái cơ cấu hệ thống các TCTD và đó là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm hướng tới sửa Luật BHTG thời gian tới.
Một nhiệm vụ quan trọng thứ hai theo ông Vũ Văn Long đó là, BHTGVN đã thực hiện tổng kết 10 năm thực thi Luật BHTG, từ đó đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật này nhằm đáp ứng những yêu cầu của thực tiễn hoạt động ngành Ngân hàng hiện nay. Đồng thời, đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế về phát triển mô hình BHTG hiệu quả.
Tiếp đến, BHTGVN sẽ tăng cường hoạt động giám sát, kiểm tra đối với các TCTD trong quá trình tái cơ cấu theo hướng thực hiện vai trò cảnh báo sớm, cũng như can thiệp kịp thời đối với các rủi ro tiềm ẩn của các TCTD, từ đó giúp các tổ chức này ngày càng phát triển lành mạnh; báo cáo NHNN xử lý các đơn vị vi phạm các quy định về an toàn trong hoạt động ngân hàng (nếu có).
“Đây sẽ là những nền tảng để BHTGVN có cơ sở triển khai nhiệm vụ, đặc biệt là tham gia sâu hơn vào quá trình tái cơ cấu TCTD trong thời gian tới’ - ông Vũ Văn Long khẳng định.